Đảm bảo hành lang an toàn lưới điện cần sự đồng hành của người dân

15:54' - 22/04/2022
BNEWS Với đặc thù vùng núi cao, khó tiếp cận, sự nỗ lực từ một phía là không đủ và cần hơn là sự đồng hành, ý thức bảo vệ hành lang lưới điện từ chính người dân.

Lưới đường dây truyền tải thuộc Truyền tải điện Hòa Bình quản lý với gần 326 km đường dây 500 kV và hơn 576 km đường dây 220 kV, tổng số 1.360 vị trí cột. Thời gian qua, ngành truyền tải điện đã nỗ lực trong việc bảo đảm hành lang an toàn, không để xảy ra sự cố nghiêm trọng đến lưới điện quốc gia.

Tuy nhiên, với đặc thù vùng núi cao, khó tiếp cận, sự nỗ lực từ một phía là không đủ và cần hơn là sự đồng hành, ý thức bảo vệ hành lang lưới điện từ chính người dân.

*Gian nan an toàn lưới

Theo chân Tổ truyền tải điện số 1 của Truyền tải điện Mai Châu - Hòa Bình kiểm tra vị trí cột 344 công trình đường dây 500 kV Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan, chúng tôi mới cảm nhận được phần nào những vất vả của "người lính" truyền tải điện nơi đây. Đường lên vị trí cột 344 phải băng qua những rừng cây sâu trong bản làng, với độ dốc lớn. Dù đã leo trèo "chuyên nghiệp", những công nhân điện cũng phải mất gần 1 tiếng đồng hồ mới có thể lên tới chân cột.

Đây chỉ là một trong rất nhiều điểm cột do Truyền tải điện Hòa Bình quản lý, có những điểm cột để di chuyển tới phải mất hơn 3 giờ đồng hồ băng rừng. Dù nhiều khó khăn vất vả, nhưng với sự nỗ lực của lính truyền tải điện Mai Châu, trong những năm qua, hệ thống lưới điện cao áp đi qua khu vực này chưa xảy ra vụ việc nghiêm trọng xâm hại đến an ninh, an toàn hệ thống lưới điện truyền tải quốc gia.

Anh Bùi Ngọc Anh, công nhân thuộc Tổ truyền tải điện số 1 - Truyền tải điện Mai Châu cho biết, hàng tuần, hàng tháng, việc phát dọn cây, thảm thực vật có nguy cơ gây cháy được anh em công nhân phân công thực hiện. Khi thời tiết khô ráo, một ngày sẽ kiểm tra, phát quang cây được từ 2-3 vị trí cột. Nhưng khi trời mưa, đường núi trơn trượt sẽ rất khó khăn để lên vị trí làm việc. Trong quản lý lưới, ngành điện cũng thường xuyên phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để kiểm tra, tuyên truyền nâng cao ý thức cho cộng đồng dân cư nơi có hệ thống lưới điện đi qua.

Theo ông Đinh Sỹ Chung, Đội trưởng Đội truyền tải điện Mai Châu, khối lượng đường dây do Đội truyền tải điện Mai Châu quản lý đi qua địa bàn các huyện: Quan Hóa của tỉnh Thanh Hóa, huyện Tân Lạc và Mai Châu của tỉnh Hòa Binh có địa hình hết sức khó khăn và phức tạp, với trên 95% vị trí cột đều nằm ở các đỉnh, sườn núi cao, thảm thực vật dày nên không chỉ có nguy cơ sạt lở khi mùa mưa bão đến mà còn rất dễ cháy vào mùa nắng nóng, đặc biệt là hoạt động đốt rừng làm nương rẫy của người dân địa phương.

Hiện nay, Truyền tải điện Hòa Bình đang quản lý vận hành lưới truyền tải quốc gia với 3 tuyến đường dây 500 kV, 13 tuyến đường dây 220 kV và 3 trạm biến áp 220 kV - 500 kV. Lưới đường dây truyền tải thuộc Truyền tải điện Hòa Bình quản lý với gần 326 km đường dây 500 kV và hơn 576 km đường dây 220 kV, tổng số 1.360 vị trí cột.

Địa hình phần lớn đi qua khu vực đồi núi cao hiểm trở, các đường dây trải rộng trên địa bàn trên 100 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố của tỉnh Hòa Bình; huyện Mộc Châu và Vân Hồ của tỉnh Sơn La; huyện Chương Mỹ và Quốc Oai của thành phố Hà Nội, huyện Quan Hóa của tỉnh Thanh Hóa. Đây là tuyến đường dây “huyết mạch” của hệ thống điện quốc gia do vậy, việc đảm bảo hành lang an toàn lưới điện luôn là nhiệm vụ ưu tiên của Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) và Truyền tải điện Hòa Bình.

Chỉ tính riêng địa bàn huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình có 37 vị trí cột đường dây 500 kV của cả hai mạch, 54 vị trí cột đường dây 220kV đi qua địa bàn 7 xã, thị trấn; trong đó, có xã Đồng Tân là một trong những điểm đáng quan tâm về tình hình an ninh lưới điện.

Ông Nguyễn Văn Giang, Giám đốc Truyền tải điện Hòa Bình cho biết, nhằm nâng cao việc quản lý cũng như kịp thời phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn cho hành lang lưới điện. Ngoài việc kiểm tra dọc hành lang tuyến thường xuyên của các đội truyền tải, các đơn vị cũng ứng dụng công nghệ thiết bị bay không người lái UAV có gắn camera kiểm tra thiết bị đường dây, kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình chia cắt không tiếp cận được với vị trí cột. Đồng thời, lắp đặt các camera trên cột tại các khu vực có nguy cơ gây sự cố cho đường dây như khu vực có công trường thi công, khu vực có nguy cơ sạt lở, cháy rừng,… để cảnh báo với đơn vị có biện pháp xử lý đảm bảo đường dây vận hành an toàn cung cấp điện.

*Đồng hành của người dân

Theo Truyền tải điện Hòa Bình, để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và hạn chế tối đa các sự cố về điện thì việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp không chỉ có sự nỗ lực của ngành điện mà phải cần có sự chung tay của người dân, các tổ chức cũng như chính quyền địa phương các cấp.

Ông Nguyễn Văn Giang chia sẻ: "Chúng tôi luôn xác định rằng, ngoài ngành điện thì chính người dân là những người bảo vệ tốt nhất cho lưới truyền tải được vận hành an toàn, liên tục. Khi xảy ra các sự cố hoặc có nguy cơ mất an toàn trên lưới thì thông tin của người dân phản hồi lại sẽ là chính xác, trung thực nhất, nhanh nhất".

Nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và tuyên truyền các hành vi xâm phạm an ninh, an toàn hệ thống lưới điện, mới đây ngày 20/4/2022, Truyền tải điện Hòa Bình đã tổ chức Hội nghị Tuyên truyền bảo vệ an toàn lưới truyền tải điện quốc gia trên địa bàn huyện Mai Châu.

Theo đó, các bài hướng dẫn, phổ biến các quy định của nhà nước liên quan đến bảo vệ an ninh chính trị, an toàn ngành điện; sự nguy hiểm khi có sự cố xảy ra với lưới điện; từ đó vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ an toàn hệ thống lưới điện trên địa bàn.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Giang, Truyền tải điện Hòa Bình đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hành lang an toàn lưới điện; chặt hạ hàng nghìn cây cao vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây và yêu cầu nhân dân không đốt nương làm rẫy ở trong và gần hành lang hệ thống lưới truyền tải điện quốc gia 220 kV, 500 kV.

"Hiện nay, ngành điện cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền cho người dân và các em học sinh hiểu được chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước cũng như nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia và tính mạng của người dân để người dân ý thức việc không đốt rừng làm nương, không trồng cây cao quanh hành lang an toàn lưới điện. Nếu có các nguy cơ có thể xảy ra sẽ báo ngay cho điện lực hoặc chính quyền địa phương", ông Giang nói.

Cùng tham gia kiểm tra các vị trí cột tại Mai Châu, Thượng tá Nguyễn Quang Dũng, Phó phòng an ninh kinh tế, Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, để bảo vệ an toàn hệ thống truyền tải điện, công an tỉnh đã chỉ đạo công an tại các huyện, xã và phối hợp với đơn vị truyền tải điện Hòa Bình tham gia kiểm tra, tuyên tuyền đến từng hộ dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng của hàng lang lưới điện; thông tin tuyên truyền qua hệ thống đài phát thanh của các thôn, xóm có đường dây truyền tải đi qua cũng như lồng ghép vào các hội nghị đoàn thể tại các thôn, xóm để tuyên truyền đến người dân. Nhờ đó, những vi phạm của người dân như đốt rừng làm nương rẫy, thả diều… đã không xảy ra.

Theo Hiệu trưởng Trường tiểu học, trung học cơ sở Đồng Bảng xã Đồng Tân, huyện Mai Châu - cô Ngần Thu Hà, nhà trường luôn có những hoạt động đồng hành cùng truyền tải điện Mai Châu và chính quyền xã, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các em học sinh về những hành vi gây mất an toàn hành lang lưới điện. Việc này ngoài tạo ý thức cho các em học sinh cũng mong muốn, các em sẽ trở thành những tuyên truyền viên nhỏ tuổi ở chính gia đình mình, tuyên truyền đến người thân xung quanh.

Với hệ thống lưới điện phủ rộng, tuyến đường dây kéo dài nằm sâu trong núi, đỉnh đồi, sự nỗ lực của riêng công nhân ngành truyền tải điện sẽ là không đủ. Do vậy, cần sự chung tay của người dân, những người sống dọc hành lang tuyến đường dây, nhằm đảm bảo hệ thống điện vận hành xuyên suốt, liên tục và ổn định.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục