Chuyên gia Anh: Ứng dụng công nghệ để quản lý thu nhập và tài sản công chức

15:48' - 01/07/2022
BNEWS Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thu nhập và tài sản là bước đi đúng của Việt Nam trong kiểm soát hiệu quả thu nhập và tài sản của công chức và phòng chống tham nhũng trong khu vực công.

Đây là đánh giá của Phó Giáo sư Nguyễn Đăng Bằng, Giám đốc Chương trình Thạc sỹ Nghiên cứu Tài chính, Khoa Tài chính, Trường Quản lý kinh doanh Judge Business School thuộc Đại học Cambridge. Phó Giáo sư khuyến nghị, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thu nhập và tài sản của Việt Nam cần dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại London, Phó Giáo sư Nguyễn Đăng Bằng cho biết hầu hết các quốc gia phát triển hoặc tương đối phát triển đều đã có cơ sở dữ liệu về tài sản và thu nhập, do đó Việt Nam có thể rút kinh nghiệm từ bài học của các nước.

 

Ví dụ như tại Anh, chính phủ kiểm soát thu nhập của công dân thông qua cơ sở dữ liệu về thuế do Bộ Tài chính quản lý.

Đây là cơ sở dữ liệu rất lớn, rất toàn diện và hiệu quả. Tất cả công dân Anh và những người làm việc tại Anh có thu nhập phát sinh từ Anh đều phải trả thuế, mỗi người có một mã số thuế cá nhân, mỗi năm phải khai thuế một lần và phải trả thuế theo luật dựa trên thu nhập thực tế của họ.

Riêng những đối tượng như công chức nhà nước hay các chính trị gia, ngoài việc được kiểm soát theo cơ sở dữ liệu quốc gia về thuế, những người này còn phải tuân thủ một số quy định riêng liên quan đến thu nhập cá nhân để đảm bảo minh bạch tài chính. Minh bạch và công bằng là hai nguyên tắc quan trọng trong kiểm soát thu nhập tại Anh.

Rất ít vấn đề ở Anh liên quan đến thu nhập cá nhân hay thuế mà không minh bạch và tất cả mọi người đều tuân thủ chung một luật. Bên cạnh đó, dù đề cao tính công khai minh bạch, nhưng quyền riêng tư cá nhân cũng được bảo vệ chặt chẽ, theo đó cơ quan thuế và những cơ quan liên quan không có quyền cung cấp những thông tin như thu nhập cá nhân cho bên thứ ba.

Phó Giáo sư Nguyễn Đăng Bằng đánh giá thu thập và xử lý dữ liệu của tất cả công dân là việc tốn kém thời gian, tiền của, công sức và rất phức tạp về mặt kỹ thuật. Dựa trên kinh nghiệm từ các nước, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thu nhập và tài sản của Việt Nam cần dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến.

Theo ông, công nghệ sẽ cho phép giảm nhiều thời gian và nguồn lực của nhà nước trong việc đảm bảo thu đủ, thu đúng thuế, kiểm soát tốt thu nhập, đồng thời có thể giải quyết được những vấn đề phát sinh bất thường.

Ngoài ra, cơ sở dữ liệu thuế là một trong những cơ sở dữ liệu quan trọng nhất của quốc gia, không chỉ giúp kiểm soát thu nhập, tài sản cá nhân, mà còn là nguồn tài nguyên hữu ích cho các nghiên cứu xã hội và cho chính phủ khi cần đưa ra những quyết sách lớn.

Khi cần quyết định một vấn đề lớn của quốc gia, thay vì phải gửi các câu hỏi điều tra tới các công dân và thu thập câu trả lời, một cơ sở dữ liệu có sẵn có thể giúp giải quyết vấn đề một cách kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả, không tốn kém.

Với mong muốn Việt Nam có thể thực hiện đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thu nhập và tài sản và thực hiện tốt, Phó Giáo sư Nguyễn Đăng Bằng đã nêu một số ý kiến đóng góp. Trước tiên, liên quan đến đối tượng áp dụng việc kiểm soát thu nhập và tài sản, Phó Giáo sư cho rằng nên xây dựng cơ sở dữ liệu thuế cho tất cả công dân Việt Nam đến tuổi nộp thuế thay vì chỉ áp dụng vào nhóm công chức nhà nước.

Có thể ưu tiên thực hiện trước với nhóm đối tượng này, nhưng đó phải là một phần trong hệ thống dữ liệu quốc gia về thu nhập và tài sản để tránh chồng chéo, tránh trùng lặp và tránh tốn kém cho chính phủ.

Thứ hai, cần tách biệt rõ giữa công chức thực thi công vụ bình thường và công chức lãnh đạo, hai đối tượng mà Phó Giáo sư Nguyễn Đăng Bằng cho rằng vẫn còn sự chồng lấn tương đối. Đa số công chức nhà nước ở Việt Nam không nắm nhiều công quyền, chẳng hạn như một giáo viên hay bác sĩ nhận lương từ ngân sách nhà nước.

Những công chức này về cơ bản thu nhập của họ không khác gì một công dân bình thường và việc kiểm soát thu nhập của họ không khó. Nhưng cũng có một số công chức nhà nước nắm nhiều công quyền – khi ở những nước như Anh, những người này được xếp vào nhóm chính trị gia.

Vì vậy, ở Việt Nam nên quy định những yêu cầu cao hơn đối với những người đại diện cho nhà nước nắm giữ và thực thi công quyền ở một mức độ nào đó, nghĩa là phải có độ minh bạch cao hơn, phải có độ chính xác cao hơn, phải có thông tin tỉ mỉ hơn về tất cả các nguồn thu nhập và nguồn gốc tài sản của một số những công chức  nắm công quyền.

Điều này nên tách bạch với quy định đối với tầng lớp công chức không nắm hoặc không nắm quá nhiều công quyền.

Thứ ba, các công chức giữ chức vụ cao hoặc nắm nhiều công quyền và thực thi công quyền của nhà nước là những con người quan trọng đối với quốc gia. Một mặt họ phải tuân thủ luật pháp quốc gia, nhưng một mặt họ phải được bảo vệ.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Đăng Bằng, cơ sở dữ liệu về thu nhập và tài sản sẽ giúp đảm bảo sự minh bạch, bảo vệ những người này tránh các chuyện thị phi, tránh những đồn thổi vô căn cứ.

Do đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia cần được nghiên cứu kỹ và phải đi kèm với những quy định rất rõ ràng về đối tượng có quyền truy cập, khi nào được truy cập và ở mức độ nào. Điều này giúp đảm bảo tính công khai, minh bạch, chính xác, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư của mỗi cá nhân, và việc này phải được luật hóa rõ ràng.

Phó Giáo sư Nguyễn Đăng Bằng nhấn mạnh, cần bỏ nhiều thời gian, công sức để xem xét rất kỹ khi đưa ra luật và các quy định về cơ sở  dữ liệu quốc gia, trong đó đảm bảo sự cân bằng giữa việc kiểm tra, kiểm soát thu nhập, tài sản, đồng thời đảm bảo thông tin được sử dụng và kiểm soát đúng, bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục