Cổ phiếu công nghệ “nâng đỡ” thị trường chứng khoán Mỹ

11:20' - 20/01/2024
BNEWS Chứng khoán phố Wall đã tăng điểm trong phiên ngày 19/1, trong đó cổ phiếu công nghệ ghi nhận mức tăng lớn, với chỉ số công nghiệp Dow Jones và S&P 500 đạt mức cao kỷ lục mới.

Tuy nhiên, các thị trường châu Âu, nơi ít thiên về công nghệ hơn so với các thị trường Mỹ, đã kết thúc tuần với mức thấp do lo ngại về tăng trưởng chậm và lãi suất cao.

 

Chứng khoán toàn cầu đã phục hồi trong phiên ngày 18/1 khi các “gã khổng lồ” công nghệ khắc phục những khoản lỗ gần đây, vượt qua lo ngại về việc các ngân hàng trung ương trì hoãn cắt giảm lãi suất. Đà tăng này đã tiếp diễn trong phiên 19/1 dù với tốc độ ít sôi động hơn. Tuy nhiên, điều đó cũng đủ để S&P 500 vượt qua kỷ lục gần đây nhất được thiết lập vào đầu năm 2022.

Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,1% lên 37.863,80 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 1,2% lên 4.839,81 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,7% lên 15.310,97 điểm.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE 100 của London tăng chưa đến 0,1% lên 7.461,93 điểm, song chỉ số CAC 40 của Paris giảm 0,4% xuống 7.371,64 điểm, còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm khoảng 0,1% xuống 16.555,13 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,1% xuống 4.448,83 điểm.

Giám đốc nghiên cứu của XTB, Kathleen Brooks cho biết, lĩnh vực công nghệ và dịch vụ truyền thông vẫn đang thúc đẩy thị trường Mỹ và châu Âu đang bỏ lỡ cơ hội tiếp cận công nghệ.

Mức tăng của thị trường Mỹ chủ yếu nhờ “sức mạnh” của các “gã khổng lồ” công nghệ bao gồm Alphabet, Meta và Nvidia sau khi công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC công bố triển vọng mạnh mẽ về chi tiêu vốn và doanh thu, điều này làm tăng hy vọng cho năm 2024.

Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg đăng trên Instagram rằng công ty đang mua các sản phẩm AI bao gồm chip Nvidia vốn là chìa khóa cho các dự án AI.

Thị trường châu Âu ban đầu tăng, nhờ sự phục hồi của Phố Wall, trước khi giảm điểm do những lo ngại kéo dài rằng các ngân hàng trung ương sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất và trong bối cảnh các nhà đầu tư tiếp tục phân tích thông tin về GDP của Đức sụt giảm.

Nhà phân tích thị trường trưởng tại CMC Markets UK, ông Michael Hewson cho biết thị trường châu Âu đã phải vật lộn để đi lên dựa trên mức tăng của phiên trước đó.

Trong phiên ngày 17/1, chứng khoán toàn cầu đồng loạt giảm khi doanh số bán lẻ của Mỹ mạnh hơn dự kiến đã làm mờ đi hy vọng về việc cắt giảm lãi suất sớm tại nước này. Cùng với đó, các số liệu của Trung Quốc và Vương quốc Anh cũng khiến thị trường thêm lý do để lo lắng.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp gần đây nhất đã giữ lãi suất ổn định và dự kiến ba lần cắt giảm trong năm nay, khiến các nhà giao dịch dự đoán lần cắt giảm đầu tiên có thể đến sớm nhất là vào tháng 3/2024.

Tuy nhiên, ông Peter Cardillo của công ty môi giới tài chính Spartan Capital cho biết, thị trường đang tự điều chỉnh lại trước những đồn đoán về việc cắt giảm lãi suất. Ông nói thêm rằng việc cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024 có thể không còn khả thi, khi cân nhắc tới hiệu quả hoạt động của nền kinh tế và cách các quan chức ngân hàng trung ương nói về sự thận trọng trong việc hạ lãi suất.

Một vấn đề đau đầu khác đối với các nhà đầu tư là bức tranh kinh tế ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5,2% trong quý IV/2023, phù hợp với mục tiêu chính thức. Tuy nhiên, điều này không xóa được thực tế về một số diễn biến đáng lo ngại như tình trạng dân số giảm, giá nhà quy yếu và doanh số bán lẻ không như kỳ vọng của nước này.

Thị trường càng lo lắng hơn khi dữ liệu chính thức cho thấy lạm phát hàng năm của Anh nhích cao hơn trong tháng 12/2023, trái ngược với dự báo thị trường sẽ giảm nhẹ.

Thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Martin Luther King phiên 15/1, và ghi nhận đà giảm trong phiên ngày 16/1 trong bối cảnh các thị trường xem xét kết quả trái chiều từ các ngân hàng lớn, cùng với nhận xét của Thống đốc Fed Christopher Waller.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục