Chuẩn bị các thủ tục đầu tư 6 dự án nguồn điện trọng điểm trong năm 2021

16:33' - 14/01/2021
BNEWS Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2021, Tập đoàn sẽ đẩy nhanh thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư 6 dự án nguồn điện trọng điểm.

Các dự án này gồm: Nhiệt điện Dung Quất I & III, Thủy điện Trị An mở rộng; Nhiệt điện Ô Môn III, Nhiệt điện Quảng Trạch II và Thủy điện tích năng Bác Ái giai đoạn 2.

Cùng với đó, Tập đoàn sẽ phấn đấu hoàn thành các dự án: Thủy điện Thượng Kon Tum, Thủy điện Đa Nhim mở rộng, các dự án điện mặt trời Phước Thái 2&3; Cụm công trình cửa xả dự án Thủy điện tích năng Bác Ái.

Sau khi khởi công dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng vào đầu tháng 1 vừa qua, Tập đoàn sẽ tiếp tục khởi công 3 dự án nguồn điện khác là Nhiệt điện Quảng Trạch I, Thủy điện Ialy mở rộng, Nhiệt điện Ô Môn IV và dự án cơ sở hạ tầng Trung tâm điện lực (TTĐL) Dung Quất.

Ngoài các dự án nguồn điện, trong năm nay, Tập đoàn sẽ phấn đấu hoàn thành 256 công trình lưới điện và khởi công 227 công trình lưới điện từ 110-500kV.

Cụ thể, Tập đoàn tập trung đầu tư các công trình trọng điểm như: Đường dây 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2; Các công trình đồng bộ các nguồn điện lớn; Các công trình giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), các nhà máy thủy điện khu vực phía Bắc; Các công trình nhập khẩu điện từ Lào; các công trình cấp điện thành phố Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các khu vực phụ tải lớn...

Bên cạnh đó, triển khai thi công các dự án cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo phù hợp với phân bổ vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch 2021. Tổng giá trị đầu tư xây dựng của Tập đoàn trong năm 2021 là 97.124 tỷ đồng.

Để nâng cao chất lượng và đảm bảo tiến độ trong đầu tư xây dựng, hoàn thành kế hoạch năm 2021, Tập đoàn tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp như: Hoàn thiện hệ thống quy chế nội bộ và đóng góp tích cực các ý kiến cho hệ thống quy định pháp luật chung; Hoàn thiện mô hình tổ chức và nâng cao năng lực nhân sự quản lý dự án; Thu xếp đủ và kịp vốn cho đầu tư xây dựng; Cải tiến công tác chuẩn bị đầu tư để hiệu quả hơn; Kiểm soát chặt chẽ giai đoạn thực hiện đầu tư...

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng và rút ngắn tiến độ giai đoạn kết thúc đầu tư, Tập đoàn còn thực hiện tốt công tác  bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh lao động, áp dụng KHCN, chuyển đối số và công cụ quản lý.

Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện chương trình ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng và chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, để thực hiện tốt kế hoạch đầu tư trên, Tập đoàn đã kiến nghị Bộ Công Thương sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII để làm cơ sở cho EVN các đơn vị triển khai thực hiện.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp các các Bộ ngành liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đảm bảo cung ứng điện đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận như: Đẩy mạnh thực hiện các Chương trình Quản lý nhu cầu điện (DSM), Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Hoàn thiện các cơ chế chính sách để thúc đẩy tiến độ nguồn khí Lô B, Cá Voi Xanh và các dự án nguồn điện đồng bộ tại các TTĐL Ô Môn, Tua bin khí miền Trung, Dung Quất.

EVN cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục ưu tiên bố trí các nguồn vốn ODA, vốn vay nước ngoài để đầu tư các dự án điện của EVN; Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Pre-FS dự án Nhiệt điện Ô Môn III và điều chỉnh Tổng mức đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Sơn La.

Mặt khác, Tập đoàn còn kiến nghị Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sớm thông qua đề án thu xếp vốn các dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng và Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục