Chủ tịch WB: Khoảng cách giàu nghèo tăng làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói

08:20' - 22/07/2023
BNEWS Người đứng đầu Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết khoảng cách ngày càng tăng giữa các quốc gia giàu và nghèo có nguy cơ khiến tình trạng nghèo đói tại các nước phát triển lớn hơn.

Phát biểu tại một cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), người đứng đầu Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết khoảng cách ngày càng tăng giữa các quốc gia giàu và nghèo có nguy cơ khiến tình trạng nghèo đói tại các nước phát triển lớn hơn.

 

Ông Ajay Banga, tân Chủ tịch WB, nói rằng nhiều quốc gia vẫn đang cố gắng phục hồi sau “cú đánh kép” của đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga- Ukraine khiến giá năng lượng và giá hàng hóa tăng.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu lại "làm khó hơn" cho quá trình phục hồi này, đặc biệt là các quốc gia kém phát triển, ít khả năng đối phó nhất.

Sự chia rẽ khoảng cách giàu nghèo, bắt nguồn từ sự thiếu tiến bộ, đã tác động tiêu cực tới các quốc gia nghèo nhất thế giới, khiến tình trạng nghèo đói lan rộng và sâu hơn.

Nhà lãnh đạo WB dẫn chứng các quốc gia ở khu vực Nam bán cầu đang phải trả giá cho sự thịnh vượng của thế giới. Họ lo ngại những nguồn lực, vốn đã hứa dành cho họ, sẽ chuyển hướng sang giúp tái thiết Ukraine. Họ cảm thấy các quy tắc năng lượng không được áp dụng đồng đều, có sự thiên vị và họ lo lắng rằng nghèo đói sẽ kéo một thế hệ khác của họ đi xuống.

Theo ông Banga, WB đang nỗ lực tăng cường khả năng tài chính của tổ chức - bao gồm cả việc huy động nguồn vốn kết hợp từ các cổ đông - để thúc đẩy tăng trưởng và việc làm. Nhưng ông lưu ý nền kinh tế trong tương lai không thể dựa vào việc mở rộng mà phải trả giá bằng môi trường và thế giới không thể “chịu đựng” thêm một giai đoạn tăng trưởng đi kèm với phát thải nhiều hơn nữa.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 nhóm họp tại thành phố Gandhinagar, bang Gujarat của Ấn Độ, để thảo luận các nội dung theo Khuôn khổ chung - sáng kiến G20 đưa ra năm 2020 nhằm giúp giãn nợ cho các nước nghèo. Tại buổi khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman, Chủ tịch và đồng thời là chủ nhà của hội nghị lần này, đã lên tiếng nhắc nhở các nhà lãnh đạo về trách nhiệm của họ "chèo lái nền kinh tế toàn cầu hướng tới tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện".

Bà cho biết nội dung chủ chốt trong chương trình nghị sự kéo dài hai ngày là đạt được đồng thuận liên quan đến tình trạng nợ gia tăng. Các cuộc thảo luận lần này sẽ tập trung vào những vấn đề cấp thiết trên toàn cầu như củng cố các ngân hàng phát triển đa phương và đưa ra hành động mang tính phối hợp về khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục