Cúc Phương – nơi gìn giữ đa dạng sinh học

17:15' - 22/05/2025
BNEWS Là Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, Vườn quốc gia Cúc Phương lưu giữ một hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi độc đáo và giàu tính đa dạng sinh học vào bậc nhất Việt Nam.

Mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới, Cúc Phương có hệ động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng với 2.234 loài thực vật bậc cao và rêu, trong đó có 433 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, nhiều loài được ghi trong sách đỏ của Việt Nam. Bên cạnh sự đa dạng của thảm thực vật, khu hệ động vật Cúc Phương cũng vô cùng phong phú và độc đáo, kết quả nghiên cứu đã ghi nhận 669 loài có xương sống thuộc 120 họ, 35 bộ.

Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương Nguyễn Văn Chính cho biết, với sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng cư dân vùng đệm, Cúc Phương đã xây dựng được hệ sinh thái bảo tồn, là trung tâm nghiên cứu của nhiều tổ chức bảo tồn động thực vật trong nước và quốc tế. Trong tiến trình đó, Cúc Phương luôn thực hiện đồng bộ cả 3 nhiệm vụ trụ cột: Bảo vệ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về bảo tồn; giáo dục môi trường gắn với khai thác du lịch sinh thái.

 

Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành lâm nghiệp nói chung và khối các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên nói riêng. Ngay từ khi thành lập, từ những kết quả nghiên cứu, bên cạnh nhiệm vụ quản lý và bảo tồn nguyên vẹn nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có trên diện tích 22.408,8 ha rừng. 

Vườn quốc gia Cúc Phương đã tập trung triển khai hàng loạt công trình bảo tồn các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm và giáo dục môi trường nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học cho du khách, cộng đồng đạt được nhiều thành tựu, được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Các đề tài, dự án và chương trình cứu hộ, bảo tồn này đã góp phần tích cực trong công tác bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học của Việt Nam.

Một số chương trình bảo tồn loài đã được triển khai mang tầm cỡ khu vực và thế giới như: Chương trình bảo tồn linh trưởng nguy cấp; thú ăn thịt và tê tê; rùa cạn và rùa nước ngọt; hươu sao, nai, công gà lôi trắng… với tổng số trên 3.400 cá thể của 78 loài.

Từ thành công trong quản lý, bảo vệ rừng, nghiên cứu khoa học và cứu hộ bảo tồn, Cúc Phương đã tổ chức được hệ sinh thái du lịch với nhiều chương trình và sản phẩm, trong đó du lịch sinh thái có trách nhiệm. Loại hình du lịch này vừa đảm bảo mục tiêu bảo tồn của vườn, những sản phẩm du lịch sinh thái sáng tạo, độc đáo gắn với cứu hộ, bảo tồn‎. 

Qua những hoạt động này du khách được chạm vào thiên nhiên, kết nối với thiên nhiên và hiểu hơn về giá trị to lớn của thiên nhiên đối với đời sống con người, đó là những sản phẩm đã tạo nên thương hiệu du lịch sinh thái Cúc Phương. Chính qua những hoạt động đó du khách sẽ là những “đại sứ bảo tồn”, lan toả thông điệp nâng cao nhận thức về thiên nhiên, từ đó góp phần tích cực trong công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ sự đa dạng sinh học và văn hóa bản địa, ông Nguyễn Văn Chính chia sẻ.

Không riêng Vườn quốc gia Cúc Phương, ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết thêm, Ninh Bình cũng là một trong những địa phương được đánh giá là có tính đa dạng sinh học cao với các hệ sinh thái đa dạng và phong phú, phân thành 5 hệ đặc trưng: hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, hệ sinh thái gò đồi, hệ sinh thái vùng đồng bằng, hệ sinh thái các thủy vực và hệ sinh thái vùng ven biển. Các hệ sinh thái đều mang tính tiêu biểu về quần thể loài và quyết định tính đa dạng sinh học. 

Thời gian qua, Ninh Bình đã có nhiều hành động để đẩy mạnh bảo tồn, phát triển kinh tế - xã hội địa phương đã có sự gắn kết với nội dung bảo tồn đa dạng sinh học. Các hoạt động này góp phần nâng cao độ che phủ rừng và năm 2025 sẽ đạt 19,3% với cơ cấu rừng hợp lý hơn, phân bố trên các vùng sinh thái trong cả tỉnh bao gồm Vườn quốc gia Cúc Phương, vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, Khu Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An và khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị, Vườn quốc gia Cúc Phương là khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam chứa đựng nhiều giá trị đa dạng sinh học với hệ động, thực vật phong phú, đồng thời, 6 lần liên tiếp được vinh danh là Vườn Quốc gia hàng đầu châu Á bởi Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới.

Thiên nhiên và đa dạng sinh học là nền tảng của mọi sự sống và cơ sở cho sự phát triển bền vững của con người trên trái đất. Bảo tồn đa dạng sinh học đồng nghĩa với bảo vệ tương lai của nhân loại. Đứng trước tốc độ suy thoái nghiêm trọng của thiên nhiên và đa dạng sinh học, các quốc gia trên thế giới đã thông qua Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh- Montreal và thể hiện quyết tâm ngăn chặn suy thoái đa dạng sinh học vì sự phát triển bền vững của hành tinh. 

Việt Nam là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao, đứng thứ 16 trên thế giới với nhiều loài sinh vật nguy cấp, quý, hiếm, nguồn gen hoang dã... có giá trị, tầm quan trọng quốc gia, quốc tế tập trung ở các hệ sinh thái rừng, núi đá vôi, đất ngập nước, san hô, cỏ biển, nhiều cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh nổi tiếng.

Tuy nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đang chịu sức ép lớn từ phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy thoái rừng và sự xâm lấn của các loài ngoại lai.

Vì một tương lai xanh – hoà bình – thịnh vượng, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho rằng, bên cạnh phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, đòi hỏi sự chung tay, đồng lòng của toàn xã hội – từ chính quyền các cấp, doanh nghiệp, tổ chức xã hội đến từng người dân.

Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2025 được Liên hợp quốc phát động với Chủ đề “Sống hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững”. Chủ đề này nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa việc bảo tồn đa dạng sinh học và các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu; kêu gọi các quốc gia và cộng đồng quốc tế thực hiện song song các mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh- Montreal và Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục