Cơ hội nào trong biến động của thị trường chứng khoán?

21:03' - 29/06/2022
BNEWS Chiều 29/6, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Toạ đàm “Đầu tư tài chính 2022: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán”.

Sự kiện có ý nghĩa quan trọng và được tổ chức đúng thời điểm dư luận xã hội đang đặc biệt quan tâm tới chứng khoán và những biến động của thị trường trong thời gian gần đây.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI ghi nhận, nửa năm 2022 đã đi qua với những dấu ấn đặc biệt của kinh tế Việt Nam và cả những biến động trên thị trường chứng khoán; trong đó, Việt Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng GDP tích cực, ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát theo mục tiêu, môi trường kinh doanh thuận lợi và doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ.

 

Sau thời gian "bùng nổ" của thị trường chứng khoán sau đại dịch, những lỗ hổng, các vấn đề chưa hoàn thiện trên thị trường đã ngày càng bộc lộ. Nhưng với sự vào cuộc khẩn trương của Chính phủ, bằng những hành động và thông điệp cụ thể, thị trường đã nhận được những tín hiệu phản hồi tích cực của nhà đầu tư, doanh nghiệp và đang bước đầu có hiệu quả.
Gần đây, từ thực tế một số vụ việc liên quan tới không ít tổ chức, cá nhân có những vi phạm pháp luật như bắt tay nhau thao túng giá chứng khoán, giao dịch nội gián không công bố, tác động đến giá chứng khoán để trục lợi… đã và đang được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, không chỉ để xử lý nghiêm các sai phạm, mà còn là tiếng chuông cảnh báo đối với những hành động và dòng tiền có mục đích tương tự.
Ông Phòng nhấn mạnh, cùng với sự phục hồi về điểm số thì vừa qua, chính trong thử thách, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bắt đầu đón nhận sự trở lại của khối nhà đầu tư nước ngoài. Những diễn biến này thể hiện niềm tin trở lại vào triển vọng của thị trường chứng khoán.

Sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường đã thể hiện sự đúng hướng của những giải pháp và quyết sách mà Chính phủ đang chủ trương thực hiện hướng tới việc phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, minh bạch và bền vững.
Cũng tại tọa đàm, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát hành Thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, năm 2022 có nhiều diễn biến phức tạp và không thuận lợi như năm 2021, một năm bùng nổ của thị trường chứng khoán. Sau khi chứng kiến mức tăng vào đầu năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có mức giảm điểm tương đối mạnh.

Thanh khoản thị trường cũng có xu hướng giảm liên tục trong giai đoạn này, giá trị giao dịch bình quân sang tháng 5 thanh khoản chỉ đạt bình quân 17.773 tỷ đồng/phiên, giảm 32% so với tháng 4 và bắt đầu có dấu hiệu hồi phục.
Mặc dù diễn biến giảm điểm đã khiến nhiều nhà đầu tư e ngại khi tham gia thị trường, song bà Bình cho biết, vẫn có một số điểm sáng trên thị trường như nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng mua ròng trở lại trong những tháng gần đây.

Tính lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/6/2022, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 2.193 tỷ đồng cổ phiếu. Bên cạnh đó, số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh cho thấy các nhà đầu tư vẫn coi đây là kênh đầu tư hấp dẫn trong thời điểm hiện tại.
Theo bà Bình, các dự báo phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phụ thuộc khá nhiều vào thị trường chứng khoán toàn cầu; trong đó, chịu tác động của tình hình căng thẳng Nga – Ukraine, chính sách phong toả nghiêm ngặt nhằm đối phó với COVID-19 của Trung Quốc, động thái thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khoá trên thế giới...

Chưa kể đến là những dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại như nguồn tin từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) là chỉ đạt 3,6% hay Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo ở mức 2,9%.
“Đặc biệt, yếu tố giá cả lương thực, năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt tăng cao tác động tiêu cực đến chi phí đầu vào và lợi nhuận của các doanh nghiệp, đồng thời làm gia tăng áp lực lạm phát lên các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam”, bà Bình chỉ ra.
Cùng với đó, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới đã có các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Fed đã 3 lần điều chỉnh lãi suất điều hành, với lần gần nhất tăng 0,75%, mức tăng cao nhất kể từ năm 1994. Động thái này làm tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá, trực tiếp ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán toàn cầu và Việt Nam. 
Còn ở trong nước, trước bối cảnh căng thẳng quốc tế và áp lực lạm phát gia tăng, các nhà đầu tư cũng chuyển sang tâm lý thận trọng hơn trong đầu tư, tạo nên áp lực bán mạnh hơn trên thị trường chứng khoán.

Tuy Ngân hàng Nhà nước vẫn đang giữ nguyên mức lãi suất điều hành nhưng mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đã gia tăng trong thời gian qua, thu hút dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng. Rõ ràng, những diễn biến của thị trường chứng khoán gần đây đều tương quan và có diễn biến xuôi chiều so với thế giới.
Đồng tình quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, sự suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây chịu sự tác động chủ yếu bởi việc Fed tăng lãi suất, hơn là vì tình hình kinh tế vĩ mô trong nước. 

Lý do khiến Fed tăng lãi suất chủ yếu là để kềm chế lạm phát. Tỷ lệ lạm phát cuối tháng 5 của Mỹ đã tăng lên đến 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, một tỷ lệ  lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm nay. Tỷ lệ lạm phát tại Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục cho đến cuối năm nay.
"Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn là một thị trường non trẻ, có phần chịu tác động bởi khối ngoại. Khi Fed tăng lãi suất làm các tài sản định nghĩa trên đồng đô la trở nên hấp dẫn hơn và đã thúc đẩy một phần các nhà đầu tư ngoại trên các thị trường rút tiền đầu tư với lợi suất cao hơn và an toàn hơn. Điều này đưa đến việc các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trên thị trường. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng thường bị ảnh hưởng bởi các xu hướng tại các thị trường lớn. Do đó, khi các thị trường lớn đi vào trạng thái “bearish” (thị trường giảm giá) thì thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chạy theo với một độ trễ...", ông Trí Hiếu lý giải./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục