Có hiện tượng lợi dụng cơ chế thông thoáng để buôn lậu

22:30' - 13/09/2017
BNEWS Tại Tp. Hồ Chí Minh xuất hiện đối tượng buôn lậu lợi dụng cơ chế thông thoáng về chính sách hàng quá cảnh, tạm nhập tái xuất.

Tại Tp.Hồ Chí Minh cũng xuất hiện doanh nghiệp “ma” đứng tên để làm thủ tục các lô hàng quá cảnh.

Đây là vấn đề được Cục Hải quan Tp.Hồ Chí Minh cho biết tại buổi làm việc với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) về công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, ngày 13/9.

Ông Phạm Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Tp.Hồ Chí Minh, cho biết nhiều doanh nghiệp chỉ khai báo tên hàng đại diện khi làm thủ tục hải quan, không khai những mặt hàng khác có trong lô hàng, trong đó có thể có hàng cấm nhập khẩu, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng có thuế suất cao; ban đầu khai tên người nhận hàng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, khi bị các cơ quan chức năng phát hiện có nghi vấn hoặc phối hợp kiểm tra thì doanh nghiệp điều chỉnh manifest (bản kê khai hàng hóa) với tên hàng, người nhận hàng là phía Campuchia và làm thủ tục hải quan theo loại hình hàng quá cảnh.

Trong quá trình vận chuyển lô hàng quá cảnh, doanh nghiệp có thể rút hàng ra tiêu thụ tại Việt Nam, hoặc thẩm lậu ngược về Việt Nam qua đường mòn biên giới, vừa qua đã có trường hợp bị cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ.

Theo Cục Hải quan Tp.Hồ Chí Minh, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép qua hình thức hàng quá cảnh, hàng tạm nhập – tái xuất gia tăng trong thời gian gần đây do chưa có sự phối hợp tốt, kiểm soát chặt chẽ giữa hải quan và các lực lượng chức năng trên đoạn đường vận chuyển hàng hóa quá cảnh; đồng thời công tác phối hợp theo dõi lô hàng từ đơn vị hải quan nơi mở tờ khai tạm nhập đến đơn vị hải quan nơi tiến hành làm thủ tục tái xuất có nơi, có lúc chưa được tốt.

Bên cạnh đó,với hệ thống thông quan điện tử hiện nay, doanh nghiệp có thể biết trước thông tin phân luồng cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của mình. Đối với hàng xuất khẩu khi doanh nghiệp nhận được thông tin phân luồng (miễn kiểm tra thực tế hàng hoá) có thể đưa những container hàng hoá không đúng với khai báo để xuất khẩu.

Đối với các lô hàng nhập khẩu doanh nghiệp cố tình khai báo sai: trường hợp được miễn kiểm tra thực tế hàng hoá (doanh nghiệp thực hiện trót lọt); trường hợp phảikiểm tra thực tế (luồng đỏ) hoặc có sự phối hợp công tác của các lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường... doanh nghiệp đối phó bằng cách xin sửa chữa, khai bổ sung cho phù hợp với bộ chứng từ thật hay xin hủy tờ khai sau đó khai lại tờ khai khác.

Tại buổi làm việc, Cục Hải quan Tp.Hồ Chí Minh cho biết qua kiểm tra thực tế, ngành hải quan phát hiện nhiều doanh nghiệp "ma" đứng tên để làm thủ tục các lô hàng quá cảnh.

Có những đối tượng lợi dụng thành lập nhiều doanh nghiệp để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. qua quá trình xác minh các doanh nghiệp vi phạm, cơ quan phát hiện nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp (người đại diện pháp luật) không phải là chủ đích thực, không hề hay biết đến việc thành lập doanh nghiệp, có những đối tượng thành lập nhiều doanh nghiệp, có cùng một địa chỉ để lấy pháp nhân các doanh này thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.

"Khi tra cứu tên doanh nghiệp trên hệ thống thông tin người nộp thuế thì vẫn đang hoạt động, nhưng khi đến nơi thì không có địa chỉ đó hoặc doanh nghiệp không hoạt động trên địa bàn này…

Do đó, việc xác định chủ thể vi phạm là rất khó khăn khi doanh cố tình né tránh cơ quan hải quan", Phó Cục trưởng Cục Hải quan Tp.Hồ Chí Minh Phạm Quốc Hùng cho biết.

Đánh giá cao những kết quả đạt được của Cục Hải quan Tp.Hồ Chí Minh trong công tác công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 cho rằng: Cục Hải quan Thành phố đã chủ động có kế hoạch, giải pháp cụ thể và đã phát hiện trên 1.000 vụ vi phạm, trong đó số vụ khởi tố hình sự gấp đôi so với cả năm 2016.

Tuy nhiên, các vụ việc bị phát hiện mới chỉ dừng lại ở việc bắt vụ, khởi tố, còn việc điều tra, bắt giữ các đối tượng cần đầu, ổ nhóm buôn lậu còn hạn chế.

Để đấu tranh triệt phá các đường dây ổ nhóm buôn lậu tận gốc, ông Đàm Thanh Thế cho rằng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan với nhau, từ cơ quan phát hiện, đến cơ quan điều tra…

Mặt khác, nếu không triệt phá được các đối tượng thành lập doanh nghiệp “ma”, thì phát hiện chỗ này, các đối tượng lại tìm thủ đoạn khác để lợi dụng, tiếp tục buôn lậu.

Qua thực tế trên, Cục Hải quan Tp.Hồ Chí Minh cần thống kê con số cụ thể, đồng thời đưa ra các vụ việc điển hình để có căn cứ làm việc, kiến nghị với cơ quan cấp phép có chấn chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục