Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan

12:41' - 23/05/2019
BNEWS Triển lãm Thương hiệu hàng đầu Thái Lan 2019 có quy mô hơn 120 doanh nghiệp và 160 gian hàng là cầu nối hiệu quả giúp các doanh nghiệp trao đổi và tạo sức hút đầu tư vào thị trường Việt Nam.

 Có mặt tại Triển lãm “Thương hiệu hàng đầu Thái Lan 2019” từ rất sớm, vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Chi - cư dân Park Hill rất hào hứng và mua sắm khá nhiều.

Bởi, theo chia sẻ của chị Chi, ưu điểm của hàng Thái Lan là mẫu mã đa dạng, phong phú trong khi giá cả lại không chênh lệch nhiều so với hàng Trung Quốc và thậm chí hàng Việt Nam.

Đây là nguyên nhân lý giải vì sao tại mỗi kỳ triển lãm hàng tiêu dùng Thái Lan lại thu hút được đông đảo người tiêu dùng Việt đến tham quan và mua sắm.


Cắt băng khai mạc Triển lãm Thương hiệu hàng đầu Thái Lan. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Dạo quanh một vòng Triển lãm “Thương hiệu hàng đầu Thái Lan 2019” do Bộ Thương mại Thái Lan phối hợp với Công ty Quảng cáo và Hội chợ thương mại (Vinexad) tổ chức sáng 23-26/5 tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô mới thấy hết sự đa dạng về hàng hóa và cảm tình của người tiêu dùng Việt đối với hàng hóa nước này. 

Theo nhận định của ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương, triển lãm có quy mô hơn 120 doanh nghiệp và 160 gian hàng chủ yếu trưng bày các loại thực phẩm và đồ uống, đồ dùng gia đình, đồ dùng trẻ em, quần áo thời trang và phụ kiện, thiết bị gia dụng, phụ tùng ô tô xe máy, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, dịch vụ thương mại và một số sản phẩm dịch vụ khác...

Triển lãm thương hiệu hàng đầu Thái Lan 2019 là cầu nối hiệu quả và là kênh xúc tiến quan trọng giúp các doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi và nhất là tạo sức hút đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Triển lãm Thương hiệu hàng đầu Thái Lan thu hút đông đảo người tiêu dùng từ buổi đầu khai mạc. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Đánh giá về thị trường bán lẻ Việt Nam, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khẳng định, đây là thị trường nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (hơn 93,7 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50).
Hơn nữa, thị trường Việt Nam được dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
Bà Lê Việt Nga cho biết thêm, thị trường bán lẻ Việt Nam có 8 phân khúc chủ yếu với sự góp mặt của các nhà bán lẻ lớn gồm đại siêu thị/trung tâm phân phối, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm phức hợp, siêu thị, siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi/cửa hàng chuyên dụng, siêu thị điện máy, bán lẻ trực tuyến và bán hàng qua truyền hình.
Nếu như trước đây thâm nhập thị trường Việt thông qua hàng xách tay, triển lãm thì nay hàng Thái chính thức vào Việt Nam qua 4 kênh phân phối lớn gồm Mega Market (tên gọi cũ là Metro) với 19 siêu thị, B’smart có 75 cửa hàng tiện lợi (định hướng mở 3.000 cửa hàng), Big C có 32 siêu thị, Robinson với chuỗi siêu thuộc doanh nghiệp Thái Lan.

Các mặt hàng mỹ phẩm Thái Lan thu hút người tiêu dùng Việt. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ngoài ra, Chính phủ nước này luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp Thái Lan tham gia hội chợ thương mại tại các nước trong khu vực ASEAN, góp phần quảng bá thương hiệu rộng rãi. Mỗi năm có khoảng 12 đến 20 hội chợ hàng Thái Lan được Bộ Thương mại Thái Lan, Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đứng ra tổ chức với quy mô từ 100-300 gian hàng.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp Thái cũng có nhiều chính sách hỗ trợ quảng cáo đến các nhà phân phối Việt Nam như trợ giá đến 20%, tài trợ gian hàng khi nhà phân phối tham gia các hội chợ trong nước, chính sách đổi trả sản phẩm linh hoạt...góp phần tăng sức cạnh tranh.
Sự thâm nhập còn mạnh hơn nữa khi liên quan tới lộ trình giảm thuế theo cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) của Việt Nam. Theo đó, gần 98% số dòng thuế nhập khẩu đã được xóa bỏ, càng tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Thái xâm nhập thị trường Việt Nam. 

Hơn thế nữa, với khoảng cách địa lý gần giữa Thái Lan và Việt Nam thì việc vận chuyển hàng hoá nhập khẩu cũng rút ngắn thời gian và tiền bạc, thuận lợi cho việc lưu thông trên thị trường.
Ở góc nhìn khác, nhiều ý kiến cho rằng việc nhập siêu trong quá trình hội nhập là vấn đề bình thường, do đó cần nhìn nhận tỷ lệ nhập siêu hàng Thái của Việt Nam tăng một cách khách quan, toàn diện hơn.
Cùng đó, cơ cấu hàng Thái Lan và Việt Nam khá tương đồng, ngoài vấn đề xử lý hàng rào kỹ thuật thì phải xuất phát từ chính năng lực sản xuất trong nước, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Vì vậy, giải quyết chuyện nhập siêu với bất kỳ thị trường nào; trong đó có Thái Lan phải tuân theo nguyên tắc thị trường mà quan trọng là vấn đề hiệu quả trong hoạt động thương mại. Do đó, triển lãm là cơ hội tốt để doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác và cơ hội kinh doanh tiến tới cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục