Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến Geneva, Thụy Sỹ tham dự IPU-138

15:50' - 24/03/2018
BNEWS Ngày 24/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới Sân bay quốc tế Geneva, Thụy Sỹ để tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 138 và các hội nghị liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến sân bay Geneve (Liên bang Thụy Sĩ) tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 138 (IPU - 138) diễn ra tại Liên bang Thụy Sĩ từ ngày 24 - 26/3/2018. Ảnh: Trọng Đức-TTXVN

Đúng 7 giờ 10 phút ngày 24/3 (giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tới Sân bay quốc tế Geneva, Thụy Sỹ để tham dự Đại hội đồng lần thứ 138 Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU-138) và các hội nghị liên quan theo lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Gabriela Cuevas Barron.

Đón và chào mừng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn tại Geneva có Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva Dương Chí Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Phạm Hải Bằng, đông đảo cán bộ Phái đoàn, Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sỹ.

Đại hội đồng lần thứ 138 Liên minh Nghị viện Thế giới khai mạc ngày 25/3. Chủ đề chung của IPU-138 là “Giải pháp chính sách nhằm tăng cường cơ chế toàn cầu về người di cư và tị nạn”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự kiến sẽ phát biểu tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng.

Các thành viên trong đoàn gồm nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đại biểu là lãnh đạo một số bộ, ngành, một số tỉnh thành cũng sẽ có nhiều hoạt động cụ thể đóng góp vào hoạt động chung của Đại hội đồng.

Được thành lập năm 1889 tại Paris (Pháp), Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) là tổ chức quốc tế tập hợp Nghị viện các quốc gia có chủ quyền.

Với 178 thành viên, 10 thành viên liên kết và đang tiếp tục mở rộng, IPU là trung tâm hoạt động ngoại giao Nghị viện khắp thế giới vì hòa bình, hợp tác giữa các dân tộc.

Hoạt động trên cơ sở Điều lệ chung, IPU Quy định hoạt động của Hội đồng điều hành, Ban Chấp hành, Đại hội đồng, các Ủy ban thường trực và quy định về tài chính.

Mục tiêu chính của IPU gồm thúc đẩy giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa các Nghị viện và nghị sỹ các nước; tham vấn, thể hiện quan điểm về các vấn đề liên quan tới lợi ích quốc tế nhằm đề xuất hành động cho các nghị viện và nghị sỹ.

Tại Kỳ họp Đại hội đồng IPU tháng 10/2007 (tại Geneva, Thụy Sỹ), lần đầu tiên đại diện của Quốc hội Việt Nam được Đại hội đồng tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành - cơ quan lãnh đạo cao nhất của IPU. Năm 2009, đại diện của Quốc hội Việt Nam giữ vị trí Phó Chủ tịch IPU.

Trên cương vị này, Quốc hội Việt Nam đã có điều kiện đóng góp trực tiếp, thiết thực hơn vào hoạt động của IPU, qua đó giới thiệu về Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục