Cố vấn khởi nghiệp: Đổi mới trên hành trình mới

20:33' - 02/12/2021
BNEWS Cố vấn khởi nghiệp là một hoạt động mà chúng ta trao giá trị cho những thế hệ đi sau và nhận lại rất nhiều những giá trị khác không thể đo đếm bằng tiền, bằng tài chính hay bằng bất kỳ điều gì khác.

Ngày 2/12 tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức hội thảo: "Cố vấn khởi nghiệp: Đổi mới trên hành trình mới". Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia năm 2021 và Chương trình Youth Co:Lab của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP Việt Nam, với sự tài trợ của tổ chức City Foundation, nhằm mục đích khái quát hóa các hoạt động cố vấn khởi nghiệp trong vài năm gần đây; đồng thời, ra mắt các thành viên mới của Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia, 

Hội thảo tập trung trao đổi về các nội dung như: Những nét mới của người cố vấn khởi nghiệp – cách làm, đối tượng, kỹ năng và giá trị bền vững qua thời gian; Đào tạo và xây dựng mạng lưới các cố vấn khởi nghiệp tạo tác động xã hội – hướng đi mới nhằm đa dạng hóa đội ngũ cố vấn khởi nghiệp; Thảo luận để nhận diện các mô hình cố vấn, cách thức tổ chức, thực hiện của các mô hình từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm.... 

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Như Quỳnh, Chuyên gia Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP cho biết, báo cáo từ Công ty đầu tư mạo hiểm Golden Gate Venture Việt Nam đánh giá, Việt Nam là một trong những ngôi sao đang lên của khu vực trong lĩnh vực khởi nghiệp và có hệ sinh thái khởi nghiệp thứ 3 tại Đông Nam Á vào năm 2022 và sẽ có rất nhiều nhà đầu tư quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực cam kết cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam.

Do đó, xu hướng đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) tại Việt Nam và khu vực  cũng sẽ ngày càng nhiều hơn. Các nhà đầu tư quan tâm đến việc tạo ra các giá trị bên cạnh giá trị tài chính đơn thuần; trong đó, nổi bật là các yếu tố liên quan đến liêm chính, tác động xã hội...

Tuy nhiên, các nhà đầu tư tài chính tư nhân vẫn còn rất ít hoặc tăng rất chậm, thể hiện khoảng trống mà các công ty khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam cần phát triển hơn nữa để đáp ứng nhu cầu đầu tư.

Cũng theo bà Quỳnh, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong những gần đây đã được triển khai khá tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra như hiện nay đã tạo nên những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ đối với nền kinh tế nói chung và với các startup nói riêng.

Điều đó đặt ra, "đã tới lúc, chúng ta cần có hướng đi, hướng tiếp cận mới để làm mới hơn chương trình khởi nghiệp và những người cố vấn cũng phải thay đổi cách làm việc vì không thể gặp trực tiếp các startup để cố vấn.

Vì thế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung và các doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tạo tác động xã hội nói riêng, chúng ta cần một số lượng lớn các mentor vững về chuyên môn và có thêm nhiều yếu tố mới trong đó có liên quan tới lĩnh vực tạo tác động. Chính vì thế, UNDP cam kết sẽ luôn đồng hành cùng chương trình này", bà Quỳnh nhận định.  

Cũng tại sự kiện, ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia, nhấn mạnh, nói đến cố vấn trước hết là vai trò cực kì quan trọng của đội ngũ cố vấn đối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hiện nay, giá trị của người cố vấn được lan tỏa rất rộng. Xu thế chung là có rất nhiều các doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp - những người có nhiều kinh nghiệm đang cống hiến cho cộng đồng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp  đều đang muốn trở thành các nhà cố vấn để tạo tác động đối với cộng đồng, lan tỏa giá trị của họ, kinh nghiệm của họ cho cộng đồng và thực hiện trách nhiệm xã hội của họ. Khi họ làm như vậy thì lợi ích của họ được hưởng chính là sự phát triển của bản thân họ và doanh nghiệp của họ. 

Trả lời cho câu hỏi, thế nào là một nhà cố vấn chất lượng, ông Thắng cho biết:

"Tùy vào chuyên môn, ví dụ với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì chúng tôi sẽ bổ sung kiến thức về đổi mới sáng tạo. Hay khởi nghiệp tạo tác động thì cũng sẽ có kiến thức liên quan đến lĩnh vực này để những nhà cố vấn đó trở thành những người cố vấn chuyên nghiệp và sau khi đào tạo xong chúng ta sẽ có môi trường để họ thực hành. Vừa qua chúng tôi đã ra một mô hình mới và đã được kiểm chứng rất hiệu quả.

Muốn được đào tạo để trở thành cố vấn. Người tham gia cần có môi trường học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng từ những người cố vấn chính hay những huấn luyện viên. "Chúng tôi đang triển khai xây dựng các mạng lưới khởi nghiệp, đào tạo các cố vấn cho các hệ sinh thái khác nhau tại các trường đại học đến các tỉnh các địa phương... nhằm tạo môi trường, cơ hội tốt nhất cho các tân cố vấn".

Ông Nguyễn Tiến Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia khu vực phía Bắc, cho biết: " Cố vấn là một nghề nhưng bản chất nó không phải là nghề. Nếu chúng ta coi đó là một nghề thì sẽ đi lệch giá trị cốt lõi mà cố vấn đem lại. Cố vấn là một hoạt động mà chúng ta trao giá trị cho những thế hệ đi sau và nhận lại rất nhiều những giá trị khác không thể đo đếm bằng tiền, bằng tài chính hay bằng bất kỳ điều gì khác. Nếu sẵn sàng như vậy thì con đường cố vấn của chúng ta sẽ dễ dàng"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục