Đàm phán kinh tế Mỹ - Trung gây thêm áp lực với Chính quyền Trump

05:30' - 01/08/2017
BNEWS Sau một ngày đầy ắp các cuộc gặp song phương, phía Mỹ chỉ tuyên bố rằng Bắc Kinh thừa nhận có chung với Washington mục tiêu giảm bớt thâm hụt thương mại và cả hai bên sẽ hợp tác để đạt được điều này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Theo The Wall Street Journal, các cuộc đàm phán kinh tế cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc hôm 19/7 mà không đạt được thỏa thuận cụ thể nào về chương trình nghị sự trong tương lai, khiến cho những nỗ lực của chính quyền của Tổng thống Donald Trump nhằm tái định hình quan hệ thương mại với Bắc Kinh rơi vào tình trạng lấp lửng.

Sau một ngày đầy ắp các cuộc gặp song phương, phía Mỹ chỉ đưa ra một tuyên bố rằng Bắc Kinh thừa nhận có chung với Washington mục tiêu giảm bớt thâm hụt thương mại và cả hai bên sẽ hợp tác để đạt được điều này.

Tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin không cho biết thêm ngay cả những chi tiết như hai bên có thể đồng thuận đến mức nào hay khi nào thì họ nối lại đàm phán.

Các quan chức Trung Quốc vẽ lên một bức tranh màu hồng hơn về các cuộc đàm phán ngày 19/7, với việc người phát ngôn của Bộ Ngoại giao mô tả chúng là "có tính đổi mới, thực chất và có tính xây dựng" mặc dù ông nhắc lại sự bất bình của Trung Quốc trước những hành động gần đây của Mỹ, trong đó có việc bán vũ khí cho vùng lãnh thổ Đài Loan. Trước mắt Bộ Thương mại Trung Quốc chưa bình luận về kết quả cuộc đối thoại.

Việc chưa có những bước đi cụ thể để thu hẹp khoản thâm hụt thương mại ước lên tới 374 tỷ USD của Mỹ với Trung Quốc - chiếm 70% nhập siêu của Mỹ với thế giới - đang làm gia tăng áp lực buộc chính quyền Trump phải chuyển thay đổi chủ trương hợp tác với Bắc Kinh theo hướng đối đầu hơn.

Các phụ tá của ông Trump đã đang xem xét một loạt chính sách thương mại cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, từ áp đặt rào cản nhập khẩu mới đối với thép và các tấm năng lượng Mặt Trời, đến thắt chặt những hạn chế đối với đầu tư, song cho tới nay vẫn quyết định chưa thực thi những biện pháp này.

Những nhân vật thạo tin về cuộc đối thoại Mỹ - Trung cho biết các nhà thương thuyết Mỹ không thành công trong việc sử dụng lời đe dọa áp đặt thuế quan mới đối với thép để buộc Trung Quốc phải cam kết những mức trần cụ thể nhằm giảm bớt tình trạng dư thừa sản xuất tại ngành thép nước này, yếu tố chính khiến giá thép trên toàn cầu sụt giảm.

Ngày 19/7 đánh dấu mốc kết thúc khoảng thời gian 100 ngày mà Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình ấn định cho việc hai bên thống nhất được một kế hoạch toàn diện để cài đặt lại mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Việc hai bên không ra tuyên bố chung về bất kỳ kế hoạch nào chứng tỏ họ đã không đạt được mục tiêu tự đề ra. Quyết định chỉ có phía Mỹ ra tuyên bố cũng là một sự thay đổi đáng chú ý so với tập quán trước đây sau những cuộc đàm phán tương tự dưới thời chính quyền Obama và Bush.

Trước đây, cả hai nước ra tuyên bố chung tóm tắt lại những gì họ đã thảo luận, nhấn mạnh những lĩnh vực đạt được sự nhất trí - và thường công bố một danh sách những cam kết mở cửa thị trường cụ thể từ phía Trung Quốc.

Quyết định này cũng trái ngược với tuyên bố chung thân mật hơn nhiều giữa ông Trump và ông Tập tại cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng Tư, trong đó hai ông nhất trí tiến hành "cuộc đối thoại kinh tế toàn diện".

Theo Nicholas Lardy, học giả về Trung Quốc thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhiều người kỳ vọng rằng sau khi kết thúc 100 ngày, hai bên sẽ đạt được nhiều tiến triển thực chất hơn.

Ông nói thêm rằng hai bên không đồng thuận được ngay cả biện pháp khiêm tốn nhất là dấu hiệu cho thấy quan hệ Mỹ - Trung "đang rất bất ổn và tiềm ẩn nhiều rủi ro cao".

Những nhân vật thạo tin cho rằng điểm mấu chốt là yêu cầu của các nhà thương thuyết Mỹ muốn đề ra một kế hoạch cụ thể, với những mức trần và khung thời gian rõ ràng, để giảm bớt thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ.

Myron Brilliant, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế của Phòng Thương mại Mỹ, cho biết chính quyền Mỹ muốn áp đặt một số mục tiêu bằng con số cụ thể song Trung Quốc không hài lòng với việc đó.

Cũng theo những nhân vật thạo tin, trước khi bắt đầu đối thoại, các nhà đàm phán Mỹ đã lạc quan tin rằng họ có thể có được một thỏa thuận nào đó về sự quản lý của Trung Quốc đối với dữ liệu tại các công ty đa quốc gia (vấn đề khiếu nại chính của các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc), nới lỏng những hạn chế đối với các nhà chế tạo ô tô nước ngoài, giảm bớt trợ cấp đối với ngành nông nghiệp, và xử lý tình trạng dư thừa sản xuất ở ngành thép của Trung Quốc.

Sự bế tắc của các cuộc đàm phán kinh tế phản ánh những khó khăn tương tự trong quan hệ ngoại giao của chính quyền Trump với Bắc Kinh. Không lâu sau hội nghị thượng đỉnh ở Mar-a-Lago, ông Trump đã bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, bán vũ khí cho vùng lãnh thổ Đài Loan, triển khai máy bay tiêm kích và tàu chiến tới Biển Đông để tái khẳng định nước Mỹ có quyền tự do đi lại tại vùng biển tranh chấp này.

Ông Trump cũng thắt chặt trừng phạt kinh tế đối với những công ty và ngân hàng bị cáo buộc là tiến hành những giao dịch kinh doanh hỗ trợ chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Đặc biệt, vấn đề Triều Tiên có thể ảnh hưởng lên chủ trương kinh tế của ông Trump đối với Trung Quốc. Tổng thống Mỹ từng nói rằng ông sẽ có một số nhượng bộ với Trung Quốc trong vấn đề thương mại để đối lấy việc Bắc Kinh kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, sau đó ông nói rằng ông thất vọng trước những nỗ lực của Trung Quốc.

Theo Huo Jianguo, phó chủ tịch Viện nghiên cứu về Tổ chức Thương mại Thế giới ở Trung Quốc, giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn nhiều khoảng cách lớn về lợi ích kinh tế, và hầu như không có sự thống nhất về cách tiếp cận để hàn gắn những bất đồng. Cả hai bên đều cần có thời gian để điều chỉnh tâm lý.

Êkip của ông Trump trước đó đã lạc quan tin rằng họ đã tìm được một thể thức mới để giải quyết những căng thẳng thương mại giữa hai nước, điều mà những chính quyền trước đây đã không làm được.

Hồi tháng Năm, hai chính phủ đã công bố thỏa thuận về việc Trung Quốc có những biện pháp mở cửa thị trường nông nghiệp và tài chính, với việc Bắc Kinh cam kết sẽ đạt được những kết quả cụ thể trước khi diễn ra các cuộc đàm phán ngày 19/7.

Tuy nhiên, một số tổ chức kinh doanh và công ty bị ảnh hưởng của Mỹ cho rằng Trung Quốc không thực hiện đúng tinh thần của những cam kết đó. Đơn cử như mới trong tuần này, công ty Dow Chemical Co. phàn nàn rằng Trung Quốc xem ra đã nuốt lời hứa về việc đẩy nhanh tiến độ phê chuẩn tám sản phẩm công nghệ sinh học.

Một số nhà lãnh đạo kinh doanh của Mỹ lo ngại rằng các cuộc đàm phán bị đình trệ có thể gây ra những bất ổn mới trong quan hệ kinh tế song phương. Ông John Frisbie, chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, nói: "Chúng tôi thất vọng vì cuộc Đối thoại kinh tế toàn diện đã kết thúc trong tình trạng bế tắc.

Điều quan trọng là hai chính phủ phải có những bước đi cụ thể để giải quyết những vấn đề tồn đọng lâu nay và đảm bảo quan hệ thương mại vẫn là nhân tố duy trì sự ổn định trong mối quan hệ tổng thể"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục