Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN kết nối những giá trị chung

17:41' - 03/08/2017
BNEWS Cộng đồng Văn hóa -Xã hội ASEAN (ASCC) ngày càng chứng tỏ được vị trí đặc biệt của mình trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Các đại biểu dự lễ thượng cờ ASEAN tại Trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam sáng 8/8/2016 nhân kỷ niệm 49 năm thành lập ASEAN (8/8/1967 - 8/8/2016). Ảnh tư liệu: Nguyễn Khang - TTXVN

Với mục tiêu cơ bản là góp phần xây dựng tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN, hướng tới một bản sắc chung; xây dựng một xã hội đùm bọc, hòa thuận và rộng mở, lấy người dân là trung tâm, Cộng đồng Văn hóa -Xã hội ASEAN (ASCC) ngày càng chứng tỏ được vị trí đặc biệt của mình trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Tuy thành lập chưa đầy 2 năm (ngày 31/12/2015), song Cộng đồng ASEAN với ASCC là một trụ cột quan trọng, đã có nhiều hoạt động tích cực và đạt một số thành quả đáng khích lệ trong quá trình triển khai “Tầm nhìn đến năm 2025”, gắn kết với Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, trong đó lấy lợi ích của người dân làm trọng tâm phát triển.

Có thể nói với vai trò là một “trụ cột nhân văn” nhằm tạo dựng bản sắc ASEAN và hướng tới người dân, mọi kế hoạch hành động của ASCC đều gắn liền với đời sống của người dân ASEAN.

Thành tựu chính của ASCC trong thời gian qua là tiếp tục có những kế hoạch đồng bộ phát triển nguồn lực con người trong bối cảnh các nước thành viên ASEAN còn có sự chênh lệch khoảng cách về phát triển.

Khi nguồn lực con người được coi là nền tảng của mọi sự phát triển, ASCC đã hướng ưu tiên vào giáo dục và đào tạo, tăng cường trao đổi học sinh - sinh viên, xúc tiến các chương trình học bổng, giao lưu và thúc đẩy phát triển các nhà lãnh đạo trẻ trong khối, đồng thời tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực nhằm tăng cường kỹ năng cho người lao động; tổ chức các cuộc thi tay nghề trong ASEAN; tạo việc làm bền vững, tăng cường kỹ năng kinh doanh cho nhóm yếu thế và nâng cao năng lực dịch vụ dân sự; xây dựng một nguồn nhân lực ASEAN cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.

Đây là giải pháp phù hợp và thiết thực khi Cộng đồng ASEAN được thành lập hứa hẹn mang lại cơ hội việc làm to lớn, song áp lực cạnh tranh trong nội khối cũng không hề nhỏ khi những ngành nghề đòi hỏi kỹ năng và trình độ ngày càng tăng.

Ngay tại Việt Nam, sau khi Cộng đồng ASEAN được hình thành, nhu cầu việc làm đối với lao động có tay nghề tăng 28%, lao động kỹ thuật cao tăng 13%.

Một ưu tiên hàng đầu của ASCC là thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN nhằm bảo đảm mọi người dân trong khu vực đều được thụ hưởng đầy đủ lợi ích từ việc hình thành Cộng đồng.

Thông qua việc triển khai mạnh mẽ và có trọng điểm các sáng kiến hội nhập ASEAN cũng như Khuôn khổ ASEAN về Phát triển kinh tế công bằng, các nước ASEAN 6 (nhóm những quốc gia ASEAN phát triển hơn), các nước đối tác và các tổ chức quốc tế đang tích cực hỗ trợ các nước thành viên còn lại gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) với hơn 200 dự án đang được thực hiện.

Kết quả đáng kể của những dự án này là tỷ lệ người nghèo ở từng nước ASEAN đã giảm, trong khi tỷ lệ tầng lớp trung lưu trên toàn ASEAN tăng 6 lần trong vòng 10 năm qua.

Không chỉ dừng lại ở vấn đề hợp tác phát triển, đây còn là tiền đề vững chắc để hình thành “Cộng đồng đùm bọc” và “Cộng đồng kết nối” trong nội dung xây dựng Cộng đồng ASEAN, nơi mọi quốc gia thành viên chia sẻ để cùng nhau xây dựng “đại gia đình” các dân tộc Đông Nam Á giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Chính yếu tố này đã tạo nên bản sắc chung của ASEAN, giúp kết nối người dân ở các nước với nhau trong ý thức cộng đồng và đưa các giá trị ASEAN vươn ra ngoài khu vực.

ASCC đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để các lĩnh vực hợp tác văn hóa - xã hội trong ASEAN, từ giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, môi trường đến ứng phó với các thách thức như thiên tai, dịch bệnh… phát triển toàn diện và thực chất.

Hoạt động của ASCC hướng tới việc giúp người dân các nước thành viên tận dụng ở mức tối đa những cơ hội mà Cộng đồng ASEAN mang lại, đồng thời khắc phục những khó khăn và thách thức đặt ra trong quá trình hội nhập.

Những trọng tâm của ASCC trong năm 2017 như: chuyển đổi từ việc làm không chính thức sang việc làm chính thức hướng tới thúc đẩy việc làm bền vững trong ASEAN; ASEAN cùng ứng phó với thảm họa trong và ngoài khu vực; tăng cường giáo dục cho trẻ em không đi học và tiếp tục nỗ lực thực hiện Kế hoạch tổng thể Truyền thông ASEAN…, được đánh giá là có ý nghĩa hết sức quan trọng hướng vào những đối tượng yếu thế trong xã hội, đúng theo tinh thần xây dựng một xã hội chăm sóc và chia sẻ của ASEAN.

Đó cũng là lý do ASCC thúc đẩy bình đẳng xã hội và lồng ghép quyền của người dân vào chính sách, bao gồm quyền và phúc lợi của các nhóm bị thiệt thòi, dễ bị tổn thương, như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và lao động di cư.

ASEAN đã thành lập Ủy ban về thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em; thiết lập mạng lưới ASEAN về ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; thực hiện chương trình bảo vệ, phát triển và nuôi dưỡng trẻ em phù hợp với Công ước về quyền trẻ em; tổ chức các chương trình xây dựng năng lực khu vực về dịch vụ xã hội và phục hồi chức năng cho người khuyết tật...

ASEAN là một tập hợp các quốc gia đa văn hóa, đa sắc tộc, do đó hợp tác văn hóa - xã hội rất được các nước ASEAN quan tâm. Xây dựng bản sắc ASEAN là một trong những lĩnh vực trọng tâm của ASCC, hướng tới một Cộng đồng ASEAN đa dạng trong thống nhất.

Các nước thành viên đã nỗ lực thúc đẩy nhận thức và ý thức về Cộng đồng ASEAN thông qua việc xuất bản các ấn phẩm, phát hành các bản tin và thực hiện các chương trình truyền hình chuyên sâu về ASEAN; nâng cao nhận thức về ASEAN trong các trường học; tổ chức chương trình thi tìm hiểu về ASEAN; bảo tồn và thúc đẩy di sản văn hóa ASEAN với các chương trình biểu diễn, giao lưu văn hóa nghệ thuật...; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng để xây dựng bản sắc ASEAN và một ASEAN hướng tới người dân.

Việc đẩy mạnh xây dựng ASCC đã thúc đẩy sự gắn kết người dân giữa các quốc gia, khuyến khích người dân tham gia vào tiến trình xây dựng Cộng đồng; đồng thời bổ trợ tích cực cho việc xây dựng hai trụ cột còn lại là Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Trong quá trình tăng cường liên kết và đẩy mạnh hợp tác, ASEAN tiếp tục phát huy chủ trương giải quyết mọi khác biệt trên tinh thần “Phương cách ASEAN” đề cao đoàn kết, tham vấn và đồng thuận.

Một vấn đề xảy ra ở khu vực, dù có tác động trực tiếp hay gián tiếp đến các nước thành viên, vẫn luôn được cả 10 nước cùng quan tâm, trao đổi để tìm ra giải pháp chung.

Thực tế cho thấy, các vấn đề từ phát triển bền vững, bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mekong, đến giảm ô nhiễm khói mù xuyên biên giới... đã trở thành chủ đề được cả ASEAN cùng chia sẻ, đề ra hướng giải quyết phù hợp.

Các chương trình hợp tác kinh tế tạo nền tảng tốt cho những bước tiến xa hơn trong tiến trình hội nhập văn hóa - xã hội.

Các tranh chấp song phương và đa phương giữa các nước thành viên đã được giải quyết phần nào và các quy tắc ứng xử được trải nghiệm trong thực tế phát triển của Hiệp hội là những cơ sở vững chắc giúp hình thành nên xã hội tương trợ và đùm bọc nhau.

Cùng với những kết quả đạt được, Cộng đồng ASEAN hiện vẫn phải đương đầu với những thách thức to lớn về xã hội, khi đói nghèo chưa được đẩy lùi, khoảng cách phát triển đã được thu hẹp song chưa bền vững, những nguy cơ của dịch bệnh, thảm họa thiên tai, ô nhiễm môi trường vẫn thường trực…, đòi hỏi sự nỗ lực của các nước thành viên.

Với những giá trị trải rộng trên hầu khắp các lĩnh vực, ASCC được đánh giá là có vai trò rất quan trọng trong việc gắn kết và làm phong phú bản sắc của Cộng đồng ASEAN, tạo nên sức mạnh nội tại giúp Đông Nam Á trở thành khu vực hòa hợp, phát triển đồng đều và hội nhập một cách bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục