Cựu Đại tá Phùng Anh Lê kháng cáo kêu oan trong vụ "Nhận hối lộ"

15:52' - 05/09/2022
BNEWS Ngày 5/9, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cho biết đã nhận được đơn kháng cáo của bị cáo Phùng Anh Lê trong vụ án "Nhận hối lộ".

Ngày 5/9, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cho biết đã nhận được đơn kháng cáo của bị cáo Phùng Anh Lê (cựu Đại tá, cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, cựu Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội) trong vụ án "Nhận hối lộ".

 

Trước đó, trong các ngày từ 12-14/8/2022, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này và tuyên án phạt 4 bị cáo, trong đó bị cáo Phùng Anh Lê lĩnh 7 năm 6 tháng tù về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354, khoản 2, điểm c - Bộ luật Hình sự.

Ba bị cáo còn lại trong vụ án đều là cựu cán bộ Công an quận Tây Hồ bị tuyên phạt về tội “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù” theo quy định tại Điều 378, khoản 1 - Bộ luật Hình sự, gồm: Nguyễn Đức Châu (cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) bị phạt 10 tháng 28 ngày tù, bằng thời hạn tạm giam, do đó được trả tự do ngay tại tòa; Vũ Công Ngọc (cựu Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) bị phạt 6 tháng tù treo; Lê Đình Trung (cựu Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) bị phạt 4 tháng 12 ngày tù, bằng thời gian bị tạm giam, được Tòa ghi nhận đã chấp hành án xong.

Sau khi án sơ thẩm tuyên, chỉ riêng bị cáo Phùng Anh Lê làm đơn kháng cáo. Trong đơn, bị cáo Phùng Anh Lê kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng bị cáo không có tội và bị kết án oan.

Theo bản án sơ thẩm, trong vụ án này, mặc dù được đào tạo trong môi trường công an, nhưng các bị cáo đã vi phạm các quy định của ngành, của pháp luật, dẫn đến phạm tội, vi phạm các nguyên tắc, quy định của pháp luật, gây hậu quả nghiêm trong, ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ quan tiến hành tố tụng, gây bức xúc xã hội, cần xử lý nghiêm. Việc truy tố, xử lý nghiêm các bị cáo là cần thiết, nhằm cải tạo giáo dục và phòng ngừa tội phạm nói chung.

Trong số các bị cáo, người phải chịu trách nhiệm chính là bị cáo Phùng Anh Lê. Đáng lẽ bị cáo Lê phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng bị cáo với động cơ vụ lợi đã tha trái pháp luật đối tượng Nguyễn Hữu Tài (trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội - là đối tượng chuyên cho vay nặng lãi). Tại phiên tòa, bị cáo Phùng Anh Lê cho rằng mình bị oan sai, cáo buộc bị cáo về tội “Nhận hối lộ” là không thuyết phục, bị cáo không nhận tiền hối lộ. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của các nhân chứng và người liên quan, căn cứ vào các tài liệu thu thập được trong vụ án…, Hội đồng xét xử khẳng định, việc truy tố bị cáo Phùng Anh Lê là đúng người, đúng tội và không oan.

Các bị cáo khác trong vụ án làm theo chỉ đạo của cấp trên, không được hưởng lợi. Họ đã tiếp nhận chỉ đạo trái pháp luật của bị cáo Phùng Anh Lê, thực hiện các mệnh lệnh không đúng pháp luật. Những bị cáo này đã nhận thức được sai phạm, ăn năn hối hận, phạm tội lần đầu, không được hưởng lợi… nên được Hội đồng xét xử xem xét, cho hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Tòa cấp sơ thẩm kết luận, quá trình khởi tố điều tra, truy tố các bị cáo, về cơ bản, các cấp tố tụng đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục