Chuỗi cung ứng lúa gạo Campuchia hướng tới khả năng chống chịu cao và bền vững

11:03' - 11/09/2024
BNEWS Chuỗi cung ứng lúa gạo Campuchia đang áp dụng quy trình canh tác bền vững, áp dụng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo hướng GMP, HCCP, ISO, ISF, BRC, Organic, Halla…để phát triển bền vững.

Ngày 10/9, tại thủ đô Phnom Penh đã diễn ra “Diễn đàn lúa gạo Campuchia lần thứ 7 năm 2024” với chủ đề “Cải thiện khả năng chống chịu bao trùm và bền vững của chuỗi cung ứng lúa gạo Campuchia”. Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Samdech Thipadei Hun Manet và nhiều lãnh đạo cấp cao Campuchia, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Huy Tăng cùng đại diện nhiều ngoại giao đoàn tham dự phiên bế mạc diễn đàn.

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, là sự kiện thường niên do Liên đoàn lúa gạo Campuchia (CRF) tổ chức, diễn đàn lúa gạo lần này thu hút 350 đại biểu trong nước và quốc tế tham gia, thể hiện tinh thần hợp tác của các bên liên quan trong việc cải thiện, nâng cấp chuỗi cung ứng lúa gạo ở Campuchia theo đúng tinh thần chủ đề của diễn đàn năm nay.

Chia sẻ tại diễn đàn, Oknha Song Saran, Chủ tịch Hội đồng quản trị CRF cho biết trong 10 năm gần đây, Campuchia đã xuất khẩu 6,1 triệu tấn gạo đến hơn 100 địa bàn thông qua 234 doanh nghiệp song hiện chỉ có hơn 30 doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động xuất khẩu thường xuyên.

Việc có thể duy trì hoạt động và khả năng chống chịu của các nhà máy, cơ sở xay xát lúa gạo và công ty xuất khẩu xuất phát từ sự quan tâm của Chính phủ nước này trong việc tăng tính cạnh tranh thông qua cơ chế miễn thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, hoạt động của các cơ sở xay xát, cũng như chính sách khuyến nông...

Qua đó, giúp nâng sản lượng lúa của Campuchia từ hơn 8 triệu tấn lên hơn 12 triệu tấn trong năm 2023 vừa qua, không những đảm bảo an ninh lương thực mà còn thặng dư xuất khẩu hơn 650.000 tấn gạo và hơn 4 triệu tấn lúa.

Theo Oknha Song Saran, diễn đàn lúa gạo Campuchia lần thứ 7 được tổ chức nhằm tăng cường, mở rộng chuỗi cung ứng lúa gạo của Campuchia trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế thế giới về cải thiện môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị tốt, điều kiện ràng buộc của thị trường quốc tế đối với hoạt động xuất khẩu gạo được áp dụng từ đầu năm 2026 đối với thị trường Cộng đồng châu  Âu. Để đáp ứng yêu cầu đó, CRF đã và đang thúc đẩy các thành viên áp dụng quy trình canh tác lúa bền vững, áp dụng tiêu chuẩn lúa gạo, thúc đẩy nâng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo hướng GMP, HCCP, ISO, ISF, BRC, Organic, Halla…

Tại diễn đàn lần này, các chuyên gia, nhà quản lý trong nước và quốc tế đã tham gia 3 phiên thảo luận xoay quanh các chủ đề “Nền tảng cạnh tranh và khả năng chống chịu của hoạt động canh tác nông nghiệp ở Campuchia”, “Nguyên tắc môi trường, xã hội, quản trị tốt và bền vững tài chính đối với lĩnh vực lúa gạo” và “Xu thế thị trường thế giới và vấn đề an ninh lương thực”.

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự sự kiện cũng có thêm nhiều thông tin bổ ích thông qua các tham luận chuyên đề của các nhà quản lý, chuyên gia, diễn giả trong nước và quốc tế xoay quanh vấn đề “Cải thiện khả năng chống chịu bao trùm và bền vững của chuỗi cung ứng lúa gạo Campuchia”, chủ đề trọng tâm của diễn đàn. Trong đó, có các tham luận “Cạnh tranh trong tương lai và khả năng chống chịu của hoạt động canh tác lúa”, “Tài chính xanh trong lĩnh vực nông nghiệp”, “Xu thế thị trường thế giới và vấn đề an ninh lương thực”...

Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề diễn đàn, ông Oknha Chan Sokheang, Chủ tịch CRF cho biết diễn đàn lúa gạo Campuchia lần thứ 7 có  quy mô lớn hơn mọi năm, nhận được sự tham gia ủng hộ của nhiều lĩnh vực liên quan, xuất phát từ tiến trình phát triển phù hợp, đúng hướng, ổn định của lĩnh vực lúa gạo ở Campuchia. Trong đó, có sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan bộ, ngành chủ quản các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và thương mại.

Ông Oknha Chan Sokheang cho rằng đây là 3 cơ quan bảo trợ, chăm lo, hỗ trợ hoạt động trồng trọt, chế biến và thị trường lúa gạo. Sự vào cuộc của 3 cơ quan này cho thấy bước tiến mới của lĩnh vực lúa gạo ở Campuchia, thể hiện sự đoàn kết, thống nhất trong việc hỗ trợ, thúc đẩy phát triển lĩnh vực này.

Theo Chủ tịch CRF, đến thời điểm này, hoạt động sản xuất liên quan lĩnh vực trồng lúa của Campuchia vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, vốn có nhiều dư địa, điều kiện phát triển so với các quốc gia trong khu vực. Ông cho rằng nếu so sánh về diện tích gieo trồng, Việt Nam có 7 triệu ha, có thể đạt sản lượng từ 46 triệu tấn đến 47 triệu tấn, trong khi Campuchia có 3,5 triệu ha nhưng mới đạt sản lượng 12 triệu tấn. Từ góc độ tiếp cận đó, Chủ tịch CRF nhận định: “Nếu so sánh sản lượng với sản lượng và diện tích gieo trồng, có thể thấy chúng tôi có rất nhiều tiềm năng phát triển”.

Trong khuôn khổ diễn đàn còn diễn ra hoạt động triển lãm, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ liên quan ngành hàng lúa gạo của Campuchia. Phụ trách một gian hàng tham gia sự kiện, ông Tha Chanthou, Giám đốc tiếp thị nội địa Công ty IBIS RICE - một doanh nghiệp sản xuất và chế biến lúa gạo của Campuchia - bày tỏ phấn khởi và gửi gắm nhiều kì vọng vào diễn đàn lần này.

Ông Tha Chanthou bày tỏ mong muốn thông qua diễn đàn lúa gạo Campuchia lần thứ 7, IBIS RICE có cơ hội giới thiệu tiềm năng sản phẩm của mình, cũng như sản phẩm nông nghiệp trong nước đến với khách hàng trong nước và quốc tế. Qua đó, khách hàng có thể tìm hiểu thêm về tiềm năng sản phẩm, cũng như tiếp nhận thêm nhiều thông tin mới liên quan các sản phẩm nông nghiệp của Campuchia, trong đó có sản phẩm gạo hữu cơ, một mặt hàng chủ lực IBIS RICE.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục