Cơ hội cho du lịch Việt Nam từ những bộ phim bom tấn

16:28' - 18/03/2017
BNEWS Sự kiện ra mắt bộ phim “bom tấn” Hollywood, “Kong: Skull Island” đang mở ra cơ hội giới thiệu nhiều thắng cảnh đẹp của Việt Nam tới du khách trên toàn thế giới.
Đạo diễn phim "Kong: Skull Island". Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này cần có sự chung tay của nhiều bộ, ngành, địa phương với những kế hoạch hành động cụ thể.
* Tận dụng cơ hội
Bình thường, sẽ rất khó để có vài phút xuất hiện trên các kênh truyền hình nổi tiếng thế giới và sẽ phải mất chi phí rất cao. Nhưng có một cách làm khác để quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới một cách hiệu quả, đó là thông qua các bộ phim điện ảnh nổi tiếng. Trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện hiệu quả việc quảng bá du lịch thông qua các bộ phim điện ảnh.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, hình ảnh đất nước, con người chỉ được sử dụng như một công cụ cho phim ảnh. Việc khai thác hiệu ứng từ điện ảnh để quảng bá du lịch vẫn còn là vấn đề rất mới.
Trước đây, Việt Nam cũng đã có nhiều cơ hội để quảng bá du lịch Việt Nam thông qua các bộ phim nổi tiếng. Điển hình như, những năm 1990, sau khi hình ảnh Việt Nam được giới thiệu qua các phim “L’Amant” và “Indochine” (được trao Giải Oscar cho phim tiếng nước ngoài hay nhất) của điện ảnh Pháp, khách quốc tế nườm nượp tìm đến Vịnh Hạ Long, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và miền Tây Nam Bộ; hay năm 2002, khi “The Quiet American” được thực hiện ở Việt Nam, khách Mỹ và Australia, châu Âu lại đến các tỉnh Ninh Bình, Hà Nội, Hội An, Thành phố Hồ Chí Minh…

Tuy nhiên, đó chỉ là sự “bùng nổ” tự phát. Du khách đến Việt Nam phải tự tìm đến những địa danh họ muốn mà không hề có sự chỉ dẫn hay quảng bá nào từ ngành du lịch…
Có lẽ đến nay, chỉ mình tỉnh Phú Yên gây được chú ý sau bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (khởi chiếu vào tháng 10-2015). Sự vào cuộc nhanh chóng của Phú Yên đã giúp du lịch tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Năm 2015, thống kê cho thấy du lịch cả nước tăng chỉ 0,9%, trong khi Phú Yên tăng hơn 17%; năm 2016 cả nước tăng 26%, Phú Yên tăng 30,6%.
Những ngày đầu tháng 3 này cả nước lại đang “nóng” cùng sức “nóng” của bộ phim “bom tấn” “Kong: Skull Island”. Một trong những lý do quan trọng được chờ đợi là bộ phim có những cảnh quay tại nhiều địa phương của Việt Nam như Quảng Bình (tại huyện Minh Hóa), Ninh Bình (tại Quần thể danh thắng Tràng An, Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động), Quảng Ninh (tại Vịnh Hạ Long). Đây được đánh giá là cơ hội vàng để quảng bá du lịch Việt Nam nói chung, du lịch tại các điểm quay nói riêng với du khách trên toàn thế giới.
Đứng trước cơ hội này, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đề xuất về việc chọn ông Jordan Vogt-Roberts, đạo diễn “Kong: Skull Island”, làm Đại sứ Du lịch Việt Nam (thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch Việt Nam thông qua các hoạt động công chúng, truyền thông, báo chí, nghệ thuật, nhiếp ảnh…). Ngày 13-3-3017, ông Jordan Vogt-Roberts đã chính thức nhận quyết định làm Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2020.
Tỉnh Quảng Bình cũng có kế hoạch đầu tư, phát triển những tour du lịch mới. Cụ thể, tỉnh đã đàm phán với đoàn làm phim "Kong: Skull Island" về việc dựng tượng 3 cánh tay của khỉ Kong trong phim tại 3 điểm quay gồm: hồ Yên Phú, thung lũng Chà Nòi và hang Chuột (huyện Minh Hóa). Đồng thời, tới đây tỉnh sẽ xây dựng tour liên quan đến bộ phim "Kong: Skull Island" với các nội dung tham quan phim trường, nơi đặt các bức tượng cánh tay khỉ Kong…
Trong khi Quảng Bình có những động thái khá tích cực trong việc quảng bá du lịch thông qua bộ phim bom tấn này, những địa phương khác cũng có cảnh quay trong phim như Quảng Ninh, Ninh Bình lại chưa thực sự chuyển động. Nếu không tận dụng ngay, cơ hội này lại thuộc về các doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Bằng chứng là chỉ sau 1 ngày “Kong: Skull Island” công chiếu, công ty lữ hành Exotic Voyages giới thiệu tour trọn gói “New Kong: Skull Island”, dài 10 ngày cho khách đi từ Bắc đến Nam, qua những địa danh có cảnh quay trong phim như Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình...
Có thể thấy, Kong: skull Island” một lần nữa đang mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch Việt Nam, nhưng để “cầm vàng không để vàng rơi” cần có sự chung tay của nhiều bộ, ngành, địa phương nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam ra toàn thế giới, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển.
Bên cạnh việc khai thác hiệu ứng từ các bộ phim, giới chuyên môn nhận định, Việt Nam cũng cần chủ động trong việc sử dụng điện ảnh để quảng bá du lịch. Trên thực tế, những năm gần đây, Việt Nam cũng đã sản xuất nhiều thước phim chuyên đề giới thiệu về phong cảnh, đất nước, con người Việt Nam nói chung cũng như danh lam thắng cảnh, văn hóa, con người của các địa phương nói riêng.

Tuy nhiên, những thước phim chuyên đề, mặc dù mang đến những thông tin rất chi tiết nhưng lại không hẳn thuyết phục và ghi dấu ấn sâu sắc như phim truyện hay phim truyền hình. Bởi nó gắn trong đó những cốt truyện, những mảnh đời hòa quyện trong cảnh trí mang đến cho người xem sự thuyết phục và ghi nhớ sâu sắc.
Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp phép sản xuất hai phim tài liệu “Phiên chợ vùng cao” và “Mũi Né - Vùng biển thức” có độ dài 12 phút, phụ đề song ngữ Anh-Pháp với nội dung quảng bá thương hiệu và sản phẩm du lịch Việt. Dự kiến, sau khi hoàn thành, hai bộ phim tài liệu này sẽ được trình chiếu tại tất cả các sự kiện chính thức của quốc gia về điện ảnh và du lịch trong nước và quốc tế các năm tiếp theo như: Tuần phim Việt Nam tại Singapore, Tuần phim Việt Nam tại Hàn Quốc, Chương trình phim Việt Nam tại Cuba, Canada, Liên hoan phim châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 57…
* Kinh nghiệm từ một số quốc gia
Tận dụng cơ hội từ điện ảnh để quảng bá du lịch là câu chuyện không mới đối với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Thực tế cho thấy, việc quảng bá du lịch thông qua điện ảnh đã giúp nhiều quốc gia gặt hái được trái ngọt.
Rõ nét nhất là Hàn Quốc. Sau nhiều năm thực hiện mục tiêu “biến” điện ảnh thành ngành công nghiệp giải trí số 1, họ đã tạo được hiệu ứng “Xem phim Hàn, dùng đồ Hàn, đi du lịch Hàn” ở nhiều quốc gia. Nghiên cứu thị trường chỉ ra rằng, hơn ½ số lượng khách châu Á tới Hàn Quốc lần đầu biết đến và mong muốn tới Hàn Quốc sau khi xem những bộ phim truyền hình của Hàn Quốc.

Riêng thành phố Busan (kinh đô điện ảnh của Hàn Quốc, hơn 40% bộ phim của quốc gia này được quay tại đây) đã được quảng bá khắp thế giới, trung bình mỗi năm thu hút khoảng 10 triệu lượt người tới thăm, doanh thu từ du lịch cao gấp14 lần so với những hoạt động kinh tế khác của địa phương.
Tại Thái Lan, một số địa danh đã trở thành nổi tiếng nhờ những bộ phim khủng. Đảo (Kok) Tapu và vịnh Phang Nga ở Phukhet đã trở thành địa điểm phải đến đối với rất nhiều du khách khi được mang tên “đảo James Bond” trong loạt phim “Ðiệp viên 007”; hay với 2 bộ phim: “Nhiệm vụ bất khả thi” và “The Beach”, đảo Phi Phi trở thành điểm du lịch hấp dẫn nổi tiếng… Không chỉ tận dụng điện ảnh để quảng bá du lịch, Thái Lan đã chú trọng phát triển dịch vụ làm phim và trở thành một trong những quốc gia cung cấp dịch vụ tốt nhất cho việc sản xuất phim ảnh.
Từ một khu chợ nghèo nàn không có sức hấp dẫn, không có tiềm năng thu hút khách, vậy nhưng khu “ổ chuột” ở Dharavi đã nhanh chóng lột xác trở thành điểm đến hấp dẫn của Ấn Độ, bởi phim “Triệu phú ổ chuột” có bối cảnh chính quay tại Dharvi đã giành giải Oscar năm 2009.
Cũng như vậy, “Chúa tể những chiếc nhẫn” đã giúp ngành du lịch New Zealand thu hút thêm hơn 4 triệu lượt khách trong một năm. Để có được kết quả này, New Zealand đã thể hiện một chiến lược rõ ràng khi đầu tư một khoản tiền lớn của Chính quyền liên bang là 150 triệu USD để tài trợ quay bộ ba phim “Chúa tể của những chiếc nhấn”.

Đồng thời ngay khi bộ phim “bom tấn” này bắt đầu được thực hiện, ngành du lịch nước này cũng đã thực hiện chiến dịch quảng bá lớn xoay quanh bộ phim nhằm không chỉ giới thiệu những cảnh quan và trải nghiệm có thể có được tại những địa danh được quay tại bộ phim mà còn rộng hơn về những điểm đến khác nữa ở New Zealand. Năm 2014, khi phần tiếp theo mang tên “Hobbit” ra rạp, ngành du lịch New Zealand đã xem đây chính là cơ hội thúc đầy phát triền du lịch quốc gia tiến tới 10 triệu du khách/năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục