Đầu tư trên 200 tỷ đồng phát triển sản xuất ngao giống

15:10' - 04/10/2017
BNEWS Dự kiến đến năm 2020 tỉnh Thái Bình sẽ có 8 cơ sở sản xuất ngao giống với diện tích ương trong đầm khoảng 311 ha, diện tích ương bãi triều 660 ha và diện tích nuôi thương phẩm 3.440 ha.
Khai thác ngao ở Thái Bình. Ảnh:TTXVN

Tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên ven biển, bên cạnh phát triển nuôi ngao thương phẩm, tỉnh Thái Bình vừa phê duyệt đề án phát triển sản xuất ngao giống tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025. Dự kiến nguồn vốn đầu tư thực hiện đề án 203 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương 135,5 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 39,8 tỷ đồng và từ các nguồn vốn khác 27,7 tỷ đồng.

Mục tiêu của đề án phát triển sản xuất ngao giống có chất lượng cao với sức đề kháng tốt, sinh trưởng nhanh nhằm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, từ đó nâng cao hiệu quả nuôi ngao thương phẩm, gia tăng giá trị và phát triển bền vững.

Đây cũng là bước đi phù hợp với lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đã đề ra. Đặc biệt, đề án này có ý nghĩa lớn trong việc kiểm soát chất lượng ngao. Bởi thực tế từ nhiều năm nay hầu hết các cơ sở nuôi ngao trên địa bàn tỉnh Thái Bình không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ ngao, khó khăn kiểm soát dịch bệnh.

Theo đề án này, dự kiến đến năm 2020 tỉnh Thái Bình sẽ có 8 cơ sở sản xuất ngao giống với diện tích ương trong đầm khoảng 311 ha, diện tích ương bãi triều 660 ha và diện tích nuôi thương phẩm 3.440 ha.

Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Thái Bình sẽ hoàn toàn chủ động được nguồn ngao giống, cung cấp cho thị trường trong tỉnh; trong đó, tỉnh Thái Bình chủ trương đầu tư mới hạ tầng vùng sản xuất, ương dưỡng ngao giống tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy quy mô 100 ha với kinh phí 100 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh bổ sung quy hoạch một số vùng ương ngao giống trong đầm nước lợ, đủ điều kiện ương dưỡng ngao giống sản xuất tại chỗ và lượng ngao giống nhập về, tập trung tại một số xã có thế mạnh như xã Thái Đô (huyện Thái Thụy) 95 ha và 3 xã của huyện Tiền Hải gồm xã Đông Minh 38 ha, xã Nam Cường 43 ha và xã Nam Phú 180 ha.

Đồng thời rà soát, chuyển khoảng 740 ha bãi triều có tỷ lệ cát cao trên 90% sang ương ngao giống cỡ lớn tại các xã Thụy Trường, Thái Đô (huyện Thái Thụy) và xã Đông Minh, Nam Thịnh (huyện Tiền Hải). Cùng với phát triển ngao giống, tỉnh Thái Bình tiếp tục bảo tồn vùng ngao dầu bản địa với diện tích 180 ha tại 2 xã Đông Minh, Nam Thịnh (huyện Tiền Hải).

Tỉnh Thái Bình có đường bờ biển dài 54 km, là nơi đi qua của 3 sông lớn là sông Hồng, sông Trà Lý và sông Thái Bình. Đặc điểm vị trí địa lý này đã tạo ra vùng triều rộng lớn khoảng 25.000 ha; trong đó vùng trung triều gần 6.200 ha, vùng hạ triều hơn 18.800 ha, thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản mặn, lợ, trong đó có nghề nuôi ngao.

Đến nay, diện tích nuôi ngao hiện duy trì ổn định 3.000 ha tập trung tại 2 huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải với tổng sản lượng trung bình khoảng 90.000 tấn/năm và là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng ngao nuôi.

Theo Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, đến năm 2020 tỉnh Thái Bình mở rộng quy hoạch diện tích ngao lên 4.100 ha, sản lượng đạt 123.000 tấn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục