Đại hội cổ đông VPBank 2018: Nhiều nội dung quan trọng được trình tới cổ đông

16:54' - 19/03/2018
BNEWS Tại đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) diễn ra chiều 19/3 tại Hà Nội, nhiều nội dung quan trọng đã được trình tới cổ đông.
Ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng Giám đốc VPBank phát biểu tại đại hội. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng Giám đốc VPBank nhận định năm 2017 tuy có nhiều yếu tố thuận lợi, hoạt động của ngành ngân hàng khởi sắc... thể hiện rõ qua các báo cáo tài chính thì đây cũng là năm có nhiều thách thức với sự xâm nhập của các ngân hàng nước ngoài và tổ chức tài chính đặc biệt là công ty công nghệ tài chính, khiến cuộc cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn.

Tăng trưởng tín dụng năm 2017 của VPBank đạt khoảng 24%, trong đó ngân hàng riêng lẻ tăng trưởng 20%, tập trung vào các mảng tài chính tiêu dùng, khách hàng cá nhân, tín dụng tiểu thương, khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là 4 trụ cột phát triển ngân hàng bán lẻ của VPBank.

Khép lại giai đoạn chiến lược 5 năm (2012-2017), VPBank luôn dẫn đầu về tăng trưởng trong ngành và đã lớn mạnh gấp 3 đến 5 lần về các chỉ tiêu quy mô và hiệu quả so với năm 2012.

Kết thúc năm tài chính 2017, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt 8.130 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng ấn tượng với 65%, cao nhất từ trước đến nay, vượt kế hoạch được phê duyệt của Đại hội đồng Cổ đông 20% và đưa tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của cho giai đoạn 2012-2017 lên mức 54%.

Nhờ vậy, hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) tăng ấn tượng lên 2,54% tăng 0,68% so với mức 1,86% của năm 2016. Đồng thời, mặc dù vốn chủ sở hữu tăng mạnh trong năm nhưng VPBank vẫn duy trì được mức sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) đạt 27,5%, lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ bình quân đạt 52%, đứng top đầu trong khối ngân hàng thương mại cổ phần về các chỉ số sinh lời.

Trong năm 2017, VPBank đã trích lập hơn 8.000 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro, tăng 51% so với năm 2016 và tương đương với 32% tổng thu nhập hoạt động thuần năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%.

Đối với mảng ngân hàng số, VPBank năm 2017 đã huy động được 10.000 tỷ đồng thông qua dịch vụ ngân hàng số, chiếm 41% số tài khoản tiết kiệm mới mở của ngân hàng. Bên cạnh đó, có 42.000 khoản vay thực hiện thông qua ngân hàng số, trong đó hơn 30.000 thẻ tín dụng đã được phát hành.

Ông Vinh đánh giá năm 2018 thị trường sẽ tiếp tục thuận lợi nhưng cũng đi kèm nhiều thách thức khi nhiều ngân hàng tham gia vào thị trường, sức ép về nhân lực, quản trị rủi ro...

Dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2018, VPBank sẽ công bố loạt thương hiệu mới như VPBank Diamond, VPBank Diamond Elite...

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2018, VPBank sẽ công bố các thương hiệu mới. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Tại đại hội, VPBank trình tới cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 12.000 tỷ đồng vào năm 2018.

Với kế hoạch này, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ lên trên 27.000 tỷ đồng so với mức 15.706 tỷ đồng hiện tại.

Kế hoạch tăng vốn điều lệ sẽ được chia thành các đợt bao gồm chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng, phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP), phát hành cổ phiếu riêng lẻ kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong đó, đợt 1, ngân hàng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. VPBank dự kiến chi trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 30% cho cổ phiếu phổ thông. Cổ phiếu ưu đãi cổ tức sẽ được nhận cổ tức với tỷ lệ 20% tại thời điểm chia, tương đương 32% so với tổng số cổ phần phổ thông hiện nay. Dự kiến, thời gian thực hiện là vào quý II/2017.  

Đợt tăng vốn điều lệ thứ 2, VPBank dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên VPBank (ESOP). Theo đó, tổng mệnh giá cổ phần dự kiến phát hành là gần 337 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,14% lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng năm 2017. Thời gian dự kiến cũng trong quý 2/2018.

Trong đợt phát hành này, tỷ lệ cán bộ nhân viên là người nước ngoài của VPBank mua tối đa là 22,378% tổng số cổ phần phát hành thêm để đảm bảo tỷ lệ sỡ hữu nước ngoài chung của ngân hàng sau đợt phát hành tối đa là 22,378%.

Đợt tăng vốn thứ ba, mua cổ phiếu quỹ và sử dụng cổ phiếu quỹ để chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông sau khi hết thời gian hạn chế chuyển nhượng của số cổ phiếu quỹ. Tổng số lượng cổ phiếu đăng ký mua lại làm cổ phiếu quỹ là 73,2 triệu cổ phiếu với tổng giá mua lại toàn bộ số cổ phần ưu đãi cổ tức ở trên là gần 2.490 tỷ đồng.

VPBank dự kiến mua lại toàn bộ cổ phiếu ưu đãi cổ tức theo hợp đồng mua bán cổ phiếu ưu đãi cổ tức với các cổ đông trong đợt phát hành cổ phần đưu đãi cổ tức năm 2015, thành cổ phiếu quỹ.

Để tăng vốn điều lệ, VPBank sẽ phát hành riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tổng khối lượng cổ phần dự kiến chào bán tối đa là 15% tổng số lượng cổ phần phổ thông tại thời điểm thực hiện phát hành. Thời điểm thực hiện chưa cụ thể, song dự kiến ngay trong năm 2018. Sau khi phát hành cổ phiếu riêng lẻ, vốn điều lệ sẽ tăng thêm 2.500 tỷ đồng, đạt hơn 23.222 tỷ đồng.

Đợt tăng vốn thứ 5, dự kiến thực hiện vào quý IV/2018 thông qua chia cổ phiếu thưởng từ thặng dư vốn từ đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư năm 2017.

Ngoài mục tiêu lớn là tăng cường năng lực tài chính, đảm bảo chỉ tiêu an toàn hoạt động, an toàn vốn, VPBank có kế hoạch sử dụng nguồn vốn tăng thêm vào việc tăng trưởng nguồn vốn trung dài hạn để phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng, cấp vốn điều lệ bổ sung cho công ty con và góp vốn mua cổ phần vào công ty hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh có thể bổ trợ và thúc đẩy hoạt động cốt lõi của ngân hàng. Ngoài ra, VPBank còn sử dụng nguồn vốn tăng thêm để đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất, phát triển hệ thống công nghệ thông tin lớn… cho ngân hàng.

Năm 2018, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 10.800 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với năm 2017. Tổng tài sản theo kế hoạch đạt trên 359.400 tỷ đồng, tăng 29%. Huy động vốn đạt trên 241.600 tỷ đồng và dư nợ cấp tín dụng mục đạt 243.320 tỷ đồng. Tỷ lê nợ xấu kế hoạch ở mức dưới 3%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục