Chuyển đổi mô hình sinh kế, giảm nghèo bền vững cho miền đất mặn

09:40' - 02/06/2023
BNEWS Để đánh thức tiềm năng kinh tế, giảm nghèo bền vững cho miền đất nhiễm mặn, địa phương xác định phải chuyển đổi mô hình sinh kế, thích ứng biến đổi khí hậu, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội.

Huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, gồm quần thể cù lao nhiễm mặn nằm ở hạ lưu sông Tiền, tiếp giáp biển Đông, từng là vùng căn cứ kháng chiến vững chắc trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nơi đây, điều kiện thiên nhiên khắt nghiệt, sản xuất khó khăn, đời sống nhân dân nghèo khó.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn cho biết, trước đây, Tân Phú Đông chủ yếu trồng lúa 1 vụ độc canh, năng suất thấp, cuộc sống người dân bấp bênh. Những năm thiên tai hạn – mặn coi như mất trắng, nông dân phải đi nơi khác làm thuê kiếm sống.

 
Theo ông Bùi Thái Sơn, để đánh thức các tiềm năng kinh tế, giảm nghèo bền vững cho miền đất nhiễm mặn, địa phương xác định phải chuyển đổi mô hình sinh kế, thích ứng biến đổi khí hậu, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nuôi trồng thủy sản là mũi nhọn kinh tế quan trọng đồng thời với phát triển các vùng chuyên canh sả, vùng trồng cây ăn quả đặc sản trên đất nhiễm mặn… giúp miền đất cồn bãi cù lao huy động tốt các nguồn lực, phá thế độc canh tạo động lực bứt phá đi lên, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Ông Hà Văn Hải vốn quê xã Long Bình, huyện Gò Công Tây. Quê cũ người đông, đất hẹp, đời sống khó khăn. Khi huyện mới được thành lập vào năm 2008, ông Hải mạnh dạn đưa gia đình về lập nghiệp ở Phú Tân, một xã tiếp giáp biển Đông của huyện Tân Phú Đông. Nơi đây, mỗi năm có đến 6 tháng nước bị nhiễm mặn, trồng lúa một vụ năng suất bấp bênh. Những năm thiên tai hạn – mặn coi như mất trắng.

Không đầu hàng hoàn cảnh, ông Hải nghiên cứu chế độ thủy văn và diễn biến thời tiết, học tập kinh nghiệm trồng trọt thích ứng điều kiện đất đai nhiễm mặn và áp dụng mô hình sản xuất một vụ tôm + một vụ lúa (tôm + lúa). Hiệu quả mang lại rõ rệt. Trung bình mỗi ha, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 50 triệu đồng/ năm. Với 11 ha sản xuất theo mô hình lúa + tôm, mỗi năm, gia đình ông thu lãi ròng trên 550 triệu đồng.

Nhờ suy nghĩ đúng và cách làm hay, sau 15 năm gắn bó miền đất mặn, ông Hà Văn Hải đã trở thành một trong những nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu của xứ cù lao.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân Lê Trung Hòa cho biết, địa phương hiện có khoảng 130 ha sản xuất theo mô hình tôm + lúa, tập trung ở ba ấp Phú Hữu, Bà Từ và Pháo Đài.

Mô hình tôm + lúa đã giúp nhiều hộ dân ở xã Phú Tân vươn lên khá giàu. Trong quá trình sản xuất, bà con trồng lúa theo tiêu chí GlobalGAP, nuôi tôm theo quy trình an toàn sinh học, giảm được chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận.

Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, Tân Phú Đông đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa một vụ độc canh kém hiệu quả trước đây sang nuôi trồng thủy sản, trồng chuyên canh sả, trồng cây ăn quả đặc sản và các cây trồng kinh tế khác.

Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động để giảm nghèo nông thôn và xây dựng thành công nông thôn mới trên đất cù lao. Địa phương đã mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản mặn, lợ lên 7.280 ha, sản lượng thu hoạch mỗi năm đạt trên 31.000 tấn thủy sản các loại, chủ yếu tôm sú, tôm thẻ, cua biển, cá…phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Trong nuôi trồng thủy sản chú trọng chuyển giao khoa học công nghệ thâm canh, nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả cao, phù hợp thực tế vừa bảo vệ môi sinh, môi trường.

Tân Phú Đông là vùng nuôi thủy sản mặn, lợ trọng điểm của tỉnh với nhiều mô hình hiệu quả như: tôm + lúa, nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm thâm canh, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hai hoặc ba giai đoạn… . Xã Phú Tân cũng được quy hoạch là xã chuyên ngư duy nhất của tỉnh hiện nay. Ngoài con tôm, Tân Phú Đông còn xây dựng vùng trồng sả chuyên canh có diện tích trên 3.700 ha trên đất lúa nhiễm mặn canh tác 1 vụ/ năm trước đây. Đây là vùng chuyên canh sả lớn nhất khu vực sông Tiền, sản lượng mỗi năm gần 60.000 tấn sản phẩm. Bên canh đó, mở rộng diện tích vùng trồng cây lâu năm trên 3.000 ha gồm dừa trên 2.700 ha, còn lại là cây ăn quả khác… .

Mãng cầu xiêm, dừa, sả… là những sản vật nổi tiếng của miền đất cù lao, được người tiêu dùng ưa chuộng, đã giúp không ít hộ dân nơi đây dựng nên cơ nghiệp.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn đánh giá, nhờ chuyển đổi phù hợp với điều kiện sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, tạo nguồn nông sản có giá trị gia tăng cao, đã đưa sản xuất nông nghiệp huyện cù lao phát triển vượt bậc.

Các mô hình sinh kế hiệu quả cao nở rộ như mô hình tôm + lúa, nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm thâm canh, mô hình VAC, trồng sả kết hợp chăn nuôi… đều cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ ha/ năm trở lên.  Trong năm qua, địa phương bình chọn được 3.668 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi ba cấp.

Năm 2022, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của huyện Tân Phú Đông đã đạt trên 2.510 tỷ đồng, tăng gấp 1,77 lần so với năm 2008, khi mới thành lập huyện. Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người Tân Phú Đông mới đạt 13 triệu đồng/ năm, tỷ lệ hộ nghèo lên đến 52,18%, chưa kể số hộ cận nghèo. Đến năm 2022, thu nhập bình quân đầu người nâng lên 57,5 triệu đồng/ người/ năm và tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 3,34%. Tân Phú Đông đang hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2% vào cuối năm 2023, để đến năm 2025, huyện không còn hộ nghèo, trừ những trường hợp hưởng bảo trợ xã hội.

Hiện nay, huyện có 3/6 xã đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới thành công là: Tân Thới, Tân Phú và Phú Thạnh. Dự kiến cuối năm 2023, 3 xã còn lại là: Tân Thạnh, Phú Tân và Phú Đông ra mắt xã nông thôn mới, đạt 100% số xã trong huyện ra mắt xã nông thôn mới.

Tân Phú Đông phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, ra mắt huyện nông thôn mới trước năm 2025 theo lộ trình đề ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục