Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn ở các làng nghề Hà Nội

16:18' - 20/09/2024
BNEWS Thủ đô Hà Nội - cái nôi của hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước.

Phát triển làng nghề đóng một vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn ngoại thành, đặc biệt ở các địa phương có làng nghề. 

Trong số làng nghề và làng có nghề trên, Hà Nội có 334 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận gồm: 269 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề, 60 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống, 5 nghề được công nhận Nghề Truyền thống.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, tổng doanh thu năm của 322 làng nghề, làng nghề truyền thống và các làng có nghề đạt trên đạt trên 22.000 tỷ đồng.

Các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm, trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10-20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông, mức thu nhập bình quân phổ biến ở mức 4-5,5 triệu đồng/lao động/tháng.

Huyện Phúc Thọ hiện có 9 làng nghề được UBND thành phố Hà Nội công nhận. Để duy trì, phát triển và cả mở rộng làng nghề, huyện Phúc Thọ sẽ ưu tiên phát triển các làng nghề thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chí và định hướng gắn kết hợp với hoạt động thương mại, du lịch.

Làng Táo (xã Tam Thuấn) có gần 630 hộ dân thì có khoảng 24,4% tổng số hộ làm nghề cắt may. Nghề cắt may được người dân trong thôn phát triển từ những năm 2000. Tháng 4/2024, làng Táo vinh dự được UBND thành phố Hà Nội trao bằng công nhận Làng nghề Hà Nội.

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ, sự phát triển của các làng nghề trong những năm qua đã góp phần gia tăng nguồn thu ngân sách cho huyện; đặc biệt là tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương cũng như các xã, huyện lân cận.

Ngoài các làng nghề đã được công nhận, trong những năm gần đây, huyện Phúc Thọ cũng đẩy mạnh phát triển nghề tại một số làng mới. Có thể kể tới làng nghề sản xuất con giống bằng thạch cao ở xã Thanh Đa; làng nghề sản xuất tương tại xã Thượng Cốc…

Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Lê Văn Thu cho biết, địa phương luôn xác định làng nghề là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống cho người dân. Chính vì vậy, luôn cố gắng tạo điều kiện hoạt động tốt nhất để các cơ sở tại làng nghề.

Để góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường cho các sản phẩm, Hà Nội  tổ chức Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2024 (lần thứ 2).

Ông Hà Tiến Nghi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) chia sẻ, hội thi là một trong các sự kiện tôn vinh các sản phẩm làng nghề. Hội thi tạo sân chơi và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi phát huy ý tưởng mới, cho ra những tác phẩm phát huy giá trị văn hóa lịch sử của làng nghề, sản phẩm có tính sáng tạo, kỹ thuật, mỹ thuật, có tính ứng dụng cao và đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và hội nhập quốc tế. Tạo môi trường để các tác giả tham gia giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kết nối xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. 

Không chỉ bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hội thi cũng là cơ hội kết nối các làng nghề, cơ sở nghề, hợp tác cùng phát triển. 

Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2024 cũng là một trong những sự kiện quan trọng chào mừng 70 năm ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội, 70 năm thành lập Sở Nông nghiệp và Phát triển nôngthoon Hà Nội và các ngày lễ lớn của đất nước, của thành phố trong năm 2024.

Trong gần 6 tháng triển khai, phát động. Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2024 (lần thứ 2) đã thú hút hơn 250 tác phẩm, bộ tác phẩm của 117 tổ chức, cá nhân, nghệ nhân, thợ giỏi tham gia. Các tác phẩm được chia thành 5 nhóm, gồm: nhóm mây, tre, lá, cói; nhóm sơn mài, khảm trai, ốc, gỗ mỹ nghệ; nhóm gốm sứ và thuỷ tinh; nhóm dệt và thêu; nhóm khác (điêu khắc đá, kim khí, hoa nghệ thuật, tranh....). 

Những tác phẩm đạt giải sẽ được tôn vinh trưng bày tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ 3 năm 2024 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức dự kiến cuối tháng 11/2024.

Theo ông Hà Tiến Nghi, đó sẽ là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tính sáng tạo, tiêu biểu, tinh hoa, thẩm mỹ, mang giá trị truyền thống, thân thiện với môi trường và có tính thương mại. Đặc biệt cuộc thi cũng đề cao tính thân thiện với môi trường, công nghệ sản xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nguyên vật liệu sản xuất ít hoặc không ảnh hưởng đến môi trường.

Ưu tiên các sản phẩm sử dụng nguyên liệu tái chế tính thẩm mỹ, sản phẩm có thiết kế kiểu dáng đẹp, độc đáo, có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ tốt, có hoa văn họa tiết và màu sắc độc đáo và tính văn hóa truyền thống. Các sản phẩm nhỏ, gọn, tinh xảo để làm quà tặng, quà biếu và đồ lưu niệm cho khách du lịch. Sản phẩm mang đậm nét truyền thống truyền tải và thể hiện được nét văn hóa riêng của Hà Nội.

Đặc biệt các tác phẩm đạt giải còn có thể tham gia Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 (lần thứ 3) do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức vào tháng 11/2024 và các tác phẩm đạt giải sẽ trưng bày tôn vinh trong khuôn khổ Lễ Khai mạc Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” tại tỉnh Nghệ An và các tác giả có sản phẩm đạt giải là cơ sở để xét phong tặng nghệ nhân. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục