Chương trình Mỗi xã một sản phẩm-Chuyển hướng từ lượng sang chất

15:46' - 30/06/2018
BNEWS Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (tiếng Anh là One Commune One Product, viết tắt là OCOP) đang ngày càng phát huy hiệu quả và trở thành thương hiệu riêng của tỉnh Quảng Ninh.

Học tập từ phong trào “mỗi làng một sản phẩm – OVOP” của Nhật Bản và OTOP của Thái Lan,

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tới đây OCOP cần chuyển theo hướng từ lượng sang chất để quảng bá sản phẩm và xây dựng thành thương hiệu mạnh trong và ngoài nước.

45.000 tỷ đồng thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.Ảnh: Đồ họa TTXVN

Khẳng định thương hiệu

Kể từ khi thực hiện chương trình OCOP đến nay, Quảng Ninh đã có 180 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất được thành lập, đăng ký tham gia với trên 210 sản phẩm, nhóm sản phẩm, dịch vụ được cấp nhãn mác OCOP; trong đó, có 99 sản phẩm của chương trình đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao.

Nhiều sản phẩm trong số này phát triển dựa trên hoạt động sản xuất sẵn có, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như mực Cô Tô, miến dong Bình Liêu, ba kích Ba Chẽ, trứng gà Tân An, chả mực Hạ Long, hoa Hoành Bồ... Sau khi triển khai tái cơ cấu theo hướng sản xuất tập trung, các sản phẩm đều đảm bảo đủ điều kiện phát triển thành hàng hóa với sản lượng lớn.

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng ban điều hành OCOP cho biết, chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm” được tỉnh Quảng Ninh xây dựng và triển khai từ cuối năm 2013 nhằm tập trung phát triển sản phẩm từ những lợi thế về tài nguyên, văn hóa, lao động ở khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho cư dân và phát triển một cách bền vững.

Theo ông Đặng Huy Hậu, chương trình OCOP Quảng Ninh được hình thành với mục tiêu hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm đặc sản địa phương từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.

Trên cơ sở nguyên lý hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh (từ sản xuất - thu hoạch - chế biến - tiêu thụ) để gia tăng giá trị nguyên liệu bản địa. Chương trình OCOP xác định 2 đối tượng quan trọng là sản phẩm (sản phẩm và dịch vụ) và tổ chức kinh tế (tập trung vào hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ).

Không chỉ tập trung sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, tính chuyên nghiệp của chương trình thể hiện cả ở việc thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, thiết kế bao bì sản phẩm, website theo hướng hiện đại. Nhãn hiệu OCOP đã được đăng ký sở hữu trí tuệ, đồng thời, in ấn đồng bộ trên tất cả các sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Nghi, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã liên kết chặt chẽ các hợp tác xã trong tỉnh, sau đó mở rộng trên quy mô vùng và cả nước.

Không những thế, tỉnh cũng khuyến khích các hợp tác xã sớm thực hiện chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã 2012 để những hợp tác xã này tiếp cận với các chính sách ưu đãi mới. Từ sự vào cuộc quyết liệt đó đã giúp cho khu vực kinh tế tập thể của tỉnh phát triển, số lượng hợp tác xã không ngừng tăng ở nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, thông qua Chương trình OCOP, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập được 29 hợp tác xã, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển ngành nông nghiệp, trở thành điểm nhấn quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh.

Khảo sát mới đây của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Ninh cho thấy đa số các hợp tác xã đang dần chuyển đổi sang phương thức hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012. Cũng chính từ đó, hoạt động của các hợp tác xã này đã đi vào thực chất, hiệu quả hoạt động ổn định hơn, hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động.

Hơn nữa, Luật Hợp tác xã 2012 đã tạo hành lang pháp lý cho các hợp tác xã phát triển theo hướng bền vững, mô hình sản xuất cũng trở nên đa dạng, phong phú về ngành nghề góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giảm hộ nghèo ở địa phương.

Tạo dựng vị thế

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đánh giá cao chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh qua việc nhiều hợp tác xã mới thành lập ở những vùng có sản xuất hàng hóa phát triển và các điều kiện về quy mô phù hợp, trình độ cán bộ quản lý tương đối tốt, đặc biệt đã có sự liên kết với các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng thẳng thắn nhìn nhận sự phát triển của một số hợp tác xã vẫn còn ở mức nhỏ lẻ, chưa có tính cạnh tranh và sản phẩm có tính hàng hóa chưa nhiều.

Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ công nghiệp Phú Hải phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh chuyên sản xuất hương xuất khẩu là một trong những mô hình hợp tác xã có liên kết chặt chẽ chuỗi giá trị từ khâu đầu vào đến đầu ra.

Toàn bộ khâu đầu vào làm ra sản phẩm cây hương xuất khẩu gồm bột gỗ và bột than đều do hội viên hợp tác xã tận dụng thu mua trực tiếp từ các cơ sở chế biến hoặc các tổ hợp tác có nguyên liệu (bột gỗ, bột than) trên địa bàn tỉnh.

Riêng khâu sản xuất, nông dân “nhập vai” thành những công nhân làm chủ được khoa học, kỹ thuật, thiết bị máy móc và các công đoạn sản xuất ra cây hương.

Đặc biệt, hợp tác xã đã hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với một số doanh nghiệp, bạn hàng uy tín và thực hiện chiến lược xúc tiến, quảng bá thương hiệu sản phẩm của mình ra thế giới.

Ông Vũ Đức Phú, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ công nghiệp Phú Hải cho hay: Liên kết chuỗi giá trị là cách làm hay mà các hợp tác xã cần đẩy mạnh và nhân rộng nhưng phải tính đến nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là liên kết sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng cao hơn và ngày càng phát triển bền vững trên thị trường.

Để mô hình này ngày càng nhân rộng và phát triển bền vững, tới đây OCOP Quảng Ninh sẽ phát triển 130 sản phẩm đã có từ giai đoạn trước và 120 sản phẩm mới. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia OCOP sẽ chủ động mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã đạt chuẩn và Nhà nước có vai trò hỗ trợ không làm thay.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục phát huy vai trò, nhiệm vụ được giao như sâu sát với cơ sở. Mặt khác, phải kiên trì, tích cực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh Quảng Ninh các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế hợp tác.

Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Ninh phải phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đoàn thể để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống cũng như làm tốt việc tư vấn hỗ trợ hợp tác xã trong mọi lĩnh vực, tiếp tục mở rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục chú trọng phát triển các mô hình sản xuất, tạo việc làm, quan tâm hình thành thêm nhiều hợp tác xã và phải coi các hợp tác xã như những doanh nghiệp thực sự.

Hơn nữa, các địa phương phải thấy rõ vai trò của hợp tác xã trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và thường xuyên kiểm tra, xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách, cơ chế để chương trình OCOP ngày càng lan tỏa và tạo hiệu ứng cao./.

>>>Những chỉ tiêu nổi bật của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục