Chứng khoán tuần đầu năm Kỷ Hợi: Biến động khó lường theo thế giới

16:08' - 10/02/2019
BNEWS Thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ tăng điểm trong phiên giao dịch đầu tuần sau kỳ nghỉ Tết nhưng có thể biến động khó lường cùng với thị trường thế giới.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần tới: Biến động khó lường theo thế giới. Ảnh minh họa:TTXVN

Theo giới phân tích, tuần giao dịch đầu tiên của năm Kỷ Hợi được đánh giá là thiếu vắng thông tin vĩ mô trong nước hỗ trợ thị trường.

Vì vậy, các thông tin trên thế giới sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể biến động khó lường cùng với thị trường thế giới.

Dưới góc nhìn của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC, thị trường được dự báo sẽ tăng điểm trong phiên giao dịch đầu tuần sau kỳ nghỉ Tết. Dù vậy, diễn biến của chỉ số sẽ chịu ảnh hưởng khá nhiều từ biến động của thị trường thế giới.

“Chúng tôi cho rằng, việc nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao qua kỳ nghỉ Tết dài ngày sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tỷ trọng danh mục giai đoạn này nên được khống chế tối đa ở mức từ 20-25% cổ phiếu. Các hoạt động mua – bán cổ phiếu có thể được xem xét nếu thị trường có tín hiệu rõ ràng hơn về mặt xu hướng sau nghỉ Tết”, nhóm phân tích BVSC khuyến nghị.

Còn Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định, trong tuần giao dịch đầu tiên của năm Kỷ Hợi (11/2 - 15/2), tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư có thể giúp VN - Index thử thách lại vùng kháng cự 915 - 920 điểm.

SHS khuyên nhà đầu tư cân nhắc giải ngân thăm dò nếu như VN - Index vượt được kháng cự 920 điểm với thanh khoản tốt.

Nếu diễn biến trên không xảy ra thì những nhịp tăng điểm vẫn chỉ là cơ hội để cơ cấu danh mục và hoạt động mua vào vẫn nên tiết chế.

Nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam nêu quan điểm, rủi ro điều chỉnh vẫn còn khi VN - Index tiếp cận những ngưỡng kháng cự và hỗ trợ quan trọng.

Nhà đầu tư cần thận trọng và cân nhắc giảm dần tỷ trọng danh mục trong trường hợp tín hiệu xấu xuất hiện.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến tẻ nhạt trong tuần cuối cùng của năm Mậu Tuất với thanh khoản thấp và các chỉ số gần như đi ngang trong các phiên giao dịch.

Kết thúc tuần giao dịch (từ 28/1 đến 1/2), VN - Index giảm 0,21 điểm xuống 908,67; HNX - Index tăng 0,6 điểm lên 103,34 điểm.

Thanh khoản trong tuần tăng nhẹ so với tuần trước đó nhưng vẫn ở mức thấp với gần 3.100 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.

Dù các năm trước đây, thị trường thường có nhịp tăng điểm vào đầu năm âm lịch do tâm lý nhà đầu tư tích cực trở lại, dòng tiền tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán tìm kiếm cơ hội.

Tuy nhiên, năm nay kịch bản này có vẻ khó khăn hơn khi mà diễn biến của thị trường thế giới không mấy thuận lợi, cùng với những lình xình nội tại của thị trường thì yếu tố năm mới có thể chưa đủ mạnh giúp thị trường bứt phá đi lên.

Thực tế, tại thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (8/2), khi giới đầu tư thiếu yên tâm về đàm phán thương mại Mỹ - Trung và tiếp tục lo ngại về sự giảm tốc kinh tế toàn cầu.

Đóng cửa phiên giao dịch, Dow Jones hạ 0,25%, còn 25.106,33 điểm, đánh dấu chuỗi ba phiên giảm đầu tiên kể từ tháng 12. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tăng khoảng 0,1% phiên này, chốt ở mức 2.707,88 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,1%, đạt 7.298,2 điểm.

Thị trường chứng khoán châu Á cũng đã đồng loạt lao dốc ngay khi trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Theo đó, thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm mạnh trong phiên ngày 8/2.

Chỉ số Nikkei 225 trên thị trường Tokyo (Nhật Bản) đã hạ 2,01% xuống mức 20.333,17 điểm. Trong tuần này, chỉ số chứng khoán Tokyo đã để mất 2,19% giá trị.

Chỉ số Hang Seng tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,3% xuống 27.914,86 điểm.

Chứng khoán Seoul giảm 1,2%, chứng khoán Jakarta giảm 0,4% và chứng khoán Manila lùi 0,3%. Có lẽ, giới đầu tư trên toàn thế giới đang trông đợi vào diễn biến đàm phán thương mại Mỹ - Trung diễn ra trong tuần sau.

Theo các nhà kinh tế, động thái áp thuế quan có thể làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau sự phục hồi ngắn ngủi hồi đầu năm 2019.

Đây không chỉ là lực cản lớn đối với thị trường chứng khoán thế giới mà còn khiến giới đầu tư trong nước thận trọng trong giao dịch, ít nhất cho tới khi các cuộc đàm phán thương mại mang lại kết quả rõ hơn.

Xét về các yếu tố nội tại, rõ ràng các nhóm cổ phiếu đang giao dịch giằng co và phân hóa mạnh với sắc xanh, đỏ đan xen.

Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng là nhóm tích cực nhất trong tuần giao dịch vừa qua cũng chỉ tăng nhẹ với các mã cổ phiếu tiêu biểu như: VCB tăng 1,3%, MBB (3,3%), ACB (1%), SHB (1,4%)...

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng chung tình trạng phân hóa mạnh với sắc xanh, đỏ đan xen. Cổ phiếu dầu khí thường diễn biến theo xu hướng của giá dầu thế giới.

Giá dầu thế giới tuần qua sụt giảm do thị trường lo ngại nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu tăng chậm và giá đồng USD ở mức cao trong 6 tháng qua. Bước sang tuần giao dịch đầu tiên của năm Kỷ Hợi, nhóm cổ phiếu dầu khí đang gặp bất lợi đến từ giá dầu giảm.

Điểm tích cực nhất trong tuần giao dịch (từ 28/1 đến 1/2) là việc khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh trên toàn thị trường.

Theo đó, khối ngoại đã mua ròng tới hơn 410 tỷ đồng trên sàn HOSE, gần 82 tỷ đồng trên sàn HNX và 42,29 tỷ đồng trên thị trường UPCOM. Việc khối ngoại giữ được đà mua ròng trong những tuần gần đây đã giúp thị trường tránh được rủi ro giảm sâu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục