Chuyện giữ rừng ở Yokdon

06:30' - 25/03/2016
BNEWS Tây Nguyên đang ở cao điểm của mùa khô. Đi giữa rừng già Vườn Quốc gia Yokdon mà cái nóng vẫn hừng hực như đang trong chảo lửa.
Các cán bộ làm nhiệm vụ giữ rừng ở Yokdon. Ảnh minh họa: TTXVN

Sắc vàng, sắc đỏ của những hàng cây dầu đồng, cẩm liên và dáng trơ trọi của những thân cây cổ thụ khổng lồ đã trút hết lá, in trên nền trời xanh ngăn ngắt, cùng màu cỏ cháy ngút ngàn, hòa trong sắc đỏ của những đám bụi đất bazan sau mỗi cơn gió thốc lên, tạo nên một cảnh sắc lạ lẫm đến mê hoặc.

Như nhiều cánh rừng khộp nổi tiếng thế giới, Yokdon đẹp nhất vào mùa khô, nhưng với những người giữ rừng nơi đây, vất vả nhất cũng vào mùa này, khi những trảng cỏ, đám lá khô có thể bùng cháy bất cứ lúc nào. Và cũng là khi, người dân sống quanh rừng không còn nguồn thu từ những ruộng bắp, nương lúa đã chết rũ, nên kéo nhau vào rừng kiếm kế sinh nhai...

Dẫn chúng tôi vào bãi thu giữ phương tiện và lâm sản ở Đội Kiểm lâm cơ động số 2, Vườn Quốc gia Yokdon, bên dãy xe đạp thồ, xe máy cũ kỹ đã hoen gỉ phơi mưa nắng và hàng chục khối gỗ ngổn ngang, ông Huỳnh Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Yokdon cho biết, đây là những phương tiện và tang vật thu giữ được từ những lần kiểm lâm Vườn bắt giữ lâm tặc.Mà “lâm tặc” ở đây chủ yếu lại là những người dân sống ở vùng lõi và vùng ven vườn quốc gia.

Gần 50.000 người dân của 7 xã sống trong Vườn Quốc gia Yokdon, đặc biệt có 3 xã là Krông Na, Ea Huar và Ea Wer (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) chủ yếu là đồng bào dân tộc M’nông, với tập tục từ ngàn đời nay là sống dựa vào rừng, ở trong những ngôi nhà 100% gỗ rừng, ăn từ nguồn lợi kiếm được từ rừng.

Ông Hiệp chia sẻ: “Những năm gần đây, những đối tượng lâm tặc “cộm cán” đã giảm thiểu khi bị ngăn chặn ngay từ vòng ngoài, không còn lo ngại đe dọa đến rừng thì chính người dân lại là áp lực rất lớn đối với lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng ở đây. Mùa khô Tây Nguyên thì khô kiệt đến khắc nghiệt, lúa không trồng được, ngô chết khô, khoai mì héo rục, vì thế người dân chủ yếu vào rừng khai thác nguồn lợi kiếm tiền mua cái ăn.

Trong khi đó, địa hình rừng bằng phẳng, ở đâu cũng có đường chạy qua nên việc khai thác lâm sản hết sức dễ dàng. Nguồn lợi nằm trong rừng sát người dân thì người ta không thể không vào rừng được nên áp lực rất lớn”.

“Có những trường hợp lực lượng kiểm lâm phát hiện người dân mang theo xe đạp vào rừng cưa gỗ, gùi gỗ, đến lúc bắt còn có cái xe đạp mà thu giữ, lập biên bản, nhưng có những gia đình, cả vợ chồng con cái dắt díu nhau vào rừng, lúc trở ra mỗi người mang một khúc gỗ cao chừng nửa thân người, chằng vài vòng dây thừng cõng sau lưng, hoặc khúc nhỏ hơn thì bỏ vào gùi địu ra cửa rừng bán cũng được vài trăm ngàn đồng. Xử lý thế nào đây?

Theo quy định thì khi phát hiện lực lượng kiểm lâm được thu giữ phương tiện, xử phạt người vi phạm. Nhưng ở đây phương tiện không có, người chính là “phương tiện”, không lẽ giữ người? Còn phạt thì người ta có mỗi cục gỗ ra bán mới có tiền chứ làm gì có đồng nào trong người. Mà cưỡng chế nộp phạt thì phải thành lập đoàn cưỡng chế, phải ra huyện để xin có đại diện viện kiểm sát, công an đến nhà người ta cưỡng chế nhưng nhà cũng không có gì thì nộp phạt thế nào?”, ông Hiệp phân trần.

Bắt giữ bà con cũng không đành lòng, Ban quản lý và lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Yokdon đã xoay ra các biện pháp tuyên truyền, vận động để chính người dân trở thành người giữ rừng. Buôn Đrăng Phôk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) là buôn duy nhất được phép định cư giữa vùng lõi rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Yokdon, một thời nổi danh phá rừng, nhưng nay người dân trong buôn đã tích cực quản lý, bảo vệ rừng với quyết tâm đáng ghi nhận chính nhờ biện pháp kiên trì tuyên truyền của những cán bộ kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương.

Ông Lê Dũng, Buôn trưởng Buôn Đrăng Phôk cho biết, 2 năm qua, nhận tiền khoán bảo vệ rừng do Vườn Quốc gia giao cho, ngoài việc sửa nhà cộng đồng, buôn đã mua 7 con bò cho các hộ dân chăn nuôi quay vòng, bà con cũng tập trung sản xuất nên việc khai thác rừng cũng giảm.

Bà con hăng hái nhận khoán rừng vì công việc quản lý bảo vệ rừng không mấy nặng nhọc, đi tuần, phát đường biên đều có cán bộ kiểm lâm đi cùng hướng dẫn, hỗ trợ. Cuối năm, mỗi gia đình có thêm khoản tiền để trang trải cuộc sống.

Vườn Quốc gia Yokdon. Ảnh: TTXVN

Để giúp người dân nâng cao nhận thức bảo tồn rừng và phát triển sinh kế, Vườn Quốc gia cũng đã cử cán bộ kiểm lâm xuống “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với người dân. Trạm Kiểm lâm số 2, đơn vị quản lý vùng rừng lõi nơi có buôn Đrăng Phôk nằm giữa, cán bộ kiểm lâm ở đây đã giúp dân khai hoang được hàng chục héc ta ruộng, xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước, cử một kỹ sư nông nghiệp giúp dân sản xuất.

Ông Lương Xuân Tình, Trạm trưởng trạm Kiểm lâm số 2 cho biết, việc giữ rừng dựa vào cộng đồng đã có tác dụng đáng kể. Những năm gần đây, buôn Đrăng Phôk luôn dẫn đầu trong công tác bảo vệ rừng. Diện tích rừng do buôn quản lý không xảy ra tình trạng phá rừng để lấy gỗ, lấn chiếm để làm nương rẫy, không có tình trạng rừng bị xâm hại từ bên ngoài.

Nếu chỉ với 8 kiểm lâm viên, quản lý đến 5.000 ha rừng, mà không có sự hợp tác, thay đổi nhận thức của người dân thì dù Trạm có lập bao nhiêu chốt cơ động, có vất vả đi tuần tra hàng ngày, hàng đêm cũng không thể nào quản lý, canh giữ được diện tích rừng rộng lớn đến thế.

Nhưng nhờ có 8 tổ quản lý bảo vệ rừng, mỗi tổ khoảng 10-15 thành viên là những người dân của buôn, hàng ngày cùng lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng nên việc bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả, ý thức của người dân cũng ngày được nâng cao khi chính người dân tự giám sát việc giữ rừng của những người dân trong buôn mình.

Ông Huỳnh Nghĩa Hiệp cũng cho biết thêm, 2 năm qua, Nhà nước đã hỗ trợ 10 tỷ đồng/năm để thực hiện chương trình giao khoán bảo vệ rừng cho các thôn buôn ở đây. Với số tiền này, chia ra mỗi thôn buôn được khoảng 40 triệu đồng/năm, chia đến hộ gia đình là 2 triệu đồng/hộ để cộng đồng cùng bảo vệ rừng. Số tiền này được cộng đồng thôn buôn quyết định như: mua giống cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất và trích một phần sửa nhà cộng đồng. Mỗi thôn buôn giờ đây cũng đã thành lập các tổ quản lý bảo vệ rừng, đi tuần tra hàng ngày với lực lượng kiểm lâm.

Với diện tích rộng lớn tới trên 115.000 ha; trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên, phần lớn là rừng khộp với nhiều loài lâm sản quý hiếm, Yokdon cũng là Vườn Quốc gia duy nhất ở Việt Nam bảo tồn loại rừng đặc biệt này.

Trong khi đó, toàn bộ lực lượng kiểm lâm của vườn cũng chỉ có 176 người, thật khó để quản lý, bảo tồn nguồn lâm sản quý hiếm nếu chỉ với lực lượng kiểm lâm ít ỏi như vậy.

Vì vậy, giải pháp bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng, thay đổi nhận thức và quan trọng hơn là làm cho đời sống kinh tế của người dân gần rừng phát triển chính là giải pháp mặc dù vẫn còn những khó khăn, nhưng đã cho thấy những hiệu quả bước đầu trong công tác bảo tồn và phát triển rừng bền vững ở Yokdon./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục