Chứng khoán châu Á đi xuống phiên đầu tuần 11/7

17:51' - 11/07/2022
BNEWS Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 11/7, giữa bối cảnh các nhà đầu tư đang thận trọng chờ đợi báo cáo về lạm phát tháng Sáu của Mỹ.

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 11/7, giữa bối cảnh các nhà đầu tư đang thận trọng chờ đợi báo cáo về lạm phát tháng Sáu của Mỹ, có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành thêm một đợt tăng lãi suất "mạnh tay" khác. Thêm vào đó, mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp quý II/2022 của Mỹ bắt đầu khởi động với những dự báo tiêu cực cũng tạo sức ép cho thị trường.

Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 1,8%. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và đồng USD đồng loạt tăng trong phiên này, chạm mức "đỉnh" 24 năm so với đồng yen của Nhật Bản.  Củng cố xu hướng chống lạm phát trên toàn cầu, các ngân hàng trung ương ở Canada và New Zealand dự kiến sẽ thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ trong tuần này.

Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc dứt chuỗi tăng điểm hai phiên liên tiếp và đi xuống trong phiên này, khi giới đầu tư giao dịch cầm chừng trước những quan ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế và khả năng kết quả kinh doanh của các công ty kém khả quan trong quý II vừa qua. Đóng cửa, chỉ số Kospi hạ 10,34 điểm (0,44%), xuống 2.340,27 điểm.

Tại Trung Quốc, xu hướng bán tháo trên hầu hết các thị trường châu Á và lo ngại về đợt phong tỏa mới tại Thượng Hải do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cũng khiến hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong đồng loạt đi xuống.

Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt giảm 601,58 điểm (2,77%) và 42,49 điểm (1,27%), xuống 21.124,20 điểm và 3.313,58 điểm.

Tuy nhiên, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lại tiếp tục ghi nhận phiên tăng điểm thứ ba liên tiếp vào ngày 11/7, với chiến thắng của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử hôm 10/7 đã góp phần trấn an giới đầu tư về sự ổn định chính trị. Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 tăng 295,11 điểm (1,11%), lên 26.812,3 điểm.

Tại thị trường Việt Nam, đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/7, VN-Index giảm 16,02 điểm xuống 1.155,29 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 538,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn 11.445,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 131 mã tăng giá, 319 mã giảm giá và 65 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 0,87 điểm xuống 276,93 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn hơn 58,34 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.131,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 69 mã tăng giá, 116 mã giảm giá và 47 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 0,71 điểm xuống 86,25 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 28 triệu đơn vị, tương ứng hơn 484,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 107 mã tăng giá, 157 mã giảm giá và 71 mã đứng giá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục