Cơ sở nào để khối ngoại trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán?

19:08' - 13/07/2021
BNEWS Dù khối ngoại phiên hôm nay 13/7 đã trở lại bán ròng, nhưng theo chuyên gia, có nhiều cơ sở để nhận định, khối ngoại có thể trở lại mua ròng trong thời gian tới.
Cụ thể phiên 13/7, khối ngoại đã đảo chiều bán ròng sau 2 phiên mua ròng hàng nghìn tỷ đồng. Theo đó, khối ngoại đã bán ròng 215,56 tỷ đồng trên HOSE và 9,13 tỷ đồng trên HNX. Trong khi đó, khối này mua ròng gần 12 tỷ đồng trên HNX.

Trước đó phiên hôm qua (12/7), khối ngoại là nhân tố tích cực và đi ngược thị trường khi duy trì trạng thái mua ròng khá mạnh, đạt hơn 1.400 tỷ đồng. Tâm điểm mua ròng là bộ 3 cổ phiếu gồm: STB, SSI và HPG.

Trên sàn giao dịch HOSE, khối ngoại đã mua ròng 53,56 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 1.401,32 tỷ đồng, tăng 123,24% về lượng và 77,58% về giá trị so với phiên trước đó.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, khối ngoại đã liên tục bán ròng. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, tổng lượng bán ròng trong tháng 6 là 4.600 tỷ đồng. Tổng lượng bán ròng của khối ngoại trên 3 sàn chứng khoán lên tới 30.400 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, khối ngoại đang có xu hướng quay trở lại mua ròng. Hiện tại, có nhiều dấu hiệu cho thấy điều này.

Ông Minh cho rằng, sắp tới khi các công ty ra báo cáo kết quả kinh doanh quý II được nhận định là khả quan thì P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) của thị trường sẽ quay trở lại về mức hấp dẫn. Những "cú" giảm mạnh của thị trường vừa qua đã kéo về P/E về mức 16,5 lần.

Trung bình từ năm 2000 đến nay, P/E của thị trường Việt Nam quanh mức 16 lần. Như vậy, với kết quả quý II của các doanh nghiệp tích cực thì nhiều khả năng mức P/E còn có thể thấp hơn mức trung bình của thị trường. Vì vậy, có thể thấy, giai đoạn hiện tại thị trường Việt Nam đang hấp dẫn. Đây là điểm cơ sở để nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng.

Một lý do nữa là hiện nay, tỷ lệ tiền mặt của các quỹ ngoại tăng lên rất mạnh, như vậy áp lực của họ trong thời gian tới phải giải ngân và đây là thời điểm thích hợp.

Bên cạnh đó, nhiều khả năng mặt bằng lãi suất thấp vẫn được duy trì, có nghĩa là dư địa để thị trường đi lên vẫn có, điều này đồng nghĩa với việc dòng tiền ngoại sẽ có xu hướng tiếp tục vào thị trường Việt Nam.

Dù từ đầu năm 2020 đến nay, khối ngoại đều bán ròng, nhưng tiền vẫn chưa rút ra khỏi Việt Nam mà đang chờ cơ hội giải ngân. Khối ngoại đang nằm chờ và họ có thể sẽ mua vào cổ phiếu trong thời gian tới, ông Minh nhận định.

Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 6 tháng đầu năm 2021 ở mức chưa thực sự tiêu cực. Theo bà Bình, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu nhưng lại mua ròng trái phiếu, tức là có sự dịch chuyển danh mục.

Bên cạnh đó, việc bán ròng khác với rút ròng. Con số thống kê cho thấy, số dư tiền mặt của các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay vẫn lớn, chứng tỏ là họ đang chờ đợi cơ hội giải ngân tiếp theo.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), ông Nguyễn Sơn cho rằng, giá trị danh mục đầu tư nước ngoài hiện vào khoảng 49,5 tỷ USD. Trong giai đoạn vừa qua, về cơ bản nhà đầu tư nước ngoài bán ròng. Tuy nhiên, mức độ bán ròng không nhiều và dòng tiền đó không rút ra khỏi Việt Nam mà vẫn để trên tài khoản tiền mặt. Có nghĩa nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi cơ hội đầu tư mới.

Quay trở lại diễn biến thị trường 13/7, các chỉ số phiên hôm nay diễn biến giằng co và VN- Index may mắn kết phiên trong sắc xanh, nhưng thanh khoản giảm mạnh cho thấy tâm lý thận trọng của giới đầu tư.

Cụ thể, thanh khoản toàn thị trường phiên hôm nay đạt hơn 19.420 tỷ đồng, trong khi phiên hôm qua, thanh khoản đạt tới hơn 37.000 tỷ đồng.

Chốt phiên giao dịch ngày 13/7, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 1,24 điểm lên 1.297,54 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 536,9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 15.915,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 265 mã tăng giá, 112 mã giảm giá và 44 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 3,72 điểm lên 296,7 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 132,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 2.639,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 154 mã tăng giá, 55 mã giảm giá và 158 mã đứng giá.

UPCOM-Index tăng 1,47 điểm lên 85,36 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 51,7 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 870 tỷ đồng. Toàn sàn có 197 mã tăng giá, 73 mã giảm giá và 54 mã đứng giá.

Phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu chứng khoán diễn biến tích cực trở lại sau phiên giảm sâu hôm qua (12/7) với hàng loạt mã cổ phiếu tăng mạnh như: HCM, VND, SSI, MBS.

Sắc xanh tràn ngập nhóm cổ phiếu dầu khí với các mã BSR, OIL, PLX, PVB, PVD, PVC, PVS tăng từ 1,1-7,2%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng nghiêng về chiều hướng tích cực. Hàng loạt mã cổ phiếu ngành này ở chiều tăng giá như: ABB, ACB, BID, BVB, HDB, KLB, NAB, OCB, SGB, SHS, SSB, STB, TCB, VBB. Dù vậy, nhóm này vẫn còn những mã vốn hóa lớn giảm khá mạnh như CTG, VCB, EIB.

Tại nhóm cổ phiếu VN30, dù số mã tăng nhiều hơn số mã giảm nhưng chỉ số VN30-Index vẫn kết phiên trong sắc đỏ.

Về diễn biến thị trường chứng khoán thế giới, cụ thể là tại thị trường chứng khoán châu Á. Trong chiều 13/7, hầu hết các thị trường đều tăng điểm. Theo đó, chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đầu đà tăng của thị trường châu Á với chỉ số Hang Seng tăng 1,63% lên 27.963,41 điểm.

Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng ghi thêm 0,53% lên 3.566,52 điểm. Chứng khoán Nhật Bản cũng không năm ngoài xu hướng tăng điểm của khu vực, với chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 0,52% lên 28.718,24 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng phiên thứ hai liên tiếp, được hỗ trợ bởi lực mua mạnh mẽ của các tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài. Phiên này, chỉ số Kospi tại Seoul tiến thêm 0,77% lên mức 3.271,38 điểm.

Các thị trường Singapore, Mumbai, Wellington, Bangkok và Đài Bắc cũng trong vùng tăng điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục