Đầu tư toàn cầu: Từ những lựa chọn thay thế đến các xu hướng dài hạn

10:07' - 02/05/2021
BNEWS Những tài sản mang tính rủi ro cao gần đây đã trở thành lựa chọn đầu tư trong bối cảnh tình hình thanh khoản khá dồi dào trên các thị trường toàn cầu, dù lãi suất vẫn ở mức thấp kỷ lục. 

Trong bối cảnh thanh khoản trên các thị trường dồi dào, các tài sản rủi ro là một lựa chọn của các nhà đầu tư, với lượng trái phiếu xếp hạng dưới mức đáng đầu tư hiện vào khoảng 2.000 tỷ USD.

Trong khi đó, dòng tiền cũng chảy mạnh vào các quỹ và các sản phẩm liên quan đến tiền kỹ thuật số, với giá trị thị trường lần đầu tiên đạt mức 2.000 tỷ USD.

Đại dịch COVID-19 cũng đang khiến các xu hướng dài hạn mạnh lên, với đầu tư cho số hóa, tự động hóa và đầu tư bền vững đang ngày càng được chú trọng.
Tài sản rủi ro cao trở thành một lựa chọn
Những tài sản mang tính rủi ro cao gần đây đã trở thành lựa chọn đầu tư trong bối cảnh tình hình thanh khoản khá dồi dào trên các thị trường toàn cầu, dù lãi suất vẫn ở mức thấp kỷ lục.
Các công ty trên thế giới đang phát hành ngày càng nhiều trái phiếu có xếp hạng dưới mức đáng đầu tư hoặc những trái phiếu được xếp hạng dưới BBB. Trong ba tháng đầu năm 2021, một lượng trái phiếu kỷ lục là 208,3 tỷ USD đã được phát hành. Theo ước tính của thị trường, tổng số lượng trái phiếu không đáng đầu tư đang lưu hành hiện vào khoảng 2.000 tỷ USD.
Trên thị trường chứng khoán, SPAC, tức là các công ty mua lại có mục đích đặc biệt, đang ngày càng gia tăng, huy động được tổng cộng 217,9 tỷ USD trong thời gian từ giữa năm 2016 đến tháng 3/2021. SPAC là những công ty đang trong giai đoạn phát triển (hoặc mới thành lập), không có các kế hoạch hoặc mục tiêu kinh doanh cụ thể, được hình thành nhằm mục đích tham gia vào các vụ mua lại và sáp nhập với một công ty khác. Các công ty SPAC được phép tiến hành IPO và bán chứng khoán của mình theo quy định của Ủy ban chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC).
Một số thị trường chứng khoán châu Á đang muốn gia nhập cuộc đua này. Sở Giao dịch Singapore có kế hoạch cho phép các SPAC được niêm yết sớm nhất là vào giữa năm 2021. Thị trường Hong Kong (Trung Quốc) và Indonesia cũng đang xem xét động thái tương tự, với hy vọng thu hút các công ty khởi nghiệp châu Á đầy triển vọng.
Mới đây, việc nhà điều hành du thuyền Mỹ Royal Caribbean Cruise của Mỹ phát hành trái phiếu mới hôm 29/3 cũng được xem là một trường hợp điển hình, gây ngạc nhiên cho nhiều người vì mức lãi suất đưa ra. Lãi suất trái phiếu do Royal Caribbean Cruise phát hành được thiết lập ở mức 5,5%, thấp hơn đáng kể so với mức 11,7% của trái phiếu bán ra hồi tháng 5/2020, sau khi hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của hãng này xuống mức B vào tháng 2/2021.
Tuy nhiên, vụ vỡ nợ của quỹ đầu tư Archegos Capital Management tại New York (Mỹ) đã gây ra một đợt bán tháo cổ phiếu lớn và lan rộng tới các tổ chức tài chính liên quan trên toàn thế giới, dẫn đến những tổn thất nặng nề.
Tiền kỹ thuật số - một phương tiện đầu tư thay thế
Giới đầu tư cũng đang đổ xô mua vào tiền kỹ thuật số vốn đang ngày càng phổ biến như một phương tiện đầu tư thay thế. Giá trị của thị trường tiền điện tử lần đầu tiên đạt mức 2.000 tỷ USD trong tháng 4/2021, gần bằng với giá trị vốn hóa thị trường của Apple, công ty có giá trị vốn hóa cao nhất trên thế giới, trong đó giá trị vốn hóa thị trường của bitcoin là hơn 1.000 tỷ USD.

Số liệu từ công ty quản lý tiền tệ kỹ thuật số Coinshares cho thấy dòng tiền vào các quỹ và sản phẩm liên quan tới tiền kỹ thuật số đã đạt mức kỷ lục 4,5 tỷ USD trong quý I/2021, cho thấy sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức ngày càng tăng. Bitcoin là đồng tiền nhận được dòng tiền lớn nhất với 3,5 tỷ USD, tiếp theo là ethereum với khoảng 765 triệu USD.
Tuy các khoản đầu tư vào thị trường tiền kỹ thuật số đã chậm lại so với quý IV/2020 – giai đoạn ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 240%, Coinshares cho biết đây không phải dấu hiệu của xu hướng giảm tốc. Công ty này viện dẫn rằng tốc độ tăng trưởng có xu hướng rất khác nhau giữa các quý.
Đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới tính theo giá trị vốn hóa thị trường đạt mức cao kỷ lục 61.781,83 USD đổi 1 bitcoin vào giữa tháng Ba. Sang tháng Tư đồng tiền này đã lập đỉnh mới 62.741 USD, Tuy nhiên, kể từ đó, bitcoin lại mất đà, trượt xuống dưới 50.000 USD và giao dịch trong phạm vi hẹp khi các nhà đầu tư củng cố lợi nhuận.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại sàn giao dịch trực tuyến OANDA, cho biết rất nhiều động lực đang dần mạnh lên trên thị trường. Nhà đầu tư đang chú ý dõi theo để xem các đồng tiền khác, ngoài bitcoin, sẽ đi đến đâu.
Thống kê từ CoinShares cũng cho thấy khối tài sản thuộc lĩnh vực tiền kỹ thuật số đang được quản lý cũng tăng lên mức cao kỷ lục là 59 tỷ USD. Năm ngoái, con số này là 37,6 tỷ USD.
Tổng khối lượng giao dịch trên thị trường vẫn ở mức cao trong quý vừa qua, trung bình đạt 11,6 tỷ USD mỗi ngày và vượt xa so với mức 3,5 tỷ USD trong ba tháng cuối năm 2020.
Các xu hướng dài hạn đang mạnh lên
Theo các chuyên gia và các cố vấn đầu tư, đại dịch COVID-19 đang làm thay đổi cục diện đầu tư, với các xu hướng dài hạn đang mạnh lên. Thế giới đang trở nên số hóa hơn, tự động hơn và nhạy cảm với sự bền vững hơn khi lối sống và nền kinh tế đang có những thay đổi sâu sắc.
Sự phát triển nhanh hơn của thương mại điện tử, giải trí trực tuyến và làm việc từ xa đã khiến con người trở nên phụ thuộc hơn vào thế giới số. Việc giá cổ phiếu của Zoom Video Communications Inc. và Netflix Inc. tăng vọt là những ví dụ điển hình cho thấy những thay đổi rộng khắp có thể mang đến cơ hội cho các nhà đầu tư ra sao.
Theo một khảo sát của McKinsey đối với 899 giám đốc cấp cao trên toàn cầu, tỷ lệ trung bình của các hàng hóa và dịch vụ đã được số hóa một phần hoặc hoàn toàn đạt 55% tính đến tháng 7/2020, so với con số 35% vào tháng 12/2019, một bước tiến sẽ phải mất 7 năm nếu là trước đại dịch.
Trong khi đó, doanh thu hàng năm của lĩnh vực công nghệ tài chính có thể tăng lên 500 tỷ USD vào năm 2030, so với 150 tỷ USD vào năm 2018, với tốc độ tăng trưởng đáng kể trong thanh toán di động và từ xa cũng như thương mại điện tử.

Sự phát triển của các chuỗi cung ứng toàn cầu, đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã làm gia tăng tầm quan trọng của tự động hóa và robot.
Bank of America Global Research nhận định việc đầu tư lượng vốn lớn vào việc điều chỉnh chuỗi cung ứng liên quan đến Trung Quốc có thể mang lại trên 100 tỷ USD doanh thu từ tự động hóa sản xuất công nghiệp trong 5 năm.
Còn theo UBS AG, khi thế giới chuyển hướng sang phát triển bền vững, nhiều cơ hội tăng trưởng trong thập niên tới sẽ liên quan đến lĩnh vực này.
Theo công ty dịch vụ tài chính Morningstar của Mỹ, trong năm 2020, tài sản thuộc quyền quản lý của các quỹ đầu tư theo các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị đã lần đầu tiên vượt 1.000 tỷ USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục