Cơ chế mua bán điện trực tiếp còn nhiều điểm cần lưu ý

16:04' - 05/05/2021
BNEWS Theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp ngành năng lượng, cơ chế mua bán điện trực tiếp ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề đáng lưu ý, cả về hạ tầng lẫn khung pháp lý.

Mới đây, Công ty Samsung Việt Nam đã có đề xuất được tham gia thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) từ các dự án năng lượng tái tạo. Đây cũng là cơ chế đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn để thí điểm. Theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp ngành năng lượng, đây là cơ chế mới ở Việt Nam và vẫn còn nhiều vấn đề đáng lưu ý, cả về hạ tầng lẫn khung pháp lý...

Cơ chế mua bán điện trực tiếp đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và nhiều hộ sử dụng điện. Bộ Công Thương dự kiến thí điểm cơ chế này trong giai đoạn 2021-2023 với tổng công suất khoảng 1.000MW. Giao dịch mua bán điện giữa các bên liên quan được thực hiện trực tiếp qua thị trường điện giao ngay theo quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành.

Việc áp dụng chính thức cơ chế mới, theo Bộ Công Thương, sẽ dựa trên kết quả vận hành các giao dịch theo cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp. Cục Điều tiết Điện lực sẽ tổ chức đánh giá về pháp lý, thị trường, kỹ thuật và tài chính để đề xuất các nội dung hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc áp dụng chính thức cơ chế này. 

Theo ông Diệp Bảo Cánh, Chủ tịch Công ty cổ phần Năng lượng Mặt trời đỏ là doanh nghiệp chuyên sản xuất, thi công lắp đặt các dự án điện mặt trời, DPPA được kỳ vọng sẽ mang lại lợi cho các bên tham gia, bao gồm khách hàng, nhà đầu tư phát triển điện và nền kinh tế.

Thực hiện việc mua bán điện trực tiếp sẽ giúp cho các khách hàng công nghiệp, thương mại sử dụng điện có cam kết hoặc mục tiêu sử dụng năng lượng sạch, phát triển bền vững có thể tiếp cận và mua trực tiếp một lượng điện từ nguồn phát điện năng lượng tái tạo thông qua một hợp đồng song phương dài hạn có giá và thời hạn hợp đồng do hai bên thỏa thuận và thống nhất.

Tuy nhiên, ông Diệp Bảo Cánh cho rằng, trên thực tế, Việt Nam vẫn còn thiếu rất nhiều điểm để có thể hoàn thiện cơ chế này. Đơn cử như hạ tầng thực hiện, việc ký kết dựa trên mức giá nào, giao dịch ra sao, tiếp đến là hệ thống truyền tải từ nguồn phát đến các hộ tiêu thụ điện... Đó là chưa đề cập đến các vấn đề pháp lý xung quanh vấn đề này. Về thí điểm đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, ông hoàn toàn ủng hộ, nhưng các bộ, ngành cần đưa các quy định, hướng dẫn chi tiết hơn, để từ đó mới có những điều chỉnh. 

Cũng với quan điểm trên, TS. Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, Bộ Công Thương đã rất nhanh chóng và nỗ lực trong việc đưa ra các cơ chế, dự thảo về thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp. Nhưng, hiện chúng ta mới chỉ có các cơ chế về mua bán điện mà chưa đề cập đến vấn đề mang tính gốc rễ hơn, như hạ tầng, đường dây truyền tải điện và cơ chế thương thảo giá mua bán điện cụ thể. 

Ông Duệ cho rằng, vấn đề lớn hơn là việc dự thảo chưa đưa ra được mức giá sàn để thương thảo giữa các bên, trong khi đó, giá mua điện giữa các nhà máy nằm trong quy hoạch và ngoài quy hoạch là không đồng nhất với nhau. Các hộ tiêu thụ điện muốn mua điện với giá thấp, nhưng ngược lại các nhà phát điện tái tạo cũng không muốn bán giá thấp hơn giá bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đảm bảo hiệu quả kinh doanh. 

"Ngoài ra, nếu thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp không phù hợp, chắc chắn nền kinh tế sẽ không được hưởng lợi vì nhiều yếu tố khác.", ông Duệ cho biết thêm. 

Hiện nay, việc thí điểm mua bán điện trực tiếp theo cơ chế DPPA là bước chuẩn bị cho việc vận hành của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo lộ trình được duyệt và góp phần thúc đẩy phát triển bền vững các nguồn điện năng lượng tái tạo. Qua đó, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ các tổ chức quốc tế có tham gia các cam kết về môi trường, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở Việt Nam.

Theo đại diện lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, họ đã thực hiện mua bán điện trực tiếp rồi, nhưng tại Việt Nam, đây vẫn là cơ chế hoàn toàn mới. Việc thí điểm thực hiện là bước chuẩn bị, để từ đó rút ra kinh nghiệm thực hiện tốt hơn khi bước vào giai đoạn chính thức của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Hiện vẫn còn rất nhiều vấn đề mà phía Bộ Công Thương chưa đưa ra, bao gồm: hạ tầng, truyền tải, mức giá, cơ chế thương thảo... Do vậy, để cho ý kiến cụ thể hơn về dự thảo này sẽ là thiếu cơ sở và không đầy đủ... 

Dự thảo Thông tư Quy định thực hiện thí điểm mua bán điện trực tiếp DPPA áp dụng cho các dự án điện gió hoặc điện mặt trời nối lưới có công suất lắp đặt lớn hơn 30 MW (riêng với nhà máy điện mặt trời, tỷ lệ quy đổi là 01 MWp bằng 0,8 MW), đã có trong quy hoạch phát triển điện lực.

Theo dự thảo, các dự án này cần cam kết mốc thời gian đưa toàn bộ dự án nhà máy điện vào vận hành thương mại và tham gia thị trường điện không lớn hơn 270 ngày làm việc, tính từ ngày được công bố lựa chọn tham gia thí điểm DPPA. Ngoài ra, cần có văn bản của các tổ chức tài chính, tín dụng về việc hỗ trợ tài chính cho dự án.

Với bên mua điện, các tổ chức, cá nhân cần đảm bảo điện mua phục vụ cho mục đích sản xuất công nghiệp tại cấp điện áp từ 22 kV trở lên; có cam kết mục tiêu về sử dụng năng lượng tái tạo và cam kết tỷ lệ sản lượng điện so với tổng điện năng tiêu thụ trong 3 năm đầu tham gia thí điểm đạt từ 80% trở lên. Thời hạn của hợp đồng mua bán điện sẽ do hai bên tự thỏa thuận trong khoảng từ 10 - 20 năm.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục