Chuyên gia Malaysia: Hội nhập AEC có thể không đúng thời hạn

18:03' - 24/10/2015
BNEWS Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có mục đích thúc đẩy kinh tế thương mại giữa các nước ASEAN, tuy nhiên, để hiện thực AEC vào cuối năm, các nước ASEAN còn nhiều vấn đề cần giải quyết

Tờ ''The Star'' của Malaysia ngày 23/10 dẫn ý kiến của Giám đốc điều hành Ngân hàng Malayan Banking Bdh (Maybank), Abdul Farid Alias cho biết Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có thể không đáp ứng được thời hạn hội nhập đầy đủ vào tháng Mười Hai năm nay khi mà những trở ngại trong thương mại xuyên biên giới vẫn còn phổ biến trong khu vực. 

Cộng đồng Kinh tế  ASEAN (AEC) (Ảnh: Internet)

Ông Farid cho cho biết mục đích của AEC là thúc đẩy tự do thương mại, tự do di chuyển lao động và vốn, nhưng hiện môi trường kinh doanh còn khác nhau rất nhiều giữa các quốc gia, và cần phải làm nhiều việc để giải quyết điều này. AEC còn tùy thuộc vào việc thực hiện thành công một số biện pháp ưu tiên cao như hội nhập về hải quan, giao thông và tài chính. Một điểm quan trọng nữa của sự khác biệt giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN là việc cắt giảm thuế quan liên quan đến thương mại qua biên giới. Bốn trong số các quốc gia ASEAN là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, đã yêu cầu có thêm thời gian để đáp ứng các tiêu chí này. 

Về dịch chuyển lao động, ông Farid cho biết đây là một vấn đề quan trọng đối với các tổ chức tài chính có nguyện vọng lưu chuyển trong khu vực. Ví dụ, trong trường hợp của Maybank, ngân hàng muốn di chuyển lao động trong toàn khu vực một cách nhanh chóng hơn và điều này sẽ giúp Maybank thúc đẩy việc xây dựng thành tổ chức của khu vực mà ngân hàng mong muốn. 

Giám đốc điều hành Maybank Farid cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác nhiều hơn trong quản lý tài chính trong ASEAN, với mục tiêu cuối cùng là tạo ra một khuôn khổ pháp lý thống nhất. Mọi khuôn khổ pháp lý của tổ chức tài chính của các nước trong khu vực là khác nhau. Ngoài Singapore, nước đi đầu trong các giao dịch tuân thủ công cụ tài chính Basel III, các quốc gia ASEAN khác vẫn còn tụt hậu về tuân thủ quy định này do nhịp độ tăng trưởng không đồng đều trong ngành ngân hàng của từng quốc gia. 

Theo ông Farid, một thách thức lớn cho các doanh nghiệp có nguy cơ về tài chính xuyên biên giới là một số yêu cầu do các cơ quan địa phương đặt ra có thể gây tốn kém, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận về vốn và tăng trưởng, bởi nhiều lúc, quy định mà địa phương yêu cầu các doanh nghiệp thiết lập cơ sở hạ tầng ở trên đất nước của họ và điều này có thể rất tốn kém. Nó sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu được phép xây dựng một hệ thống cho toàn bộ khu vực. Hơn thế nữa ông Farid cho rằng đối với ASEAN, để đạt được hội nhập tài chính còn rất nhiều việc cần phải làm để đạt được sự đồng thuận giữa các nhà quản lý và các doanh nghiệp cũng như giữa các cơ quan quản lý. 

AEC sẽ tạo ra một thị trường và cơ sở sản xuất chung trong ASEAN. Một khi được hình thành, hội nhập kinh tế khu vực sẽ sâu rộng hơn với việc tạo thuận lợi cho dòng đầu tư thương mại liên tục. Các biện pháp tự do hóa thị trường AEC cuối cùng là nhằm mục đích đảm bảo tăng trưởng kinh tế bình đẳng trong khu vực và đảm bảo lợi ích của ASEAN sẽ được chia đều cho tất cả trong một khu vực với dân số khoảng 620 triệu người. ASEAN là một khu vực tạo ra tổng GDP khoảng 2.400 tỷ USD, chiếm 5,5% GDP thế giới. Trong năm năm qua, kinh tế khu vực đạt nhịp độ tăng trưởng 5,6% mỗi năm. 

Kim Dung (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur) 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục