Đầu tư công hòa dòng chảy kinh tế

07:21' - 05/03/2024
BNEWS Giải ngân vốn đầu tư công là một trong các giải pháp quan trọng mà Chính phủ sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ trong năm 2024.

Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân vốn đầu tư công. 

 

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu có xu hướng giảm và lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn còn chứa đựng yếu tố bất định, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, Chính phủ chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp quan trọng liên quan tới thúc đẩy đầu tư công.

Theo đó, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án và giải ngân vốn đầu tư công; không đầu tư dàn trải, loại bỏ những dự án không thực sự cần thiết, điều chuyển vốn các dự án không giải ngân được sang các dự án có khả năng giải ngân, không để lãng phí, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt bằng, mỏ vật liệu, nhân công... để thực hiện ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn.

GS.TS Tô Trung Thành cho hay, đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam, đặc biệt là từ khi bắt đầu mở cửa. Tuy nhiên, quá trình giải ngân vốn đầu tư công luôn là bài toán nan giải và việc cần có giải pháp khơi thông dòng vốn đầu tư công để hòa vào dòng chảy của nền kinh tế, tạo động lực phục hồi và tăng trưởng bền vững là rất quan trọng.

Điểm qua vài dự án đã triển khai như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có chiều dài hơn 720 km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập với 25 gói thầu xây lắp. Sau khi khởi công đồng loạt 14 gói thầu đầu tiên vào ngày 1/1/2023, các gói thầu tiếp theo cũng được lần lượt khởi công trên toàn tuyến.

Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông Vận tải, mục tiêu năm 2023 đề ra là toàn bộ 12 dự án thành phần này sẽ hoàn thành 35% giá trị hợp đồng, nhưng do khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, giá trị sản lượng thi công vẫn chưa đạt cam kết và chậm hơn 10% so với tiến độ... Như vậy có thể thấy, vướng mắc liên quan tới biến động giá cả nguyên vật liệu và sự khó khăn về nguồn cung khiến các chủ đầu tư phải điều chỉnh dự toán giá hợp đồng.

Vấn đề đấu giá đất cũng gặp rất nhiều thách thức, dẫn tới chậm giải ngân khi thực hiện giải phóng mặt bằng vì thiếu quỹ đất thực hiện dự án. Một số dự án còn bị chậm tiến độ do chậm triển khai các bước như lựa chọn đơn vị thẩm định giá, hồ sơ mời thầu, khiến cho dự án càng kéo dài càng gây lãng phí cả thời gian và tiền bạc. 

Từ góc nhìn nghiên cứu, TS.Lê Thanh Hà, chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn thúc đẩy các dự án đầu tư công, trước tiên cần khơi thông dòng vốn, tín dụng. Vì vậy, cần quy định chặt các tiêu chuẩn và điều kiện, năng lực thực hiện dự án của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất công, bao gồm cả năng lực tài chính, khả năng thực hiện, uy tín, kinh nghiệm và phương án hay kế hoạch khi trúng giá đất.

Việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất công tốn nhiều thời gian, chi phí của các bên; trong đó, có cả các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên điều này cần sự rốt ráo và nghiêm túc thực hiện. Việc doanh nghiệp hoặc tổ chức trúng đấu giá bỏ cọc có thể khiến cơ quan Nhà nước phải thực hiện đấu giá lại, ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp có khả năng trúng đấu giá và tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản...

Cuối cùng, đấu thầu cũng là một khâu phức tạp, tốn nhiều thời gian và khiến việc sử dụng nguồn vốn Nhà nước chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Theo TS. Lê Thanh Hà, cần có khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ và thống nhất về hoạt động đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn Nhà nước, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đấu thầu để nâng cao tính cạnh tranh của các nhà thầu.

Việc thực hiện thủ tục đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cũng cần rút ngắn thời gian, cắt giảm nhiều thủ tục cấp trung gian, cho phép chủ đầu tư được mua bổ sung các hàng hóa, dịch vụ phát sinh trên cơ sở hợp đồng thực hiện trước đó nhằm tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa hoạt động đấu thầu dự án, công trình đầu tư sử dụng nguồn lực Nhà nước. Quan trọng nhất là sự hậu thuẫn, hỗ trợ từ phía Chính phủ, các địa phương khi dự án phát sinh vướng mắc cũng giải quyết kịp thời thông qua việc thành lập các tổ công tác để rà soát, đánh giá và xử lý dứt điểm mọi vấn đề khó khăn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục