Chuyển từ phí sang giá sẽ hướng ngành thủy lợi phát triển bền vững

14:35' - 07/12/2019
BNEWS Đối với các công trình thủy lợi, việc tính được giá đúng, giá đủ thì mới biết được nhu cầu thực tế và Nhà nước sẽ cấp hỗ trợ đến đâu để từ đó biết được khoản thiếu, thừa.

Ngày 7/12 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình triển khai chính sách về giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, việc chuyển từ phí sang giá đã đưa vào Luật Phí và Lệ phí. Đối với các công trình thủy lợi, việc tính được giá đúng, giá đủ thì mới biết được nhu cầu thực tế và Nhà nước sẽ cấp hỗ trợ đến đâu để từ đó biết được khoản thiếu, thừa.

Đây là cuộc tổng rà soát lại không chỉ để chuyển phí thành giá mà ở tất cả bộ máy tổ chức, cách thức, phương pháp phục vụ của các công ty khai thác công trình thủy lợi.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, hạ du hiện đang thay đổi, mục tiêu của các công trình thủy lợi cũng thay đổi. Do đó, việc rà soát lại mục tiêu của các công trình thủy lợi rất quan trọng. Việc chuyển từ phí thành giá đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất quan trọng, vừa là trước mắt vừa lâu dài, là tương lai phát triển bền vững của ngành thủy lợi.
Hiện nay Nhà nước mới cấp hỗ trợ cho các công ty quản lý công trình thủy lợi mỗi năm khoảng 6.700 tỷ đồng.  Số tiền này chưa đủ hỗ trợ cho chi phí thực tế mà các công ty đang phải bỏ ra thực hiện. Nguồn cấp này đang chiếm 81,5% tổng chi phí của các công ty. Như vậy, nguồn thu của các công ty chủ yếu là Nhà nước cấp bù thủy lợi phí.
Để cho công ty hoạt động khi mà không cần nguồn cấp bù này, theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, các công ty phải lo được 81,5% nguồn này. Để làm được việc đó, chắc chắn các nguồn thu sẽ tăng lên như tiêu thoát nước đô thị, cấp nước sinh hoạt, nước công nghiệp…
Theo kết quả tính toán sơ bộ, mức giá công ích năm 2021 gấp từ 1,5 - 3 lần so với giá tối đa hiện nay, tùy khu vực và biện pháp tưới tiêu. Mức giá công ích năm 2021 tăng so với giá tối đa hiện nay vì một số nguyên nhân: giá lương và các khoản theo lương tăng theo lộ trình của Nhà nước; giá vật tư, nguyên nhiên liệu đầu vào tăng hàng năm (đặc biệt là giá xăng dầu, giá điện); kinh phí để bảo trì hàng năm; chi phí bảo trì trước đây bố trí không đủ; lợi nhuận cho các đơn vị chưa được tính đến…
Để thực hiện việc này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh của 46 địa phương đã ban hành giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi giai đoạn 2018-2020 cho các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi trực thuộc. Đến nay, còn 17 địa phương chưa ban hành giá công ích giai đoạn 2018-2020.

Hội nghị đánh giá tình hình triển khai chính sách về giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Tỉnh Thanh Hóa là địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng phương án giá công ích cho nhiệm vụ thoát lũ, ngăn lũ, ngăn triều cường, ngăn mặn, đẩy mặn, rửa mặn, rửa phèn, giữ ngọt cho 2 công trình âu thuyền Báo Văn và Mỹ Quan Trang. Kết quả của phương án đã được Bộ Tài chính thẩm định.
Chia sẻ về kết quả trên ông Đặng Đình Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV thủy lợi Bắc Sông Mã cho biết, Công ty được UBND tỉnh quan tâm tạo điều kiện, các Sở ủng hộ và có sự phối hợp tốt.
Thực hiện Nghị định số 96/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, Công ty báo cáo với UBND tỉnh để tỉnh giao các Sở hướng dẫn cho Công ty thực hiện. Công ty căn cứ vào các hướng dẫn để thực hiện các bước. Trong quá trình thực hiện, nếu khó khăn đến đâu các đơn vị cùng gỡ đến đó.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ông Đặng Đình Tuấn cho rằng, vẫn còn thiếu sự đồng nhất giữa các văn bản, các hướng dẫn chưa cụ thể, đặc biệt đối với các chi phí không phải là chi phí chính như quản lý, bảo trì gần như là chưa có hướng dẫn. Sự phối kết hợp giữa hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính, 2 Sở chức năng này gần như chưa có tiếng nói chung nên khi các doanh nghiệp trình lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã duyệt xong, trình sang Bộ Tài chính vẫn gặp nhiều vướng mắc.
Theo đại diện Bộ Tài chính, nguyên nhân của việc chậm xây dựng phương án giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác do đây là năm đầu tiên thực hiện các cơ quan quản lý địa phương, đơn vị còn gặp khó khăn trong xây dựng phương án giá. Trong khi đó, việc cập nhật, nghiên cứu, tìm hiểu văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị còn hạn chế. UBND các tỉnh chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo sát sao các đơn vị địa phương xây dựng phương án giá.
Để chuẩn bị cho xây dựng phương án giá từ năm 2021 trở đi, các tổ chức khai thác công trình thủy lợi đang xây dựng phương án giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Đến ngày 04/12/2019, Tổng cục Thủy lợi đã nhận được dự thảo hồ sơ phương án giá của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà và 37 tổ chức khai thác công trình thủy lợi của 22 tỉnh, thành phố.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, việc chuyển phí sang giá bắt buộc phải triển khai vào năm 2021, đơn vị nào không chuyển được từ phí sang giá sẽ không có được sự hỗ trợ của Nhà nước.
"Dự kiến tháng 6/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng Bộ Tài chính tổng hợp và có báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình các công ty khai thác công trình thủy lợi cần và thiếu bao nhiều tiền, Nhà nước có khả năng cấp bao nhiêu. Bộ cũng tính đến khả năng sẽ thành lập các công ty để quản lý các công trình để lấy lợi nhuận từ công trình lớn hỗ trợ cho các công trình nhỏ", Thứ trưởng chia sẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục