Đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng

21:16' - 24/07/2024
BNEWS Dự kiến tổng nhu cầu sử dụng đất cần thiết phục vụ công tác thăm dò và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên cả nước đến năm 2050 khoảng 73.629 ha.
Ngày 24/7/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 711/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch).

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 15/12/2023 (Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng) đảm bảo hiệu lực, hiệu quả; cụ thể hoá các giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội để thực hiện Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

 
Kế hoạch nêu mục tiêu phấn đấu thực hiện thăm dò, khai thác tối đa các khu vực khoáng sản đã được quy hoạch nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và dự trữ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, phân công trách nhiệm cụ thể đối với các bộ, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao để triển khai thực hiện các nội dung của Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tập trung giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm thực hiện các đề án/dự án thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Theo Kế hoạch, dự kiến tổng nhu cầu sử dụng đất cần thiết phục vụ công tác thăm dò và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên cả nước đến năm 2050 khoảng 73.629 ha, trong đó giai đoạn 2021 - 2030 nhu cầu sử dụng đất là 52.505 ha; giai đoạn 2031 - 2050 nhu cầu sử dụng đất là 21.124 ha.

Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đủ năng lực đóng vai trò chủ lực

Kế hoạch nêu rõ, các nguồn lực và giải pháp cần phải thực hiện đồng bộ để đảm bảo thực hiện tốt Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Trong đó, về tài chính, cần rà soát, điều chỉnh kịp thời các loại thuế, phí, lệ phí hợp lý theo nguyên tắc khuyến khích phát triển ngành, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và tính thống nhất của hệ thống chính sách, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác.

Về đầu tư, cần phát huy nội lực, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đủ năng lực đóng vai trò chủ lực tham gia thăm dò, khai thác và chế biến các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng chiến lược, có trữ lượng lớn.

Về nguồn vốn, vốn đầu tư cho các dự án thăm dò, khai thác và chế biến các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng ngoài một phần vốn của ngân sách nhà nước, chủ yếu do doanh nghiệp tự bảo đảm bằng nguồn vốn tự có, vốn vay thương mại trên thị trường tài chính, vốn huy động từ các nguồn khác…

Sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng

Về khoa học, công nghệ, theo Kế hoạch, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhằm thu hồi tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm và khoáng sản có chất lượng thấp.

Bên cạnh đó, đầu tư đổi mới công nghệ, sử dụng thiết bị tiên tiến, hiện đại trong thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, bảo đảm an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

Ứng dụng, phát triển nền tảng số nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu số, xây dựng bản đồ số hóa phục vụ công tác nghiên cứu, hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng; thường xuyên cập nhật, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo hướng đáp ứng các tiêu chí kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp, hướng tới phát thải ròng về '0' vào năm 2050.

Củng cố, xây dựng nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của các tổ chức trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, đáp ứng các nhu cầu về nghiên cứu, điều tra cơ bản; xây dựng được mạng lưới các tổ chức khoa học và công nghệ trong lĩnh vực đủ năng lực hội nhập quốc tế, gắn kết chặt chẽ với giáo dục - đào tạo, sản xuất - kinh doanh. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tiếp thu, áp dụng các công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, hiện đại trên thế giới.

Ưu tiên cấp giấy phép khai thác khoáng sản gắn liền với dự án đầu tư nhà máy chế biến, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan (nếu cần) tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo tiến độ đã được phê duyệt; chủ trì và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức hội nghị xúc tiến hoạt động đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo quy hoạch.

Bộ Xây dựng tổ chức đánh giá thực hiện kế hoạch thực hiện Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu. Căn cứ báo cáo đánh giá thực hiện quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng (nếu cần) để phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát, cập nhật, hiệu đính các nội dung liên quan trong quá trình triển khai Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng như: Tên mỏ/địa danh khu vực khoáng sản; tên loại khoáng sản, mục đích sử dụng khoáng sản; ranh giới, tọa độ, diện tích khu vực khoáng sản; đơn vị tính; tài nguyên, trữ lượng thăm dò; trữ lượng huy động vào khai thác; công suất khai thác; dự án khai thác, chế biến khoáng sản; kỳ quy hoạch và các thông tin, dữ liệu cần thiết khác đảm bảo không làm thay đổi mục tiêu, định hướng tổng quát của Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trong việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, trong đó ưu tiên việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản gắn liền với dự án đầu tư nhà máy chế biến, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan (Luật Khoáng sản sửa đổi, Luật Quy hoạch sửa đổi) để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Bộ Xây dựng tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo thẩm quyền.

Tạo điều kiện cho các đề án/dự án thăm dò, khai thác sớm triển khai thực hiện

Bộ Tài nguyên và Môi trường có kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực khoáng sản nằm trong Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng làm cơ sở cho việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản nhằm đảm bảo tính khả thi của quy hoạch.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ ngành, địa phương và các cơ quan liên quan ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý nhà nước về khoáng sản, đặc biệt là việc giải quyết thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhằm tạo điều kiện cho các đề án/dự án thăm dò, khai thác sớm triển khai thực hiện. Đối với những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục