Đắk Lắk giám sát chặt chẽ chất lượng công trình kiên cố hóa kênh mương

19:36' - 17/06/2017
BNEWS Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cùng các đơn vị chức năng kiểm tra kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng công trình kiên cố hóa kênh mương.
Đắk Lắk đầu tư 685 tỷ đồng kiên cố hóa kênh mương. Ảnh minh họa: Thanh Tùng-TTXVN

Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đầu tư gần 685 tỷ đồng để kiến cố hóa gần 320,5 km kênh mương dẫn nước; trong đó, có 16,2 km kênh mương cấp 1, kênh mương cấp 2 có 102,14 km và kênh mương cấp 3 có trên 202 km.
Tỉnh Đắk Lắk ưu tiên đầu tư cho vùng có tỷ lệ hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số cao, vùng khan hiếm về nguồn nước, công trình đầu mối là trạm bơm, hồ chứa, đập dâng. Tỉnh cũng ưu tiên đầu tư các kênh qua vùng đất thấm nước mạnh, vùng đất xấu, vùng thường xuyên bị lũ lụt, dễ sạt lở hoặc bồi lấp.
Trước khi đầu tư xây dựng dự án kiên cố kênh mương dẫn nước từng vùng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cùng các đơn vị chức năng kiểm tra thống nhất phù hợp với quy hoạch tổng thể về thủy lợi, xây dựng nông thôn mới, thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng công trình kiên cố hóa kênh mương.

Các đơn vị chức năng cũng tổ chức tập huấn về quản lý chất lượng công trình và quản lý vốn đầu tư cho đội ngũ cán bộ cấp xã, hợp tác xã…
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 770 công trình thủy lợi; trong đó, chỉ có 401 công trình có hệ thống kênh mương, còn 369 công trình không có hệ thống kênh mương. Tỉnh có tổng số kênh mương thủy lợi gần 2.032 km; trong đó đã kiên cố hóa được gần 1.109 km, gồm gần 168 km kênh mương cấp 1; 450 km kênh mương cấp 2; còn lại là kênh mương cấp 3.
Cũng theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, nguồn vốn đầu tư kiên cố hóa kênh mương vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa huy động được sự đóng góp của nhân dân cũng như các tổ chức. Kênh mương được đầu tư kiên cố hóa chủ yếu là những công trình đầu tư xây dựng mới, còn những công trình thủy lợi cũ thì việc đầu tư còn hạn chế.
Một số kênh mương của công trình thủy lợi đã được kiên cố hóa nhưng không phục vụ được yêu cầu, nhiệm vụ của công trình.

Điển hình như: công trình kênh dẫn nước sau hồ Ea Súp Thượng được khởi công xây dựng từ năm 2010, với tổng vốn đầu tư 25,34 tỷ đồng (nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, do Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ đầu tư.
Theo thiết kế, công trình kênh được làm bằng bê tông, có chiều dài trên 4 km dẫn nước từ cửa xả của hồ Ea Súp Thượng về thôn 5 thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) phục vụ tưới cho khoảng 200 ha cây trồng phía vùng hạ lưu.

Đến năm 2012, công trình được nghiệm thu, hoàn thành và cũng từ đó đến nay, công trình kênh mương dẫn nước này “đắp chiếu” không phát huy hiệu quả, nhiều đoạn kênh đã bị hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng gây nhiều bức xúc trong đồng bào các dân tộc trên địa bàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục