Chủng Omicron lây lan nhanh Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh có đặc tính gì?

14:50' - 10/03/2022
BNEWS Biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ nhanh hơn so với biến thể Delta và đây là biến thể được xác định có khả năng dễ lây nhiễm hơn so với các biến thể hiện có của virus SARS-CoV-2.

Biến thể Omicron lây lan nhanh ở Việt Nam

Theo báo cáo của Bộ Y tế, biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây ở các tỉnh, thành phố, nhất là ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Biến thể này thay thế dần biến thể Delta.

Tại Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, thị xã; trong đó biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số mẫu phát hiện biến thể Omicron.

Điều đáng nói, biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%.

Còn tại Tp. Hồ Chí minh, theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ trên báo Người Lao Động, qua xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên 119 trường hợp mắc COVID-19, TPHCM đã ghi nhận 103 người nhiễm biến chủng Omicron, chiếm 86%. Tuy nhiên, để biết chi tiết là BA.1 hay BA.2 thì cần phải giải mã trình tự gien. Qua giải mã trình tự gien 67 mẫu ghi nhận có 24 trường hợp nhiễm biến thể BA.1, và 43 trường hợp nhiễm biến thể BA.2.

Biến thể Omicron lây nhiễm nhanh gấp 7 lần

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo hồi tháng 12/2021 đã khẳng định điều này, căn cứ từ dữ liệu báo cáo thực tế cho thấy biến thể Omicron có tải lượng virus cao và điều này đồng nghĩa người nhiễm biến thể này cũng sẽ dễ lây nhiễm cho người khác hơn người mắc Delta.

 

Củng cố cho những đánh giá trên, Tiến sỹ Harish Chafle, chuyên gia tư vấn cấp cao thuộc bộ phận Kỹ thuật mạch máu và chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Toàn cầu ở Parel, Mumbai, cũng đưa ra luận điểm khoa học lý giải đặc tính dễ lây nhiễm của Omicron.

Tiến sỹ Chafle cho biết Omicron có khả năng gây lây nhiễm nhanh gấp 7 lần ở đường hô hấp trên so với các biến thể khác của SARS-CoV-2.

Theo ông, Omicron có xu hướng "trú" tại hệ hô hấp trên, hơn là phổi. Do đó, Omicron dễ lây nhiễm, song lại ít gây biến chứng nặng hơn so với các biến thể khác.

Lý giải cụ thể bằng khoa học, Tiến sỹ Trupti Gilada, Bác sỹ Tư vấn về Bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Masina, Mumbai cho rằng Omicron có hơn 50 đột biến không mã hóa và 32 đột biến trong số đó tập trung ở protein gai S.

Những đột biến này là yếu tố làm tăng khả năng lây nhiễm do sự giống nhau gia tăng giữa protein S với thụ thể ACE2, cũng như tăng khả năng của virus xâm nhập vào tế bào.

Do khả năng lây lan nhanh và mạnh, Omicron đang dần chiếm số đông các ca nhiễm mới tại nhiều nước, thay thể Delta trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo.

Người nhiễm Omicron có thể lây bệnh cho người khác trong 6 ngày 

Tạp chí medRxiv dẫn một nghiên cứu mới đây cho biết bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 vẫn có thể lây lan bệnh cho những người đã nhiễm các biến thể trước đó và thời gian trung bình lây lan ít nhất là 6 ngày.

Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu của 56 bệnh nhân mới mắc COVID-19, trong đó có 37 người nhiễm biến thể Delta và 19 người nhiễm Omicron. Tất cả các tình nguyện viên đều có các triệu chứng nhẹ giống như cúm và không ai phải nhập viện.

Tiến sỹ Amy Barczak ở Bệnh viện đa khoa Massachusetts tại Boston, đồng tác giả của công trình nghiên cứu trên, cho biết: "Trung bình, những người tham gia nghiên cứu không còn virus sau khoảng 6 ngày kể từ khi có xét nghiệm dương tính, tuy nhiên 25% các trường hợp vẫn tiếp tục lây lan virus trong hơn 8 ngày."

Theo ông Barczak, dù không biết chính xác cần một lượng virus bao nhiêu để truyền bệnh cho người khác, nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy những người bị nhiễm COVID-19 nhẹ có thể lây bệnh cho người khác trong vòng trung bình trong 6 ngày, "đôi khi có trường hợp lâu hơn."

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục