Chứng khoán thế giới phiên 14/3 phục hồi sau những biến động từ vụ SVB

08:01' - 15/03/2023
BNEWS Chứng khoán Mỹ và châu Âu đồng loạt phục hồi trong phiên 14/3, khi những lo lắng về ngành ngân hàng giảm bớt phần nào.

Cổ phiếu của ngành ngân hàng đã phục hồi sau khi thị trường “rung chuyển” vào đầu tuần này vì sự sụp đổ bất ngờ của hai ngân hàng Mỹ, khiến các nhà chức trách phải đưa ra các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn khả năng “sụp đổ lây lan” trong toàn ngành.

Những mức tăng đó đã hỗ trợ cho các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ. Tại thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,1%, lên 32.155,40 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng tới 1,7% lên 3.920,56 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 2,1% và khép phiên ở mức 11.428,15 điểm. 

Sự đi lên tại thị trường New York diễn ra sau một ngày giao dịch tương đối sôi động ở châu Âu, với chứng khoán London, Paris và Frankfurt đều tăng ít nhất 1%. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) tăng 1,2% lên 7.637,11 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tiến 1,8% lên 15.232,83 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) cũng ghi thêm 1,9% và đạt mức 7.141,57 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 phiên này tăng 2% và khép phiên ở mức 4.179,47 điểm.

Một yếu tố thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư là báo cáo mới nhất cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng Hai tăng 6% so với cùng kỳ một năm trước, thấp hơn con số của tháng Một và phù hợp với kỳ vọng.

Mặc dù đây là mức tăng hàng năm nhỏ nhất kể từ tháng 9/2021, nhưng mức này vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% trong dài hạn của các nhà hoạch định chính sách.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell đầu tháng cho biết ngân hàng trung ương này sẵn sàng tăng tốc độ tăng lãi suất nếu cần thiết. Nhưng sự sụp đổ bất ngờ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) vào ngày 10/3 và Signature Bank vài ngày sau đó có thể gây trở ngại.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs và Wells Fargo hiện dự đoán Fed sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào ngày 22/3, trong khi các nhà kinh tế tại JP Morgan và Oxford Economics thấy các nhà hoạch định chính sách của Fed hướng tới mức tăng 0,25 điểm phần trăm.

Ông Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn tài chính Pantheon Macroeconomics, cho biết nhìn chung các số liệu không đủ tốt để ngăn Fed tăng lãi suất tại cuộc họp tuần tới, với điều kiện thị trường bình ổn.

Chuyên gia này lưu ý lạm phát cơ bản trong các ngành dịch vụ cũng đang "giảm một cách chậm chạp", đồng thời cho biết thêm rằng tiến độ này sẽ không đủ để xoa dịu các nhà hoạch định chính sách “diều hâu” của Fed.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên 14/3, chỉ số VN - Index giảm 12,67 điểm (1,2%) xuống 1.040,13 điểm. Chỉ số HNX - Index cũng để mất 3,3 điểm (1,6%) xuống 202,55 điểm./.  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục