Dạy - học trực tuyến ở trường đại học: Không chỉ là biện pháp tình thế

14:49' - 10/04/2020
BNEWS Trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài, với phương châm “không đến trường nhưng việc học vẫn không gián đoạn”, các trường đại học trong cả nước đang đẩy mạnh việc dạy và học theo hình thức trực tuyến.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài, nhằm đảm bảo chương trình, kế hoạch đào tạo với phương châm “không đến trường nhưng việc học vẫn không gián đoạn”, các trường đại học trong cả nước đang đẩy mạnh việc dạy và học theo hình thức trực tuyến.

Tuy nhiên, để việc học tập theo hình thức này đạt hiệu quả như mong muốn, bên cạnh các yếu tố liên quan đến kỹ thuật như trang thiết bị, hệ thống phần mềm phù hợp thì sự nỗ lực, phối hợp tương tác của cả người dạy và người học là không thể thiếu để có được một tiết học thành công thực sự.

Không chỉ là biện pháp tình thế

Không thể phủ nhận, với nhiều trường đại học, việc dạy học trực tuyến được coi là hình thức dạy học đảm bảo chất lượng đào tạo trong hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh.

Việc chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến mùa dịch COVID-19 vừa là thách thức cũng vừa là cơ hội để mỗi trường đẩy mạnh áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại trên không gian mạng, mang đến cho sinh viên nhiều trải nghiệm, đảm bảo chất lượng đào tạo trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay.

Theo thông tin từ Phòng Truyền thông và Quan hệ công chúng, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, trước tình hình dịch bệnh, từ giữa tháng 2, trường đã chuyển sang giảng dạy và học tập trực tuyến với nhiều hình thức đa dạng như: LMS (giảng trực tuyến hay recording), Livestream (facebook), Classroom (Google), Microsoft Office 365, Blue Green, Skype, Zoom Meeting… Trên nền tảng không gian mạng, các sinh viên của trường chủ động hơn trong quá trình tự học, nghiên cứu, làm việc nhóm và tương tác với giảng viên mỗi ngày.

Giáo sư Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Làm việc cũng như dạy và học theo hướng trực tuyến không chỉ góp phần đẩy lùi dịch COVID-19 mà còn là hướng tiếp cận thông minh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Với quan điểm dạy và học trực tuyến không chỉ là biện pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh mà là một xu hướng chủ đạo hướng tới mô hình “trường học thông minh”, Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen cho biết: Trường Đại học Hoa Sen đã xây dựng hệ thống học tập trực tuyến, phòng studio quay phim chuyên nghiệp, có chính sách khuyến khích xây dựng học liệu số, đào tạo, hướng dẫn giảng viên xây dựng các khóa dạy học trực tuyến...

Hệ thống dạy trực tuyến tại trường hoạt động tốt trên cả các thiết bị di động lẫn máy tính thông thường.

Riêng trong học kì I của năm học 2019-2020, hệ thống này đã phục vụ 2,73 triệu lượt truy cập của giảng viên và sinh viên toàn trường.

Cũng theo Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ, ưu điểm nổi bật của phương thức đào tạo trực tuyến theo mô hình kết hợp cách thức học điện tử với các phương pháp lớp học truyền thống là phát triển kỹ năng, tư duy cần có của người học, rèn tính linh hoạt cho người học và giảng viên, dễ dàng đáp ứng nhiều phong cách học tập khác nhau.

Còn theo Tiến sỹ Lâm Thành Hiển, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai), việc học theo hình thức trực tuyến giúp sinh viên rèn luyện thêm kỹ năng tự giác học tập, làm quen với phương pháp học tập suốt đời, học ở bất cứ nơi đâu, miễn là có kết nối mạng.

Không chỉ với giảng viên, từ phía người học, nhiều sinh viên cũng cho rằng, việc học trực tuyến có nhiều ưu điểm đối với người học trong bối cảnh hiện nay như, tài liệu trực tuyến đa dạng, dễ tiếp cận, người học không mất thời gian đi lại, tránh ngồi trong lớp học tập trung đông để phòng, chống dịch bệnh.

Bạn Phan Thị Vy, sinh viên Trường Đại học Kinh kế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong các tiết học trực tuyến, dù không đến lớp, Vy vẫn có thể tương tác với giáo viên và các bạn qua phần thảo luận khá thú vị, sôi nổi.

Giảng viên và sinh viên cùng nỗ lực mới đạt hiệu quả

Theo Giáo sư Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, để hình thức học trực tuyến đạt hiệu quả cao, về phía giảng viên, việc đầu tư cho giảng dạy trực tuyến khá công phu, thầy cô phải lên kịch bản đối với từng bài giảng, chuẩn bị slide, ghi hình...

Có sự sáng tạo, nỗ lực của giảng viên và ý thức trách nhiệm của người học, chắc chắn hình thức này sẽ ngày càng hiệu quả hơn.

Nhiều giảng viên cũng cho rằng, việc triển khai dạy trực tuyến ở bậc đại học thuận lợi hơn so với các nhà trường phổ thông, song để dạy học trực tuyến có chất lượng thì không phải là điều đơn giản. Nhà trường phải đầu tư tốt cho phương pháp giảng dạy, nền tảng công nghệ và học liệu số.

Còn với mỗi giảng viên, trong quá trình dạy trực tuyến sẽ có những trở ngại như mạng yếu hoặc phải chờ sinh viên kết nối, tương tác đầy đủ mới có thể bắt đầu bài giảng. Do đó, sinh viên phải thực sự tự giác, tích cực tương tác thì bài giảng của giáo viên mới đạt hiệu quả.

Có sinh viên còn chưa tự giác, cho rằng ngồi ở nhà học trực tuyến nên tinh thần học tập không cao. Một số trường hợp chỉ mở tài khoản vào học nhưng lại tắt micro, tắt camera rồi để đó làm việc khác.

Với những trường hợp đối phó như vậy thì dù giảng viên có nỗ lực, nhiệt tình, đường truyền thuận lợi thì việc dạy và học cũng không thể hiệu quả.

Đề cập về hình thức dạy trực tuyến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh Võ Hoàng Khải chia sẻ, các học phần lý thuyết được nhà trường triển khai dạy và học theo hình thức trực tuyến còn học phần thực hành sẽ được bố trí giảng dạy tại phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ngay khi sinh viên đi học tập trung trở lại.

Để việc học trực tuyến đạt hiệu quả, nhà trường đã lưu ý sinh viên, do địa điểm học tập tại nhà của mỗi sinh viên khác nhau, sinh viên cần chọn nơi học có không gian yên tĩnh, đảm bảo việc tương tác giữa sinh viên và giảng viên diễn ra thuận lợi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục