DBS Bank đánh giá cao triển vọng kinh tế Philippines và Việt Nam

15:36' - 14/12/2022
BNEWS Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS Bank Ltd) ngày 14/12 đưa ra dự báo đến năm 2024, Philippines và Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao nhất trong ASEAN là 6,5%.

Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng cho biết trong hai năm tới, Philippines được coi là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong số các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

 

Ông Chua Han Teng, chuyên gia kinh tế tại DBS, cho rằng Philippines dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng GDP cao nhất trong khu vực vào năm 2023 và 2024, bất chấp “những cơn gió ngược” toàn cầu.

Theo ông Teng, Philippines sẽ ghi nhận mức tăng trưởng GDP là 6,3% vào năm 2023, nhanh hơn tốc độ 6% của Việt Nam, 5% của  Indonesia, 4% của Malaysia, 3,8% của Thái Lan và 2,2% của Singapore.

Theo ông Teng, nền kinh tế Philippines đã duy trì khả năng phục hồi trong năm nay và dự kiến sẽ kết thúc năm 2022 với mức tăng trưởng GDP là 7,4% sau khi đạt mức trung bình 7,7% trong ba quý, khiến nước này trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ ba sau mức 8,5% của Malaysia và 7,8% của Việt Nam.

Nhà kinh tế chỉ ra rằng nhu cầu trong nước vào năm 2023 có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát vẫn tăng cao, tác động muộn của việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của ngân hàng trung ương Bangko Sentral ng Pilipinas (BSP) vào năm 2022, cùng sự suy yếu của nhu cầu bị dồn nén và quá trình mở cửa trở lại.

Tiêu dùng cá nhân, chiếm trên 70% GDP, sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn bởi lẽ các hộ gia đình Philippines đã dốc tiền tiết kiệm và vay vốn do môi trường lạm phát cao, mặc dù các điều kiện thị trường lao động đã được cải thiện.

Bên cạnh đó, tâm lý kinh doanh suy yếu sẽ ảnh hưởng đến đầu tư. Tuy nhiên những dự án cơ sở hạ tầng của chính quyền Tổng thống Marcos sẽ cung cấp những gói hỗ trợ cụ thể.

Đến năm 2024, Philippines và Việt Nam được dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng GDP là 6,5%, tiếp theo là Indonesia với 6%, Malaysia với 4,8%, Thái Lan với 3,6% và Singapore với 2,8%.

Theo ông Teng, ban đầu lạm phát tăng cao là do giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao, đã lan rộng với các tác động vòng hai và cao hơn nhiều so với mục tiêu từ 2 đến 4% của Hội đồng tiền tệ Philippines (BSP).

Lạm phát trung bình ở mức 5,6% trong khoảng thời gian 11 tháng, trước khi chạm mức cao nhất trong 14 năm là 8% vào tháng 11. Diễn biến đó đã khiến BSP tăng lãi suất thêm 300 điểm cơ bản tính từ đầu năm cho đến nay.

Ông Teng dự báo mức lạm phát của Philippines sẽ ở mức trung bình 4,4% vào năm 2023. Lạm phát sẽ duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2023, sau đó sẽ đạt đỉnh và hạ nhiệt xuống phạm vi mục tiêu của BSP vào nửa cuối năm trong bối cảnh giá cả hàng hóa giảm và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục