Đại sứ Ngô Đức Mạnh: Việt Nam và Nga cần tìm kiếm phương thức hợp tác mới, tạo đột phá

17:58' - 07/08/2018
BNEWS Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh đã trả lời phỏng vấn báo chí về quan hệ Việt Nam - LB Nga.
[07/08/2018 15:54:18] Nhân dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 dự kiến được tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 8/2018, Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh đã có cuộc trả lời phóng vấn báo chí về quan hệ Việt - Nga. Ảnh: TTXVN phát

Nhân dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 sắp được tổ chức từ ngày 12 đến 17/8 tại Hà Nội, Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh đã trả lời phỏng vấn báo chí về quan hệ Việt Nam - LB Nga, cũng như các hoạt động của Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga trong thời gian qua.
Phóng viên: Xin Đại sứ đánh giá về quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga hiện nay?
Đại sứ Ngô Đức Mạnh: Trong suốt gần bảy thập niên qua, từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950, trở thành Đối tác chiến lược năm 2001 và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện tháng 7/2012, quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga (LB Nga) đã được thử thách qua thời gian, trở thành tài sản quý báu của nhân dân hai nước, đang phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu với nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực.

Quan hệ chính trị với độ tin cậy cao ngày càng được tăng cường thông qua cơ chế trao đổi đoàn và tiếp xúc song phương thường xuyên ở các cấp, đặc biệt là cấp cao và cơ chế tham vấn, đối thoại chiến lược.

Chúng ta triển khai quan hệ với bạn trên tất cả các kênh, trong mọi lĩnh vực từ đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đến hợp tác địa phương, ngoại giao nhân dân và điều đặc biệt là tình cảm nồng ấm của nhân dân hai nước đối với nhau ngày càng được củng cố và tăng cường.

Hai bên cũng luôn hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, APEC, ASEM, ASEAN - Nga…

Gần đây nhất là chuyến thăm chính thức Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng 6/2017, Tổng thống Putin đã tham dự APEC Việt Nam 2017 tại Đà Nẵng và có cuộc gặp cấp cao bên lề Hội nghị vào tháng 11/2017…, đã tạo thêm động lực mới mạnh mẽ, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư giữa hai nước tiếp tục phát triển năng động. Các dự án hợp tác dầu khí được triển khai hiệu quả tại cả hai nước, đặc biệt là Liên doanh Vietsovpetro thành lập năm 1981 đến nay vẫn tiếp tục là biểu tượng của sự hợp tác Việt - Nga, là trụ cột của ngành thăm dò và thai thác dầu khí của Việt Nam.

Việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực lắp ráp, sản xuất ô tô hứa hẹn đem đến những chuyển biến tích cực trong quan hệ kinh tế Việt - Nga.
Sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2016, kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng nhanh với tốc độ hơn 30%/năm. (Theo số liệu của bạn, kim ngạch thương mại hai nước năm 2017 tăng kỷ lục và đạt 5,2 tỷ USD, cao nhất là từ năm 1991.

Theo số liệu của Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch song phương đạt 2,3 tỷ USD, tăng 42% so với năm 2017, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,24 tỷ USD, tăng 24% và nhập khẩu đạt 1,06 tỷ USD, tăng 59,5%).

Về đầu tư, ngoài hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, tính đến tháng 6 năm 2018, LB Nga có 117 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt gần một tỷ USD. Việt Nam có 22 dự án đầu tư vào Nga với tổng số vốn đầu tư mới và tăng vốn đạt gần 3 tỷ USD.

Việc Tập đoàn TH True Milk đầu tư hơn 2 tỷ USD vào các dự án nuôi bò sữa và chế biến sữa tại tỉnh Moskva, Kaluga là một điểm sáng trong quan hệ hai nước. Phát huy những thành công trong hợp tác trên lĩnh vực năng lượng truyền thống, hai bên đang tích cực nghiên cứu triển khai các dự án hợp tác về năng lượng tái tạo, giống cây trồng, thuốc trừ sâu cho nông nghiệp.

Hợp tác trong sản xuất thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh như thuốc chữa ụng thư, thuốc đông y có nhiều triển vọng.
Quan hệ quốc phòng, an ninh giữa Việt Nam - Liên bang Nga có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu, thực chất, nhất là trong hợp tác về đào tạo cán bộ, chuyển giao vũ khí, trang bị… Việt Nam xác định Nga là đối tác tin cậy và triển vọng nhất trong hợp tác quân sự.

Trên thực tế, Nga đã cung cấp cho Việt Nam nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại và hợp tác trong sửa chữa, tăng hạn sử dụng của các thiết bị; chuyển giao công nghệ, nhất là trợ giúp đào tạo, huấn luyện và cử chuyên gia sang giúp Việt Nam…
Đáng chú ý là trong thời gian gần đây, quan hệ giữa các địa phương phát triển mạnh và ngày càng đi vào thực chất, chú trọng hơn đến hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục. Về giáo dục, trong mấy năm gần đây, Chính phủ Nga đã cấp cho gần 1.000 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang theo học tại các trường đại học Nga, số lượng cao hơn cả thời kỳ Liên Xô cũ.

Các lĩnh vực du lịch, văn hóa, giao lưu nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh. Hai bên thường xuyên tổ chức Những ngày văn hóa, Tuần văn hóa, các cuộc triển lãm, hội thảo giới thiệu về đất nước, con người của nhau.

Số người Nga sang du lịch Việt Nam vẫn đứng đầu châu Âu - năm 2017 có hơn 600.000 lượt người Nga đi du lịch Việt Nam và trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 338.393 lượt, tăng 7,9% so với cùng kỳ.

Ngược lại, có hàng chục nghìn người Việt Nam đã sang Nga du lịch trong hai năm trở lại đây, nhất là trong kỳ World Cup vừa qua, rất nhiều cổ động viên Việt Nam sang Nga du lịch và ra sân xem các trận đấu bóng đá.
Phóng viên: Một số nhà Việt Nam học, chuyên gia nghiên cứu về châu Á nhận định rằng quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và LB Nga hiện chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Đại sứ có suy nghĩ gì về những nhận xét này và xin Đại sứ cho biết những “điểm nghẽn”, cũng như những biện pháp để thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới, nhất là quan hệ về kinh tế, thương mại?
Đại sứ Ngô Đức Mạnh: Đây là điều tôi rất trăn trở khi nhận nhiệm vụ làm Đại sứ Việt Nam tại LB Nga.

Nhìn lại những con số cụ thể, đặc biệt là cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước phấn đấu đạt kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, thì thấy từ nay đến 2020 thời gian còn lại không còn nhiều, đòi hỏi các cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp của hai nước, trong đó có có Đại sứ quán phải hết sức nỗ lực mới đạt được mục tiêu đề ra.

Theo tôi, hai bên cần quyết liệt tích cực tìm kiếm những phương thức hợp tác mới, có tính khả thi cao, có lợi cho cả hai bên, đặc biệt cố gắng tạo những điểm đột phá.

Thứ nhất, triển khai đồng bộ và có kết quả những thỏa thuận hợp tác giữa hai nước. Điều này đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc khẩn trương của các bộ, ngành và địa phương.

Thứ hai, nâng cao vai trò cơ chế hoạt động của của Ủy ban liên chính phủ, tăng cường công tác tham vấn, giám sát của các cơ quan Quốc hội hai nước đối với việc thực hiện các thỏa thuận đã ký.

Thứ ba, cần cải tiến thủ tục hành chính, điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và làm việc có thời hạn trên lãnh thổ của nhau. Và đặc biệt có biện pháp thúc đẩy thương mại, triển khai có hiệu quả các dự án của Nga tại Việt Nam; tăng cường giao lưu nhân dân.

Theo hướng này, năm 2019 hai nước sẽ tổ chức Năm Chéo - Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam. Chúng ta cần triển khai một cách bài bản, có kế hoạch, huy động sự phối hợp và tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Cần chú trọng hơn tới việc đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức xã hội, đoàn thể, tăng cường giao lưu giữa thế hệ trẻ hai nước, truyền lửa của các cựu chiến binh Nga, những người gắn bó với Việt Nam tới thế hệ trẻ, để giúp họ hiểu về quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc trong suốt gần 70 năm quan hệ, tạo động lực thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Phóng viên: Đại sứ có thể nói rõ hơn về những “điểm nghẽn” cản trở phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước và các biện pháp khắc phục?
Đại sứ Ngô Đức Mạnh: Tôi cho rằng những điểm nghẽn hiện nay là chúng ta chưa có những cơ chế hữu hiệu để phát huy những tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước. Đó là khó khăn trong xuất khẩu hàng thủy sản, cũng như là hoa quả nhiệt đới sang Nga, một lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế.

Để thâm nhập vào hệ thống phân phối tại Nga, thì vẫn còn tồn tại những rào cản nhất định như vấn đề kiểm dịch động thực vật, cũng như việc tiếp cận mạng lưới siêu thị, trong khi người Nga có nhu cầu chính đáng để hưởng thụ những thành quả trong phát triển nông nghiệp ở Việt Nam.

Thứ hai là giữa doanh nghiệp hai nước còn thiếu thông tin về nhau nên chưa có đủ độ tin cậy trong giao dịch thương mại.

Vì vậy, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước nắm bắt các thông tin về nhau, tăng cường các giao dịch trực tiếp, loại bỏ dần các chi phí trung gian, chúng ta cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại như tọa đàm, hội thảo, triển lãm thương mại, du lịch, quảng bá tiềm năng thế mạnh của hai bên trên các phương tiện truyền thông đại chúng; thành lập trung tâm xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu.

Việc Trung tâm xuất khẩu Nga mở Văn phòng đại diện tại Việt Nam và có nhiều hoạt động hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp Nga tìm hiểu thị trường và xuất khẩu hàng hóa Nga sang Việt Nam là mô hình tốt để chúng ta học tập.

Mặt khác, cần xây dựng cơ chế hữu hiệu trong xử lý các tranh chấp thương mại theo đúng thông lệ quốc tế và luật pháp của hai nước. Một điểm nghẽn khác cần giải tỏa là vấn đề thanh toán.

Tôi nghĩ rằng trong điều kiện hiện nay, với sự ổn định tương đối của đồng rúp và đồng Việt Nam, cần mở ra kênh thanh toán với nhau bằng nội tệ của hai nước. Ngân hàng trung ương của hai nước cần đưa ra hình thức bảo lãnh cho chế độ thanh quyết toán như vậy.

Liên quan đến thúc đây hợp tác địa phương và du lịch, hai bên cần tổ chức thêm các chuyến bay charter tới các địa điểm du lịch ở Việt Nam và Nga.

Các địa phương của ta cần chủ động hơn trong quảng bá hình ảnh và tiềm năng của mình, nhất là quan tâm hơn tới việc xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên giỏi tiếng Nga, có nghiệp vụ tốt, hiểu về văn hóa Nga, biết giới thiệu cho du khách Nga về những nét văn hóa độc đáo của dân tộc ở những địa phương có đông du khách Nga tới thăm quan, nghỉ dưỡng như Phú Quốc, Bình Thuận, Nha Trang, Quảng Ninh.
Năm Chéo hay ta thường gọi là Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam vào năm 2019 là một sự kiện lớn, mang nhiều ý nghĩa trong việc tăng cường hợp tác giữa hai nước, kéo dài cả năm với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, địa phương của cả hai nước.

Đây không phải chỉ là hoạt động giao lưu văn hóa, mà còn cả có việc trao đổi đoàn cấp cao, tổ chức các buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư…

Thời gian qua, Đại sứ quán đã kịp thời tham mưu cho các cơ quan chức năng trong nước về tình hình của Nga, về quan hệ giữa hai nước, đề xuất, kiến nghị về cách thức tổ chức các hoạt động của ta trong Năm Việt Nam tại Nga năm 2019.

Tôi đã hai lần gặp ông đặc phái viên của Tổng thống Nga về văn hóa để bàn thảo chương trình khung của Năm 2019. Cá nhân tôi cũng đã đi thăm nhiều địa phương của bạn như Bashkiria, Tatarstan, Saint Peterburg; làm việc với Thống đốc các tỉnh Moscow, Kaluga, Irkutsk, Saint Peterburg để tìm hiểu khả năng hợp tác của các địa phương này với các địa phương của Việt Nam, chắp nối để thúc đẩy và thiết lập quan hệ giữa các địa phương hai nước, đặc biệt đẩy mạnh việc ký các thỏa thuận hợp tác.

Chúng tôi đã thu xếp thành công để tỉnh Quảng Ninh đi thăm Irkutsk và ký thỏa thuận hợp tác với hai tỉnh; tổ chức một loạt các hoạt động tại Saint Peterburg kỷ niệm 95 năm ngày Bác Hồ đặt chân đến nước Nga với sự tham dự của Đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành ủy, cùng các đoàn Hải Phòng, Khánh Hòa, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Qua đó, Đại sứ quán đã góp phần chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình kết nối giữa các địa phương và tiến tới hoàn chỉnh các chương trình hoạt động trong năm 2019 để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau đó tích cực triển khai thực hiện.
Phóng viên: Cộng đồng người Việt Nam ở LB Nga theo con số thống kê chưa đầy đủ có khoảng gần 100.000 người. Đây là một cộng đồng rất mạnh, và thành đạt và có nhiều đóng góp tích cực đối với quê hương, đất nước. Đại sứ có thể cho biết đôi nét về công tác bảo hộ công dân, cộng đồng tại Nga như thế nào? Một điều mong mỏi của cộng đồng ta lâu năm là được hợp pháp giấy tờ để có thể định cư lâu dài tại Liên bang Nga. Đại sứ có thể nói rõ hơn về vai trò của Đại sứ quán trong vấn đề này?
Đại sứ Ngô Đức Mạnh: Công tác bảo hộ công dân, công tác cộng đồng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Đại sứ quán. Chúng ta vui mừng khi có đông người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nga.

Nhiều người trong số họ đã có thẻ định cư lâu dài, lấy vợ, lấy chồng là người Nga. Thế hệ thứ hai của người Việt tại đây được sinh ra và lớn lên, được học hành bài bản tại Nga và đang tham dự tích cực vào đời sống kinh tế, xã hội ở sở tại.

Phải khẳng định rằng, chính quyền Nga đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ta sinh sống và làm việc tại Nga. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những trường hợp vi phạm kỷ luật, thậm chí pháp luật của sở tại.

Đại sứ quán thường xuyên nắm bắt thông tin và kịp thời có những biện pháp giúp bà con giải tỏa những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ bà con các thủ tục giấy tờ do Việt Nam cấp, giải quyết những vấn đề với chính quyền sở tại vì nhiều người Việt Nam không nắm vững tiếng Nga, cũng như luật pháp sở tại. Qua đó, giúp bà con ta ổn định cuộc sống, làm ăn trên đất bạn.

Một số bà con vì những lý do khác nhau, đã vi phạm luật cư trú của Nga, Đại sứ quán đã tạo điều kiện thuận lợi để bà con hồi hương về nước trật tự./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục