"Đầu tàu" trong kết nối tiêu thụ nông sản sạch - Bài 1: Phát triển chưa xứng tầm

08:01' - 06/02/2018
BNEWS Với hơn 10 triệu dân đang sinh sống và hàng năm đón khoảng trên 21 triệu lượt khách du lịch, Hà Nội cần lượng lương thực, thực phẩm an toàn rất lớn.

Trong khi đó, khả năng sản xuất tại chỗ của Hà Nội mới đảm bảo được khoảng 60% lương thực thực phẩm. Do vậy, Hà Nội có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối tiêu thụ nông - lâm - thủy hải sản, các sản phẩm đặc trưng của các vùng miền về Thủ đô.

Bài 1: Phát triển chưa xứng tầm

Mặc dù, Hà Nội có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao như diện tích đất sản xuất tương đối lớn, hơn 150.000 ha. Nhưng trên thực tế, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội lại còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức quy mô nhỏ, phạm vi gia đình nên việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn hạn chế, năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa xứng tầm nông nghiệp Thủ đô của cả nước.

*Ứng dụng công nghệ cao còn thấp

Cánh đồng lúa ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Đỗ Phương Anh/BNEWS/TTXVN

Hiện nay, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội mới chỉ đạt 25%; trong đó, với lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả, chè đạt tỷ lệ 17,9%, chăn nuôi đạt 33,5% và thủy sản 13%. Trong khi đó các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, Hà Nội có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đó là diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Hà Nội tương đối lớn, trên 150.000ha.

Đến nay, Hà Nội đã thực hiện dồn điền đổi thửa được gần 79.000 ha, tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng công nghệ cao, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, có hạ tầng kỹ thuật về giao thông, thủy lợi khá đồng bộ.

Hà Nội đã xây dựng mô hình trồng lan hồ điệp ở Hợp tác xã Đan Hoài (Đan Phượng, Hà Nội) được giới thiệu như một điển hình về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hằng năm, mô hình sản xuất này mang lại doanh thu từ 4-5 tỷ đồng/ha. Hợp tác xã Đan Hoài sở hữu cơ sở vật chất tiên tiến với 10.000m2 nhà lưới để sản xuất hoa cao cấp, một phòng nuôi cấy mô hiện đại với đội ngũ kỹ thuật có trình độ cao.

Tuy nhiên, theo đánh giá của PGS TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, thành công của Hợp tác xã Đan Hoài chưa phải là đột phá. Lý giải về điều này ông Đông nói, là địa phương tiên phong đặt vấn đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao của cả nước nhưng đến nay, Hà Nội chưa hình thành được vùng nông nghiệp công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao. Diện tích mà hợp tác xã Đan Hoài đang phát triển còn quá nhỏ so với tiềm năng của Hà Nội.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn có lợi thế là địa bàn tập trung đông đảo các nhà khoa học đầu ngành, các cơ sở nghiên cứu hàng đầu của cả nước nhưng lại chưa tận dụng được "chất xám" đó, thiếu thông tin, sự liên kết phối hợp, nhất là từ phía doanh nghiệp nên số dự án nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất nông nghiệp còn hạn chế.

Ngoài ra, Hà Nội vẫn chưa có khu nhà máy, phân xưởng để sản xuất giống cây trồng, hầu như đều phải nhập từ tỉnh khác hoặc nước ngoài. Cây giống ăn quả có thể sản xuất được nhưng chưa quy củ, bài bản, chưa ứng dụng được công nghệ trong quản lý chất lượng. Hà Nội mới chỉ quan tâm đến ứng dụng kết quả nghiên cứu chứ chưa chú trọng hình thành địa chỉ giới thiệu sản phẩm, chưa có vùng gắn kết sản xuất với thương mại.

* Trở thành hình mô hình điểm

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trần Văn Tùng cho rằng, Hà Nội cần tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp để tăng cường năng suất và chất lượng nông sản, tạo điều kiện phát triển công nghiệp chế biến, thương mại hóa các sản phẩm nông sản chất lượng cao, có hiệu quả kinh tế và bền vững.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con người K’Ho Cill các kỹ thuật trồng hoa công nghệ cao. Ảnh: Đỗ Phương Anh/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh đó, để phát huy các lợi thế về nguồn lực khoa học và công nghệ, Hà Nội cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, IoT (Internet of Things) để phát triển mô hình nông nghiệp thông minh, từ đó tạo ra một nền nông nghiệp thực thụ, đủ sức lan tỏa đến các tỉnh, thành phố xung quanh.

Ông Tùng nhấn mạnh, Hà Nội phải trở thành hình mẫu cho sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn (kể cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản), trước hết để phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô, sau đó là trở thành mô hình điển hình cho các địa phương trong vùng học tập, nhân rộng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Văn Sửu cho biết, năm 2018 là năm thứ 3 Hà Nội thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” và "Kế hoạch Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020".

Vì vậy, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phấn đấu có tốc độ tăng trưởng tăng từ 2% - 2,5%; giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp theo giá cố định tăng 2,7%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng 5,7%; phấn đấu có thêm 26 xã, 2 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Để đạt được các mục tiêu cơ bản nêu trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Văn Sửu yêu cầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần phải tập trung chỉ đạo thực hiện việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển nông nghiệp để phù hợp định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Triển khai tốt nhiệm vụ Tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018-2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời phê duyệt và triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội, giai đoạn 2018-2020; triển khai nhân rộng các mô hình đã được tổng kết và khẳng định có hiệu quả trong sản xuất và xây dựng, nhân rộng mô hình “nông nghiệp sinh thái”, “nông nghiệp đô thị". Tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung cầu các sản phẩm nông sản, thực phẩm giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Đặc biệt, cần tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết 4 nhà để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; xây dựng quy định, tiêu chuẩn về chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn và quy trình xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi./.

>>>"Đầu tàu" trong kết nối tiêu thụ nông sản sạch - Bài 2: Thúc đẩy kết nối giao thương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục