Công điện của Thủ tướng Chính phủ triển khai công tác đặc xá năm 2016

21:19' - 26/10/2016
BNEWS Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về việc triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2016.

Nội dung công điện như sau: Ngày 25/10/2016, Hội đồng tư vấn đặc xá đã ban hành Hướng dẫn số 325/HĐTVĐX về việc triển khai thực hiện Quyết định số 2230/2016/QĐ-CTN ngày 17/10/2016 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2016.

Để thực hiện tốt chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội và góp phần thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm đạt kết quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ Công an làm tốt chức năng tham mưu, thường trực cho Hội đồng tư vấn đặc xá, khẩn trương triển khai có hiệu quả công tác đặc xá năm 2016, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng người, đúng tiêu chuẩn quy định của pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, sai sót.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí thông báo Quyết định của Chủ tịch nước và tuyên truyền về công tác đặc xá năm 2016 trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân xoá bỏ mặc cảm đối với người được đặc xá và quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ họ hoà nhập cộng đồng.

Các bộ, ngành, cơ quan đã nêu trong Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các ngành, Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng thực hiện nghiêm túc Quyết định số 2230/2016/QĐ-CTN ngày 17/10/2016 về đặc xá năm 2016 của Chủ tịch nước và Hướng dẫn số 325/HĐTVĐX ngày 25/10/2016 của Hội đồng tư vấn đặc xá.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, các cơ quan báo chí ở địa phương tuyên truyền sâu rộng về công tác đặc xá trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo các Sở: Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế và Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, giấy chứng nhận, xác nhận và các tài liệu cần thiết khác liên quan đến người được đề nghị đặc xá.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, tổ chức kinh tế, đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, trong đó có người được đặc xá.

Tiếp tục theo dõi, quản lý, giáo dục, giúp đỡ, dạy nghề và tạo việc làm cho người được đặc xá trở về cộng đồng xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật.

Đối với những người được đặc xá có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vận động các ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội quan tâm giúp đỡ họ vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng.

Đồng thời, chỉ đạo Giám đốc Công an cấp tỉnh phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục và giúp đỡ người đặc xá; nắm chắc tình hình, diễn biến của số người được đặc xá về cư trú tại địa phương, không để họ gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, xử lý kịp thời, nghiêm minh những người có hành vi tái phạm tội và vi phạm pháp luật.

Bộ Công an (Cơ quan Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá) có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và báo cáo kết quả việc thực hiện Công điện lên Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng tư vấn đặc xá.

Hướng dẫn công tác đặc xá năm 2016

Triển khai Quyết định số 2230/2016/QĐ-CTN ngày 17/10/2016 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2016, Hội đồng Tư vấn đặc xá đã có văn bản hướng dẫn cụ thể về đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục tiến hành xét đặc xá năm 2016.

Trong đó, đối tượng xét đặc xá bao gồm: người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn (phạm nhân) được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện sau:

- Chấp hành tốt Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành án phạt tù liên tục được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

- Đã chấp hành án phạt tù ít nhất là một phần hai thời gian đối với án phạt tù có thời hạn; ít nhất là 15 năm đối với án phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.

- Phạm nhân phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tiền truy thu, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ những phạm nhân không bị kết án tù về các tội phạm về tham nhũng đã 70 tuổi trở lên hoặc từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau hoặc người đang mắc bệnh hiểm nghèo mà bản thân người đó và gia đình không còn khả năng thực hiện.

Người bị kết án phạt tù có thời hạn đã chấp hành ít nhất là một phần ba thời gian và người bị kết án phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đã chấp hành ít nhất là 13 năm, nếu có đủ các điều kiện khác quy định tại điểm 1, 3 trên thì được xét, đề nghị đặc xá khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù.

- Là thương binh; bệnh binh; người có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội được tặng thưởng một trong các danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sỹ nhân dân, Dũng sỹ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; được tặng thưởng một trong các loại Huân chương hoặc được tặng thưởng Huy chương kháng chiến.

- Có một trong những thân nhân sau đây là liệt sỹ: Bố đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, anh, chị, em ruột hoặc bố nuôi, mẹ nuôi, con nuôi hợp pháp.

- Là con đẻ, con nuôi hợp pháp của “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; con của gia đình được Chủ tịch nước, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng bằng "Gia đình có công với nước”.

- Khi phạm tội là người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi).

- Là người từ 70 tuổi trở lên.

- Là người đang bị mắc một trong các bệnh hiểm nghèo như: Ung thư giai đoạn cuối, liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao hoặc mắc một trong các bệnh khác được Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên kết luận bằng văn bản là bệnh hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng.

- Người từ 60 tuổi trở lên mà thường xuyên ốm đau là người đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải nằm điều trị tại bệnh xá, bệnh viện liên tục trong một thời gian dài (từ 3 tháng trở lên) hoặc không liên tục nhưng nhiều lần phải nằm điều trị tại bệnh viện (mỗi lần không dưới 1 tháng), không lao động, không tự phục vụ bản thân được và không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội, có kết luận của Hội đồng giám định y khoa hoặc xác nhận bằng văn bản của bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên.

- Có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình: Là trường hợp có gia đình đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, không còn tài sản gì đáng kể hoặc có bố đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con ốm đau nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà phạm nhân đó là lao động duy nhất trong gia đình, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình cư trú xác nhận là đúng.

- Nữ phạm nhân đang có thai hoặc có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi đang ở với mẹ trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.

Các trường hợp không đề nghị đặc xá

Người có đủ điều kiện quy định ở trên không được đề nghị đặc xá nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Bản án hoặc quyết định của Toà án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác; trước đó đã được đặc xá; có từ hai tiền án trở lên; phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia; bị kết án phạt tù từ 10 năm trở lên đối với tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người do cố ý; bị kết án phạt tù từ 07 năm trở lên đối với tội cướp tài sản, cướp giật tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, sản xuất trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy, chiếm đoạt chất ma túy...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục