Chuyến công tác đặc biệt đến Nhà giàn DK1

10:45' - 30/01/2022
BNEWS Chuyến hải trình đến với Nhà giàn DK1 đã để lại nhiều kỷ niệm, cảm xúc trong lòng mỗi phóng viên, đặc biệt là những phóng viên trẻ lần đầu được đến với những cột mốc chủ quyền trên biển.

Tham gia chuyến công tác cùng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân thăm, chúc Tết Nhâm Dần 2022 đến các cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 (vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc) phần lớn là những phóng viên lần đầu đến với nhà giàn.

 

Với các anh chị, đây là chuyến công tác đặc biệt, đem lại nhiều cảm xúc, khoảnh khắc khó quên, nhất là tình cảm với những người lính Hải quân đang ngày đêm làm nhiệm vụ ở các cột mốc chủ quyền biên giới biển - Nhà giàn DK1.

Hiểu hơn về người lính Hải quân

Vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc có 15 Nhà giàn DK1. Các nhà giàn được xây dựng và trụ vững ở các bãi cạn thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Cà Mau hơn 30 năm qua. Nhà giàn DK1 được ví là pháo đài thép trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc.

Mỗi năm, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân thường tổ chức hai chuyến công tác thăm các Nhà giàn DK1 với sự tham gia của các phóng viên. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong hai năm (2020 - 2021) Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải Quân đã giảm về số chuyến và số lượng phóng viên tham gia.

Chuyến hải trình đến với Nhà giàn DK1 kéo dài hơn 15 ngày dịp giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã để lại nhiều kỷ niệm, cảm xúc trong lòng mỗi phóng viên, đặc biệt là những phóng viên trẻ lần đầu được đến với những cột mốc chủ quyền trên biển.

Mới vào nghề gần 2 năm, phóng viên Lê Vĩnh, Báo Người Lao động may mắn khi được cơ quan cử tham gia chuyến công tác trên tàu Trường Sa 19 đến thăm, chúc Tết các Nhà giàn DK1. Đây là ước mong từ lúc còn là học sinh, sinh viên và là chuyến đi "để đời" với một phóng viên trẻ như anh.

Chia sẻ về chuyến công tác cuối năm trong thời tiết biển động, sóng to, gió lớn, phóng viên Lê Vĩnh cho biết: "Để đến được Nhà giàn DK1 từ tàu Trường Sa 19, không chỉ đơn giản bước một hai bước là đặt chân lên nhà giàn mà phải trung chuyển qua cano. Khi lên được nhà giàn, nhìn lại tàu Trường Sa 19 vốn to lớn, cứng cáp là vậy nhưng lúc này trở nên mong manh, nhỏ bé giữa biển khơi, còn chiếc cano trung chuyển có lúc như biến mất giữa những cơn sóng cuồn cuộn bao trùm".

Chuyến đi này đem lại cho phóng viên Lê Vĩnh sự trải nghiệm, trưởng thành, giúp anh hiểu hơn về lịch sử xây dựng và bảo vệ các Nhà giàn DK1.

Để các nhà giàn vững vàng giữa những phong ba, bão tố của thiên nhiên và âm mưu xâm phạm vùng biển suốt hơn 30 năm qua, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã mãi mãi nằm lại giữa lòng biển khơi. Lê Vĩnh cũng hiểu hơn về những khó khăn mà người lính Hải quân phải đối mặt trong thời bình.

Giữa mênh mông sóng vỗ, đời sống của người lính Hải quân không thể bằng với khi ở đất liền, đặc biệt là về tinh thần.

Ở trên Nhà giàn DK1, các anh chỉ có thể giải trí qua chiếc tivi hoặc bằng những môn thể thao "gọn, nhẹ" như bóng bàn, đánh cờ... Nhưng họ vẫn lạc quan, yêu đời. Phóng viên Lê Vĩnh ấn tượng và khâm phục người lính Hải quân vì điều đó.

Cũng lần đầu tiên được tham gia chuyến công tác đến với người lính Nhà giàn DK1, biên tập viên Thu Trang (Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ được tham dự chuyến đi là một may mắn và đem lại cho chị nhiều cung bậc cảm xúc.

Khi đến với Nhà giàn DK1 giữa biển, các phóng viên, biên tập viên bắt gặp những hình ảnh rất đời thường, thật bình dị. Đó là những chậu rau cải, rau muống, rau diếp cá, dây mồng tơi...  xanh mướt hay những con gà, con vịt, con lợn béo mượt được bàn tay cán bộ, chiến sĩ chăm, nuôi. Những hình ảnh này gợi cho phóng viên Thu Trang nhiều xúc động, nhất là khi được lắng nghe những chia sẻ chân thật của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn.

"Thương lắm khi nghe các anh kể, có những đêm đang yên giấc bỗng mưa gió ập đến phải vội bật dậy ra che chắn từng chậu rau, xem xét từng con gà, con vịt như thế nào... Thương lắm những lúc di chuyển từ tàu lên nhà giàn và từ nhà giàn xuống tàu được các anh chở che để hoàn thành những thước phim, cảnh phỏng vấn. Thương lắm cảnh đến và thấy Nhà giàn DK1 rồi nhưng không thể lên được vì sóng lớn và chỉ có thể nói với nhau qua bộ đàm; cái ôm vì thế mà lỡ hẹn... Tôi chỉ xa đất liền, xa gia đình nửa tháng đã cảm thấy nhớ nhà. Ở nhà giàn chắc nhớ nhà nhiều lắm nhưng các anh vẫn vượt qua nỗi nhớ để thực hiện nhiệm vụ", biên tập viên Thu Trang nghẹn ngào chia sẻ.

Gần 20 năm công tác, biên tập viên Thu Trang đã đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều khó khăn của các lực lượng vũ trang, bộ đội biên phòng... Khi đến với Nhà giàn DK1, chị thấy có cảm xúc rất đặc biệt. Bởi những thử thách từ thiên nhiên, nhất là dịp cuối năm nơi đây không chỉ dừng lại ở dòng chữ miêu tả vất vả, khó khăn mà đó là hiểm nguy đến tính mạng.

"Đã là người lính phải hy sinh rất nhiều. Đặc biệt, với người lính Hải quân, họ phải quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Khi trò chuyện, tôi biết có những anh 8 - 9 tháng chưa được gặp người thân nhưng vẫn vượt lên tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với các anh, hiểm nguy, khó khăn, gian nan chỉ là thử thách tôi luyện thêm ý chí, quyết tâm. Gặp chúng tôi, các anh không nói gì nhiều về điều này mà chỉ chia sẻ về những ước mơ, cách giúp người dân vươn khơi bám biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc", chị Thu Trang xúc động.

Với biên tập viên Lâm Phong (Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai) thì ấn tượng trong chuyến đi này là được chứng kiến lễ chào cờ của các chiến sĩ trên Nhà giàn DK1. Giữa biển trời mênh mông, lá cờ Tổ quốc tung bay và lời bài Quốc ca được các chiến sĩ Hải quân cất lên vang vang hòa cùng tiếng sóng biển cứ bay cao, bay xa. "Có lẽ đó là bài Quốc ca hay nhất tôi được nghe ở nơi thiêng liêng này. Bài Quốc ca vang vọng trên Nhà giàn DK1 như lời khẳng định hào hùng của người lính Hải quân về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc", biên tập viên Lâm Phong chia sẻ.

"Cầu nối" giữa người lính Hải quân và đất liền

Chuyến thăm và chúc Tết các Nhà giàn DK1 năm nay có 2 đoàn công tác tham gia. Theo kế hoạch, Đoàn công tác số 1 sẽ thăm, chúc Tết 10 nhà giàn và Đoàn công tác số 2 sẽ thăm, chúc Tết 5 nhà giàn.

Tuy nhiên, do thời tiết cuối năm sóng to, gió lớn nên Đoàn công tác số 1 chỉ lên thăm, chúc Tết trực tiếp được một nhà giàn là DK1/9 (bãi cạn Ba Kè) và Đoàn công tác số 2 thăm, chúc Tết được hai nhà giàn là DK1/15 (bãi cạn Phúc Nguyên) và DK1/10 (bãi cạn Cà Mau). Các nhà giàn còn lại, hai đoàn chỉ có thể chúc Tết qua bộ đàm.

Di chuyển lên Nhà giàn DK1 là việc làm khó khăn và mất nhiều thời gian. Khi lên được nhà giàn, các phóng viên liền tới hỏi thăm, động viên các cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, họ không quên gửi hơi ấm từ đất liền đến với người lính Hải quân qua những chiếc ôm thắm tình quân dân.

Nhiều phóng viên đã không kìm được cảm xúc khi được biết, thành viên đoàn công tác là những vị khách đặc biệt. Do đó, biên tập viên Thu Trang rất ý thức vào trách nhiệm của bản thân trong chuyến đi này.

"Bước chân lên nhà giàn, việc đầu tiên là tôi đến ôm tất cả cán bộ, chiến sĩ. Tôi muốn gửi đến các anh tình cảm ấm áp của đất liền. Đó là một chút hơi ấm sẻ chia để bớt đi nỗi nhớ người thân của các anh...", chị Thu Trang chia sẻ.

Cũng giống với chị Trang, chuyến đi này giúp các phóng viên, biên tập viên  có thêm trải nghiệm, trưởng thành để truyền cảm hứng, sức sống cho các tác phẩm báo chí. Họ cũng ý thức được trách nhiệm của người phóng viên, biên tập viên giống như "chiếc cầu nối" đất liền với Nhà giàn DK1.

"Dù có lúc mệt lả người nhưng khi biết sắp lên Nhà giàn DK1 là tôi lại thấy khỏe khoắn lạ kỳ. Với tôi, những vất vả, khó khăn mình trải qua không là gì so với sự hy sinh của các chiến sĩ nhà giàn. Vì vậy, phóng viên phải gặp, phải trải nghiệm sống cuộc sống của các anh giữa mênh mông biển trời để cảm nhận, thấu hiểu và có thể truyền tải được những câu chuyện, hình ảnh chân thực đến với người xem, người nghe", phóng viên Lê Vĩnh bộc bạch.

Ý thức được trách nhiệm, vai trò của người làm "cầu nối" giữa đất liền với người lính Nhà giàn DK1, phóng viên Hồng Đạt (Thông tấn xã Việt Nam) chia sẻ: "Trên nhà giàn, dù rất xúc động nhưng tôi phải cố gắng kìm nén cảm xúc, tranh thủ chụp ảnh, ghi hình, thu thập thông tin về cuộc sống, công việc vất vả, gian nan nhưng đầy tự hào của những người lính Hải quân đang ngày, đêm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, với mong muốn đưa những hình ảnh, bài viết chân thực nhất từ Nhà giàn DK1 đến với người dân trong, ngoài nước".

"Đến Nhà giàn DK1 là niềm vinh dự với mỗi phóng viên, biên tập viên, nhất là những người lần đầu tham gia chuyến chuyến công tác. Thông qua chuyến đi ý nghĩa này, chúng tôi mong muốn các phóng viên trẻ, những người chưa đến nhà giàn hãy mạnh dạn tham gia để thấy được những khó khăn, thử thách, gian nan, vất vả của người lính và để bản thân được thêm cơ hội trưởng thành", biên tập viên Thu Trang nhắn nhủ.

Sau hải trình hơn 15 ngày, Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, trong đó có các phóng viên, biên tập viên của các báo, đài Trung ương, địa phương tham, đã để lại nhiều ấn tượng đẹp đối với cán bộ, chiến sĩ Hải quân.

Theo Đại tá Đinh Văn Thắng, Phó Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, các phóng viên báo, đài đã có sự cố gắng vượt lên chính mình, thu thập tư liệu từ thực tế, để sản xuất sản phẩm báo chí chân thực về không khí chuẩn bị đón Tết, vui Xuân của các cán bộ, chiến sĩ trên các Nhà giàn DK1, tàu trực cũng như phản ánh đời sống của những người lính trên nhà giàn.

Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đặt công tác bảo đảm an toàn cho phóng viên lên hàng đầu, đã tạo điều kiện hết mức có thể để các phóng viên có thể tác nghiệp và hoàn thành nhiệm vụ trong chuyến công tác.

Những phóng viên, biên tập viên báo, đài trong chuyến hải trình góp phần làm "cầu nối" giữa đất liền với các cán bộ, chiến sĩ Hải quân, đặc biệt là chiến sĩ nhà giàn. Qua các tác phẩm báo chí được phản ánh chân thực từ thực tế, nhân dân cả nước cũng như người Việt Nam ở nước ngoài biết, hiểu được hoàn cảnh, đời sống khó khăn, vất vả cùng tinh thần quyết tâm bảo vệ chủ quyền thềm lục địa vùng biển phía Nam của Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục