Chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ Brexit

11:14' - 10/09/2016
BNEWS Sắc đỏ lan rộng trên các thị trường chứng khoán toàn cầu với Phố Wall chứng kiến mức giảm điểm mạnh nhất kể từ thời điểm thị trường đón nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh - Brexit.
Chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ Brexit. Ảnh: Reuters
Sắc đỏ lan rộng trên các thị trường chứng khoán toàn cầu với Phố Wall chứng kiến mức giảm điểm mạnh nhất kể từ thời điểm thị trường đón nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh - Brexit , trong bối cảnh một số quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) “đánh tiếng” về thời điểm nâng lãi suất sớm nhất có thể diễn ra.

Cụ thể, khép lại phiên 9/9, tại thị trường New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 394,46 điểm (2,1%) xuống mức thấp nhất trong phiên là 18.085,45 điểm, với tất cả 30 mã cổ phiếu blue-chip đều nằm trong vùng đỏ.

Chỉ số S&P 500 cũng giảm 2,5% xuống 2.127,81 điểm. Trong đó, dẫn đầu đà giảm điểm là nhóm cổ phiếu ngành dịch vụ công cộng và truyền thông (-3%), còn nhóm cổ phiếu năng lượng cũng mất 2,8% do giá dầu kỳ hạn giảm mạnh.

Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 2,5% và đóng cửa phiên này ở mức 5.125,91 điểm. Trước đó, chỉ số này liên tục xác lập mức cao kỷ lục trong hai phiên 7/9 và 8/9.

Đây cũng là phiên ghi nhận kết quả tồi tệ nhất kể từ ngày 24/6, khi chỉ số Dow Jones mất 3,4%, S&P 500 hạ 3,6% và Nasdaq Composite giảm 4,1%.

Đà bán tháo cổ phiếu trong phiên 9/9 đã khiến chỉ số Dow Jones giảm 2,2% trong tuần. Hai chỉ số chủ chốt khác là S&P và Nasdaq cũng hạ lần lượt 2,4% nếu tính chung cả tuần vừa qua.

Phát biểu trong ngày 9/9, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, ông Eric Rosengren cho rằng việc tăng lãi suất là cần thiết để nền kinh tế tránh nguy cơ trở nên “quá nóng”. Trong khi đó, một quan chức Fed khác, thành viên hội đồng thống đốc Daniel Tarullo, “để ngỏ” khả năng Fed tăng lãi suất trong năm 2016 tại một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.

Nhận định của ông Rosengren mở ra triển vọng Fed có thể tăng lãi suất sớm nhất tại cuộc họp, diễn ra vào ngày 20-21/9, bất chấp các số liệu trái chiều của nền kinh tế hàng đầu thế giới. Điều này cũng khiến nhà đầu tư đẩy mạnh bán cổ phiếu do lo ngại về khả năng thị trường tiền tệ Mỹ sẽ sớm bị thắt chặt.

Các nhận định của quan chức Fed cũng gây ra tâm lý ảm đạm trên thị trường chứng khoán châu Âu, nhất là sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định duy trì lãi suất hiện hành và không mở rộng chương trình mua trái phiếu.

Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số FTSE 100 tại thị trường London (Vương quốc Anh) giảm 1,2%. Chứng khoán Frankfurt của Đức mất 1% và thị trường Paris của Pháp cũng lùi 1,1%.

Tâm lý căng thẳng xuất hiện trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương sau khi CHDCND Triều Tiên ngày 9/9 tuyên bố đã tiến hành thành công một vụ thử hạt nhân thứ 5 của nước này, khiến các sàn chứng khoán Seoul (Hàn Quốc), Sydney (Australia), Thượng Hải (Trung Quốc) và Singapore giảm mạnh.

Riêng chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Nhật Bản, mặc dù giảm điểm vào đầu phiên song đã "lội ngược dòng" thành công với mức tăng nhẹ 6,99 điểm, nhờ vào những hy vọng rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tăng cường các chính sách kích thích kinh tế trong cuộc họp cuối tháng này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục