Chứng khoán Mỹ có tuần tăng điểm mạnh nhất trong 9 năm

15:04' - 29/12/2018
BNEWS Tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng kiến phiên tăng điểm mạnh nhất trong 9 năm nhờ hoạt động mua vào của giới đầu tư và số liệu tích cực từ kinh tế Mỹ.
Trong tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ lên xuống đan xen. Ảnh minh họa: TTXVN

Mặc dù để mất đà tăng trong một số phiên, song tính chung cả tuần, chỉ số S&P 500 vẫn tăng 2,86%, chỉ số công nghiệp Dow Jones cộng 2,75% và chỉ số công nghệ Nasdaq tiến 3,97%.

Trong phiên đầu tuần (24/12), chứng khoán Mỹ lao dốc bất chấp những nỗ lực trấn an của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Bộ Tài chính Mỹ mới đây cho biết ông Mnuchin đã thảo luận với các giám đốc điều hành (CEO) của những ngân hàng như Bank of America, Citi, Goldman Sachs, JP Morgan Chase, Morgan Stanley và Wells Fargo trong ngày Chủ nhật vừa qua.

Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh các CEO khẳng định rằng họ có đủ năng lực tài chính để cung cấp các khoản vay trong thời gian tới. Nhưng theo giới quan sát, các nỗ lực trấn an của ông Mnuchin đã không mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí còn làm dấy lên những lo ngại về triển vọng nền kinh tế Mỹ và qua đó "góp phần" vào làn sóng bán tháo trong phiên ngày 24/12.

Trong khi đó, đã xuất hiện những đồn đoán về khả năng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đương nhiệm Jerome Powell có thể bị Tổng thống Mỹ Donald Trump cách chức. Bộ trưởng Tài chính Mnuchin ngay sau đó đã khẳng định ông Trump chưa bao giờ đề nghị cách chức ông Jerome Powell, mặc dù luôn phản đối chính sách tăng lãi suất của Fed. Một số nhà phân tích khác nhận định việc có những đồn đoán như trên càng khiến thị trường bất an.

Sau khi đóng cửa nghỉ lễ phiên 25/12, chứng khoán Phố Wall ngày 26/12 đã có mức tăng điểm trong một phiên được xem là mạnh nhất trong 9 năm qua, chấm dứt 4 ngày suy giảm trước đó. Sự hồi phục của thị trường Phố Wall diễn ra sau vài phiên liên tiếp mất điểm và Mỹ công bố số liệu hoạt động bán lẻ tăng mạnh, cùng với việc Nhà Trắng tái khẳng định sẽ không sa thải Chủ tịch Fed.

Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng việc thị trường Phố Wall tăng điểm trở lại một phần nhờ các yếu tố kỹ thuật. Mastercard SpendingPulse đã công bố số liệu cho thấy doanh số bán lẻ trong đợt nghỉ lễ tại Mỹ đã tăng 5,1% lên hơn 850 tỷ USD, mức tăng mạnh nhất trong 6 năm qua.

Trong phiên giao dịch 27/12, các chỉ số trên thị trường Phố Wall đã mất đà do số liệu về lòng tin tiêu dùng gây thất vọng, nhưng các chỉ số chính đã bứt lên trong 30 phút cuối phiên, khi những lo ngại về nền kinh tế nhường chỗ cho hoạt động chốt lời. Đến phiên cuối tuần (28/12), ba chỉ số chính biến động trái chiều.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 76,42 điểm (0,33%) xuống 23.062,40 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 3,09 điểm (0,12%) xuống 2.485,74 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 5,03 điểm (0,08%) lên 6.584,52 điểm.

Theo các chuyên gia, vào thời điểm năm 2018 sắp khép lại, các nhà đầu tư đang chờ đợi các số liệu mới về tình hình kinh tế Mỹ dự kiến công bố vào tuần tới, trong đó có lĩnh vực chế tạo và việc làm.

Thống kê cho thấy trong tháng 12/2018 chỉ số S&P 500 đang trên đà giảm hơn 9%. Đây sẽ là mức giảm hàng tháng mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 2/2009.

Các nhà phân tích nhận định mối lo ngại về cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, tình trạng đóng cửa một phần của Chính phủ Mỹ và sự giảm tốc tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục là những nhân tố tác động đến tâm lý của giới đầu tư trong năm 2019.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục