Đầu tư công bứt tốc, chứng khoán hưởng lợi?

11:50' - 01/05/2025
BNEWS Khi nguồn vốn đầu tư công triển khai mạnh mẽ, các nhóm ngành hưởng lợi trực tiếp như xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, bất động sản sẽ chứng kiến sự tăng trưởng rõ rệt cả về doanh thu và lợi nhuận.

Tháng 4, cổ phiếu ngành ngân hàng có mức phục hồi khá khiêm tốn. Nguyên nhân phần lớn đến từ việc các mã này giảm không quá sâu trong giai đoạn điều chỉnh trước đó. Một số cổ phiếu như EIB và STB thu hút chú ý nhờ thông tin chia cổ tức.

Ngành ngân hàng là nhóm có tỷ trọng lớn nhất trong VN-Index và VN30, nhưng đến cuối tháng 4 chỉ một số nhà băng lớn như Techcombank (TCB), VPBank (VPB), ACB, LienVietPostBank (LPB) và SeABank (SSB) đã công bố kết quả.

Dữ liệu cho thấy không phải ngân hàng nào cũng ghi nhận kết quả khả quan.

Dù có sự khác biệt trong tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch năm của các ngân hàng lớn nhìn chung dao động từ 20 - 30%. Một số ngân hàng nhỏ đạt mức hoàn thành nhưng vốn hóa còn thấp, ảnh hưởng hạn chế đến chỉ số chung.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, quý I thường là quý kinh doanh tốt nhất của ngành ngân hàng, nhưng với môi trường lãi suất biến động và nhu cầu tín dụng chậm lại, áp lực điều chỉnh từ quý II trở đi là không thể xem nhẹ

Bên cạnh đó, đầu tư công với hàng loạt dự án trọng điểm và nhiều yếu tố thuận sẽ hỗ trợ giúp phát huy vai trò “đầu kéo” - động lực cho tăng trưởng GDP đạt mục tiêu trên 8% trong năm 2025.

Giới phân tích nhận định: Việc tăng mạnh đầu tư công sẽ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản và đầu tư công thu hút được dòng tiền nhờ động lực từ mục tiêu tín dụng tăng trưởng 16%, cùng các nỗ lực cải cách thể chế, trong khi những yếu tố bất lợi từ thuế quan không tác động trực tiếp tới các nhóm này.

Để tìm hiểu rõ hơn về thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 4 và triển vọng thị trường chứng khoán trong ngắn hạn, phóng viên TTXVN có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Nhất Việt (VFS).

Phóng viên: Thưa ông, lợi nhuận khả quan của nhiều ngân hàng trong quý I cho thấy điều gì? Nó có tác động gì đến sức tăng trưởng nền kinh tế không?

Ông Nguyễn Minh Hoàng: Quý I/2025, một số ngân hàng đã ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ. Đây là một tín hiệu khả quan cho thấy nền kinh tế tiếp tục hồi phục.

Về bản chất, lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý I phản ánh một số yếu tố tích cực:

Tăng trưởng tín dụng bứt tốc từ đầu năm: Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 3/2025 đạt khoảng 3,5%, cao hơn cùng kỳ năm 2024 (~2,3%). Điều này cho thấy nhu cầu vay vốn từ doanh nghiệp đang hồi phục trở lại. Từ đó, thúc đẩy lợi nhuận ngành ngân hàng.

Nợ xấu được kiểm soát: Nhờ lãi suất giảm và nền kinh tế ổn định hơn, các ngân hàng giảm chi phí trích lập dự phòng, giúp cải thiện biên lợi nhuận ròng (NIM).

Chi phí vốn thấp: Mặt bằng lãi suất huy động vẫn duy trì ở vùng thấp nhất trong nhiều năm (kỳ hạn 6–12 tháng chỉ quanh 4,5–5,5%), giúp các ngân hàng mở rộng biên lãi ròng.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức, tín hiệu lạc quan từ kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong nước đang mang lại những tác động tích cực đến nền kinh tế. Sự tăng trưởng này không chỉ phản ánh sức khỏe của hệ thống tài chính mà còn tạo ra những hiệu ứng lan tỏa.

Cụ thể, ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, nên hiệu quả hoạt động của họ phản ánh khá chính xác độ “khỏe” của các dòng vốn luân chuyển trong nền kinh tế thực, lợi nhuận tăng trưởng tích cực giúp các ngân hàng có khả năng dự phòng rủi ro tốt hơn, đồng thời, mở rộng dư địa cho vay. Qua đó, tăng khả năng cung vốn cho nền kinh tế.

Đồng thời, năng lực cho vay của các ngân hàng được cải thiện, doanh nghiệp và người dân sẽ tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn. Từ đó, thúc đẩy mở rộng sản xuất và tiêu dùng.

Chúng tôi kỳ vọng, nếu đà tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng được duy trì trong quý II và nửa cuối năm, dòng vốn sẽ chảy mạnh hơn vào các khu vực sản xuất, hạ tầng và tiêu dùng – từ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2025 đạt mục tiêu 6–6,5%.

Phóng viên: Những thông tin về lợi nhuận của các ngân hàng trong quý I này có tác động thế nào đến thị trường chứng khoán trong thời gian tới thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Hoàng: Những thông tin tăng trường lợi nhuận khả quan trong quý I trước hết sẽ có tác động tích cực đến cổ phiếu của nhóm ngân hàng. Tính từ thời điểm giữa tháng 4 đến nay, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã hồi phục tích cực từ đáy. Đáng chú ý, một số cổ phiếu như VAB, STB, MBS… đang quay lại vùng đỉnh cũ trước khi xuất hiện nhịp chỉnh mạnh đầu tháng 4. Đây đều là những ngân hàng có kết quả kinh doanh khả quan trong quý I.

Kỳ vọng lợi nhuận nhóm ngân hàng sẽ duy trì đà tăng trong năm 2025 sẽ tiếp tục tác đọng tích cực đến cổ phiếu trong thời gian tới. Từ đó, tạo tâm lý lan tỏa tích cực đến thị trường chung nhờ ngân hàng là nhóm có vốn hóa lớn nhất thị trường. Vì vậy đà tăng của nhóm này là động lực quan trọng cho chỉ số VN-Index. Thứ hai, nhóm ngân hàng biến động tích cực sẽ tạo niềm tin cho thị trường. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đang có định giá hấp dẫn từ đó, kích hoạt dòng tiền tham gia mạnh mẽ hơn, không chỉ ở nhóm ngân hàng mà còn có thể lan tỏa sang các nhóm ngành khác.

Phóng viên: Thưa ông, ông kỳ vọng gì vào những tác động từ việc giải ngân đầu tư công tới nền kinh tế trong thời gian tới? Nó giúp gì cho thị trường chứng khoán?

Ông Nguyễn Minh Hoàng: Ngày từ đầu năm 2025, Chính phủ đã nâng mức chi đầu tư công từ 6% GDP lên 7%. GDP. Cụ thể, kế hoạch đầu tư công năm nay ở mức 36 tỷ USD, cao hơn 40% so với năm 2024. Thực tế, trong thời gian vừa qua, chính phủ cũng thể hiện sự quyết tâm trong việc đẩy mạnh đầu tư công. Trong đó, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư của một số dự án lớn như tuyến đường sắt cao tốc trục Bắc - Nam trị giá 67 tỷ USD và tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trị giá 8 tỷ USD…

Trong năm nay, Chính phủ cũng đã định hướng đầu tư công là một trong ba trụ cột chính để đạt mục tiêu tăng trưởng 8%. Do vậy việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư côn là đòn bẩy quan trọng. Việc đưa vốn đầu tư công vào nền kinh tế trước hết giúp phát triển cơ sở hạ tầng, sau đó, tạo động lực tăng trưởng cho các ngành khác như vật liệu xây dựng, bất động sản… Đầu tư công không chỉ tạo ra hàng triệu việc làm, kéo theo tăng trưởng thu nhập và nhu cầu tiêu dùng cá nhân mà còn giúp giảm chi phí sản xuất và vận chuyển, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân mở rộng sản xuất kinh doanh, thu hút thêm vốn FDI.

Giải ngân đầu tư công được đánh giá là một trong những động lực then chốt thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn tới. Khi nguồn vốn đầu tư công được triển khai mạnh mẽ, các nhóm ngành hưởng lợi trực tiếp như xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, bất động sản sẽ chứng kiến sự tăng trưởng rõ rệt cả về doanh thu và lợi nhuận.

Trước hết, nhóm doanh nghiệp xây dựng và hạ tầng sẽ là những cái tên được hưởng lợi rõ nét nhất. Các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, hay các công trình thủy lợi, điện gió đều đòi hỏi khối lượng thi công khổng lồ, kéo theo doanh thu và biên lợi nhuận của các nhà thầu xây dựng hàng đầu tăng trưởng đáng kể. Các doanh nghiệp như HHV, C4G, VCG hay LCG với lợi thế về kinh nghiệm thi công, năng lực tài chính và sở hữu nhiều hợp đồng thi công mới sẽ có cơ hội bứt phá. Cùng với đó, các công ty vật liệu xây dựng cũng sẽ được hưởng lợi lớn nhờ nhu cầu tiêu thụ xi măng, thép, nhựa đường tăng vọt. Những tên tuổi như HPG, HT1, PLC sẽ có cơ hội cải thiện sản lượng tiêu thụ và gia tăng lợi nhuận gộp nhờ sản xuất quy mô lớn.

Ngoài ra, nhóm bất động sản cũng sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ việc đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt trong các khu vực có dự án hạ tầng trọng điểm đi qua. Hạ tầng kết nối được nâng cấp sẽ làm tăng giá trị bất động sản.

Không chỉ các ngành trên, hệ thống ngân hàng cũng sẽ được hỗ trợ nhờ đầu tư công. Các dự án lớn thường cần vay vốn trung và dài hạn, từ đó gia tăng dư nợ tín dụng cho các ngân hàng có thế mạnh trong lĩnh vực hạ tầng.

Về phương diện dòng tiền và tâm lý nhà đầu tư, việc giải ngân đầu tư công mạnh mẽ sẽ đóng vai trò như một "chất xúc tác" kéo dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư sẽ ưu tiên rót vốn vào các nhóm cổ phiếu được kỳ vọng tăng trưởng cao nhờ đầu tư công, tạo ra hiện tượng phân hóa mạnh trên thị trường. Nếu tiến độ giải ngân được đẩy nhanh và vượt kỳ vọng, thị trường có thể bước vào giai đoạn tâm lý lạc quan lan rộng, đẩy mặt bằng giá cổ phiếu lên cao hơn.

Tuy nhiên, đi kèm với những cơ hội này cũng tồn tại một số rủi ro. Lịch sử cho thấy tỷ lệ giải ngân đầu tư công tại Việt Nam thường không đạt như kế hoạch đề ra do các vướng mắc về thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng và năng lực thực thi của các chủ đầu tư. Nếu việc giải ngân tiếp tục chậm, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ khó thành hiện thực. Từ đó, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Vì vậy, nhà đầu tư cần thận trọng theo dõi sát tiến độ thực tế, chính sách điều hành vĩ mô và lựa chọn kỹ lưỡng những doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững chắc, kinh nghiệm triển khai dự án lớn để tối ưu hóa cơ hội và hạn chế rủi ro.

Phóng viên: Ông nhìn thấy những điểm sáng nào đáng kể cho khu vực kinh tế tư nhân sau những quyết sách, đường hướng tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân thời gian qua của Chính phủ, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Hoàng: Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam liên tục khẳng định vai trò trung tâm của khu vực kinh tế tư nhân trong chiến lược phát triển đất nước, thời gian qua đã có nhiều quyết sách và đường hướng quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho khối tư nhân phát triển. Nhìn vào thực tiễn, có thể thấy một số điểm sáng rất đáng kể đã và đang mở ra cơ hội lớn cho khu vực này.

Thứ nhất, môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể nhờ các chính sách cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thúc đẩy chuyển đổi số trong cơ quan quản lý nhà nước. Những nỗ lực mạnh mẽ về cải cách thủ tục, đặc biệt trong cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, tiếp cận đất đai, tín dụng và các dịch vụ công trực tuyến, đã giúp giảm bớt đáng kể chi phí tuân thủ và thời gian cho doanh nghiệp tư nhân, tạo động lực khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới cũng như mở rộng quy mô đầu tư.

Thứ hai, cơ hội tham gia vào các lĩnh vực trước đây vốn là "sân chơi" của doanh nghiệp nhà nước ngày càng rộng mở cho khu vực tư nhân. Chính phủ đã có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo, logistics… giúp các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận những thị trường tiềm năng lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh. Sự tham gia sâu rộng hơn của khu vực tư nhân không chỉ giúp tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội mà còn thúc đẩy mô hình hợp tác công tư (PPP) phát triển bền vững.

Thứ ba, những hỗ trợ về tài chính, tín dụng và thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân với hệ thống ngân hàng cũng đang dần được đẩy mạnh. Các chương trình ưu đãi tín dụng, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng với việc thúc đẩy phát triển thị trường vốn đang mở ra thêm nhiều kênh tiếp cận nguồn vốn cho khu vực tư nhân – vốn là một điểm nghẽn lâu nay.

Bên cạnh đó, sự chú trọng đến phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp công nghệ cao cũng được xem là điểm sáng nổi bật. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các startup, doanh nghiệp công nghệ, qua đó giúp kinh tế tư nhân Việt Nam không chỉ phát triển về lượng mà còn mạnh mẽ về chất, từng bước dịch chuyển lên các nấc thang giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phóng viên: Triển vọng thị trường chứng khoán trong ngắn hạn sẽ ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Hoàng: Sau khi hồi phục từ vòng 1.070 điểm, VN-Index chủ yếu duy trì trạng thái đi ngang. Mặc dù vẫn ghi nhận phiên biến động mạnh nhưng thị trường đã nhanh chóng cân bằng trở lại quanh vùng 1.200 điểm. Điều này cho thấy dòng tiền vẫn đang tìm kiếm cơ hội giải ngân ở vùng giá thấp và hấp thụ đáng kể lượng cung hàng giá rẻ trước đó.

Hỗ trợ gần nhất là vùng 1.180 - 1.200 điểm. Kháng cự gần nhất của VN-Index ở thời điểm hiện tại là vùng 1.240 - 1.250 điểm. Nếu VN-Index có thế bứt phá thành cung vùng tích lũy đi ngang hiện tại, mô hình “V-shaped recovery” sẽ được xác nhận, giúp củng cố cho đà hồi phục của VN-Index về các vùng điểm số cao hơn là 1.270 điểm.

Mặc dù gần đây, nhiểu tin tức xuất hiện đã tạo tâm lý tích cực hơn cho thị trường như việc Việt Nam khỏi động đàm phán vói Mỹ, cũng như hệ thống KRX chính thức đi vào vận hành. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang trong giai đoạn nhạy cảm với những yếu tố bất định của thương chiến Mỹ - Trung. Vì vậy, thị trường vẫn có thể biến động mạnh trong thời gian tới để hình thành biên dao động tích lũy trước khi bước vào nhịp tăng mới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục