Chứng quyền có đảm bảo: Khung pháp lý và các vấn đề cần lưu ý

20:01' - 28/03/2018
BNEWS Chứng quyền có đảm bảo là công cụ đầu tư tài chính có thể giúp nhà đầu tư gia tăng tỷ suất sinh lợi nhưng đồng thời cũng làm tăng tỷ lệ lỗ cho nhà đầu tư khi chứng khoán cơ sở biến động ngược chiều.
Chiều ngày 28/3, tại Hà Nội, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo “Chứng quyền có bảo đảm- Khung pháp lý và các vấn đề cần lưu ý”. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Với mục tiêu thực hiện cập nhật và phổ biến các quy định về chứng quyền có đảm bảo tới các thành viên thị trường, chiều 28/3, tại Hà Nội, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo “Chứng quyền có bảo đảm- Khung pháp lý và các vấn đề cần lưu ý”.

Tại hội thảo, bà Trần Thị Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trình bày tổng thể về Chứng quyền có bảo đảm, Quy chế hướng dẫn và phòng ngừa rủi ro chứng quyền có bảo đảm, cách thức giao dịch - thanh toán chứng quyền, hạn mức chào bán chứng quyền…

Theo đó, điều kiện cổ phiếu niêm yết là chứng khoán cơ sở của chứng quyền, thuộc chỉ số VN30 hoặc HNX30 hoặc chỉ số tương đương thay thế; giá trị vốn hóa hàng ngày bình quân từ 5.000 tỷ đồng trở lê lên. Tổng khối lượng giao dịch trong 6 tháng tối thiểu đạt 25% số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng, hoặc giá trị giao dịch đạt 50 tỷ đồng/ngày trở lên…

Chứng quyền có bảo đảm là chứng khoán có tài sản bảo đảm do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành chứng quyền đó theo một mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước thời điểm đã được ấn định hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá trị thực hiện và chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

Nhà đầu tư sở hữu chứng quyền có bảo đảm có chứng khoán cơ sở là cổ phiếu sẽ không có bất cứ quyền nào đối với công ty như cổ đông của cổ phiếu đó. Nhà đầu tư sở hữu chứng quyền có bảo đảm cũng sẽ không có quyền biểu quyết, quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm… Tất cả các sự kiện doanh nghiệp liên quan đến cổ phiếu cơ sở của chứng quyền có đảm bảo (nếu có) phát sinh sẽ được điều chỉnh thông qua giá thực hiện và tỷ lệ chuyển đổi của chứng quyền có bảo đảm.

Với rất nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển, chứng quyền có bảo đảm ra đời là yếu tố tất yếu trong quá trình phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, chứng quyền có bảo đảm vẫn luôn tiềm ẩn những rủi ro nhất định.

Cụ thể, chứng quyền có đảm bảo là công cụ đầu tư tài chính có thể giúp nhà đầu tư gia tăng tỷ suất sinh lợi nhưng đồng thời cũng làm tăng tỷ lệ lỗ cho nhà đầu tư khi chứng khoán cơ sở biến động ngược chiều với nhận định của nhà đầu tư.

Các đại biểu tham dự Hội thảo “Chứng quyền có bảo đảm- Khung pháp lý và các vấn đề cần lưu ý”. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Cũng tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Vân, Phó Trưởng phòng Ngân hàng và các tổ chức tài chính, Cục Quản lý, giám sát kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính đã hướng dẫn kế toán chứng quyền có bảo đảm đối với các công ty chứng khoán được phép phát hành chứng quyền có bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Nhiều ý kiến thắc mắc của đại diện các công ty chứng khoán về Quy chế chào bán và phòng ngừa rủi ro Chứng quyền có bảo đảm, việc ghi lập và trình bày báo cáo tài chính đối với nghiệp vụ liên quan đến chứng quyền có bảo đảm đều được đại diện các ban ngành chức năng giải đáp thỏa đáng.

Hiện nay, khung pháp lý và các quy định liên quan đến sản phẩm chứng quyền có đảm bảo đã được Bộ Tài Chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam ban hành.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu tin tưởng sản phẩm mới chứng quyền có bảo đảm sớm đưa vào hoạt động sẽ mang lại những khởi sắc cho thị trường chứng khoán Việt Nam./.

>>> Chứng khoán 28/3: Cổ phiếu phân hóa, VN- Index lình xình quanh mốc tham chiếu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục