Danh mục cổ phiếu cần quan tâm hôm nay 21/11

09:27' - 21/11/2024
BNEWS Trong phiên hôm nay, các cổ phiếu được công ty chứng khoán khuyến nghị nên quan tâm gồm VPB, VNM, BSR.

Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) khuyến nghị nhà đầu tư mua VPB vì cổ phiếu có tín hiệu có khả năng tạo đáy.

VPB, VNM, BSR là các mã cổ phiếu được công ty chứng khoán khuyến nghị nên quan tâm trong phiên giao dịch hôm nay. Ảnh minh họa: TTXVN

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) khuyến nghị mua cổ phiếu Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk (mã chứng khoán: VNM), giá mục tiêu 78.000 đồng/cổ phiếu dựa trên luận điểm đầu tư:

Tiêu dùng được kỳ vọng sẽ cải thiện trong thời gian tới: Tăng trưởng GDP đạt gần 7% svck trong 9 tháng năm 2024, doanh số bán lẻ cũng được cải thiện 1,1%. Ngành tiêu dùng tăng trưởng trở lại, chi tiêu kỳ vọng sẽ hồi phục theo đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Biên lợi nhuận kỳ vọng ổn định: Biên lợi nhuận gộp của VNM được dự báo sẽ cải thiện khoảng 2,3% trong năm 2024 với việc nguyên vật liệu đầu vào giảm giá. Bước sang năm 2025, biên lợi nhuận gộp kỳ vọng ổn định dù giá nguyên vật liệu đã tăng trở lại do doanh nghiệp có thể chuyển chi phí vào giá bán.

Chiến dịch bán hàng của VNM sẽ giúp doanh thu cải thiện: Doanh thu thị trường nội địa và xuất khẩu của VNM dự kiến sẽ tăng trưởng lần lượt là 1,5/15% svck trong năm 2024 và 4/12% trong năm 2025.

Tiềm năng từ mảng thịt bò: Sản phẩm thịt bò dự kiến ra mắt cuối năm 2024, sản phẩm chạy thử đã nhận được phản ứng tích cực, kỳ vọng đem về doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng trong năm 2025 và khoảng 3.000 tỷ đồng trong năm 2029, với biên lợi nhuận gộp cho mảng thịt bò sẽ đạt khoảng 15% ở năm 2029.

Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) khuyến nghị mua cổ phiếu Công ty cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR), giá mục tiêu 22.000 đồng/cổ phiếu dựa trên luận điểm đầu tư:

Trong quý III/2024, BSR ghi nhận doanh thu giảm 15,4% so với cùng kỳ và khoản lỗ gộp lớn nhất kể từ quý II/2020 (giai đoạn dịch COVID-19). KBSV cho rằng có 2 nguyên nhân dẫn đến diễn biến lợi nhuận tiêu cực này: giá dầu Brent giảm mạnh, biên lọc dầu (crack spread) các sản phẩm trong quý III duy trì đà giảm.

Nhóm phân tích cho rằng nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ mới từ năm 2025 sẽ đem lại nhiều biến động cho thị trường dầu thô thế giới. Ảnh hưởng tiêu cực tới giá dầu gồm chính sách khuyến khích khai thác dầu thô và nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ảnh hưởng tích cực là khả năng các lệnh trừng phạt nhắm tới Iran. KBSV hạ giả định mức giá dầu bình quân năm 2024 và 2025 về 80 USD/thùng/75 USD/thùng.

Nhóm phân tích kỳ vọng crack spread các sản phẩm tại khu vực châu Á sẽ có cơ hội phục hồi trong ngắn hạn từ mức đáy tháng 9/2024 nhờ: Tồn kho trong khu vực giảm xuống dưới mức trung bình (tính từ thời điểm Trung Quốc mở cửa kinh tế sau đại dịch); các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc cắt giảm sản lượng trong quý IV/2024 và quý I/2025. Triển vọng crack spread trong dài hạn vẫn sẽ cần phụ thuộc vào khả năng hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc sau khi các gói kích cầu được đưa ra.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục