CPI bình quân 9 tháng tăng 3,79%

12:18' - 29/09/2017
BNEWS Mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ mức CPI bình quân năm 2017 dưới 4% có thể đạt trong bối cảnh có thể điều chỉnh các loại giá các mặt hàng do nhà nước quản lý đặt ra trong năm 2017.

Công bố số liệu CPI 9 tháng năm 2017. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III năm 2017 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 29/9 tại Hà Nội, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2017 tăng 0,59% so với tháng trước, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; tăng 1,83% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân 9 tháng năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,79%.

"Mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ mức CPI bình quân năm 2017 dưới 4% có thể đạt được trong bối cảnh có thể điều chỉnh được hết các loại giá các mặt hàng do nhà nước quản lý đặt ra trong năm 2017", bà Vũ Thị Thu Thủy nhấn mạnh.

So với tháng 8, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 9 nhóm hàng tăng giá: nhóm giáo dục tăng cao nhất là 5%; tiếp đến là nhóm giao thông tăng 1,51%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,69%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,25%... Có 2 nhóm giảm: văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,08%; bưu chính viễn thông giảm 0,04%.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, một số nguyên nhân tác động làm tăng CPI trong 9 tháng năm 2017 là: giá dịch vụ y tế tăng.

Theo đó, tính đến tháng 9/2017 đã có 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế nên giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 29% so với cuối năm 2016 và tăng 64% so với cùng kỳ năm trước làm cho CPI 9 tháng đầu năm 2017 tăng khoảng 1,12% so với thời điểm cuối năm trước và tăng 2,48% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, thực hiện lộ trình tăng học phí đã làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục 9 tháng đầu năm tăng 7% so với cuối năm 2016 và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước tác động đến CPI 9 tháng đầu năm 2017 tăng khoảng 0,42% so với thời điểm cuối năm trước và tăng 0,58% so với cùng kỳ năm trước.

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ ngày 01/01/2017cũng khiến cho giá một số loại dịch vụ như: dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ điện, nước; dịch vụ thuê người giúp việc gia đình có mức tăng giá từ 3% - 8% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, cũng có nguyên nhân là do yếu tố thị trường. Giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong 9 tháng đầu năm 2017 tăng khá mạnh, bình quân giá dầu Brent từ thời điểm 01/01/2017 đến thời điểm 25/9/2017 ở mức 51,48 USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức 43,03 USD/thùng của bình quân 9 tháng đầu năm 2016.

Trong nước, giá xăng dầu tính đến ngày 25/9/2017 được điều chỉnh 8 lần tăng và 7 lần giảm, tổng cộng giá xăng tăng 570 đồng/lít; dầu diezel tăng 690 đồng/lít, làm cho giá xăng dầu bình quân 9 tháng đầu năm 2017 tăng 15,75% so với cùng kỳ góp phần tăng CPI chung 0,69%.

Nhu cầu du lịch tăng cao vào dịp Tết Nguyên Đán và các kỳ nghỉ lễ 30/4 - 01/5 và 02/9 nên chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 1,45% so với cùng kỳ năm trước.

Giá vật liệu xây dựng 9 tháng đầu năm tăng 3,86% so cùng kỳ do: giá cát xây dựng tăng rất mạnh vào tháng 5, tháng 6 và tháng 7/2017 do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương siết chặt việc quản lý khai thác cát và các cơ quan chức năng không cho phép khai thác các mỏ mới; giá sắt thép tăng do giá nguyên liệu đầu vào như phôi thép, than điện cực chì tăng mạnh từ tháng 7 nên các nhà máy sản xuất thép đã tăng giá bán từ 5% - 10%.

Giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới có xu hướng tăng trở lại như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép,… nên chỉ số giá nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2017 so cùng kỳ tăng 2,81%, chỉ số giá xuất khẩu tăng 4,73%; chỉ số giá sản xuất công nghiệp (PPI) tăng 0,44%.

Bên cạnh những yếu tố gây tăng giá, trong 9 tháng năm 2017 cũng có những yếu tố góp phần kiềm chế chỉ số CPI, đó là: chỉ số giá nhóm thực phẩm giảm 2,32% so với cùng kỳ (nhóm hàng có tỷ trọng cao nhất trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống) làm CPI chung giảm khoảng 0,52%, chủ yếu giảm ở nhóm thịt tươi sống.

Giá thịt lợn liên tục giảm từ tháng 1 đến tháng 6/2017, từ giữa tháng 7 đến nay giá tăng trở lại nhưng bình quân 9 tháng đầu năm 2017 giá thịt lợn vẫn giảm 10,05% so cùng kỳ năm trước và giảm 13,02% so với cuối năm 2016 do nguồn cung tăng mạnh trong khi nhu cầu không tăng và thương lái Trung Quốc hạn chế thu mua.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, bình quân 9 tháng năm 2017 so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.

Mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay so cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,32% đến 1,88%, bình quân 9 tháng lạm phát cơ bản là 1,45% thấp hơn mức kế hoạch 1,6% - 1,8%, cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.

Để đạt được mục tiêu, kiểm soát lạm phát năm nay ở mức 4%, Tổng cục Thống kê cho biết, các ngành, các cấp đã và đang tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp.

Theo đó, ngành công thương phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên Đán Đinh Dậu nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến vào dịp Tết.

Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện việc quản lý bình ổn giá tại một số địa phương.

Về quản lý giá xăng dầu, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương điều hành kinh doanh xăng dầu phù hợp tình hình thị trường thế giới và trong nước góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô. Mặc dù trong 9 tháng qua đồng USD có nhiều biến động, tuy nhiên, với cách công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ và biên độ giao dịch là +/-3%, nên tỷ giá trong nước không biến động lớn.

Giá vàng trong nước biến động cùng xu hướng với giá vàng thế giới, sau hàng loạt các vụ thử tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, căng thẳng chính trị trên bán đảo Triều Tiên càng gia tăng khiến thị trường vàng thế giới cũng như trong nước nóng lên; nhu cầu vàng trong nước tăng cao vào dịp Tết Nguyên Đán, ngày Thần Tài nhưng không có tình trạng “sốt vàng” gây bất ổn kinh tế - xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục