ĐBSCL sẽ chịu áp lực lớn về bảo đảm an ninh nguồn nước

05:53' - 06/04/2016
BNEWS Theo thông tin từ Hội địa chất thủy văn Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đứng trước thách thức lớn về bảo đảm an ninh nguồn nước.
Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu áp lực lớn về bảo đảm an ninh nguồn nước. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Nguyên nhân quan trong là do tình trạng khai thác nguồn nước ngầm quá mức.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Văn Cánh, Hội địa chất thủy văn Việt Nam cho biết, các công trình khoa học chỉ ra rằng, chỉ có 3% tổng lượng nước trên trái đất là nước nhạt (ngọt), phần còn lại (97%) là nước mặn trong các đại dương.

Trong số 3% tổng nước ngọt trên trái đất, có tới 77% nằm ở vùng đóng băng vĩnh cửu (các khối băng vùng bắc cực, nam cực), còn lại chỉ 1% nước chứa trong sông, hồ trên khắp các châu lục và 11% nước dưới đất ở độ sâu từ 800m trở lại có thể khai thác sử dụng được, còn 11% nước dưới đất ở độ sâu từ 800m trở xuống không thể khai thác sử dụng trong điều kiện kỹ thuật như hiện nay.

Như vậy, chúng ta chỉ sử dụng được 12% lượng nước ngọt, trong đó chỉ 1% nước bề mặt, còn lại 11% là nước ngầm có thể khai thác được.

ĐBSCL với địa hình trũng, là hạ lưu của sông Mekong, cùng với hệ thống sông ngòi chằng chịt… được đánh giá là vùng trữ nước ngọt lớn nhất cả nước.

Thế nhưng, trên thực tế, tình trạng suy kiệt nguồn nước trong hệ thống sông, hạ lưu các hồ chứa và nước ngầm ở vùng ĐBSCL đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Nước ngầm không chỉ là tài nguyên vô tận, đặc biệt đối với những tỉnh giáp biển, nước ngầm còn là hệ thống điều phối để nước biển không xâm nhập mặn vào đất liền.

Để giảm thiểu tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Văn Cánh đặc biệt lưu ý đến việc sử dụng luân phiên nguồn nước, ông cho rằng, đây là cách sử dụng nước tối ưu và có lợi nhất.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Văn Cánh, cơ sở để đảm bảo cho việc sử dụng luân phiên nguồn nước mặt và nguồn nước dưới đất là dựa vào các hồ chứa nước mặt, nơi tập trung nước từ các sông suối để sau đó nước sẽ được chuyển với trữ lượng tối đa vào các kho chứa dưới đất.

Vào những năm lượng mưa đạt dưới trung bình, lượng nước trữ trong các hồ chứa là nguồn cung cấp chính, khi đó nước dưới đất được giữ lại chỉ phục vụ cho vòng tuần hoàn của kho nước dưới đất.

Vào mùa hạn hán khi nguồn nước mặt bị hạn chế, nó lại được bổ sung bởi nguồn nước dưới đất từ các giếng khoan và làm cho mực nước dưới đất lại hạ thấp xuống.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Văn Cánh khẳng định, cần có các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là nông dân trong việc tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước ngầm; không khoan giếng ồ ạt mà cần phải có sự tư vấn của chuyên gia về vị trí khoan cũng như độ sâu của giếng để đảm bảo không ảnh hưởng đến dòng chảy của nước ngầm...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Văn Cánh, ĐBSCL đang đứng trước thách thức lớn về bảo đảm an ninh nguồn nước, ngoài nguyên nhân do diễn biến theo quy luật tự nhiên của tài nguyên nước, điều kiện khí hậu, thủy văn, tác động của biến đổi khí hậu, còn do tác động của con người, như khai thác quá mức, sử dụng lãng phí, gây ô nhiễm...

Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa không được quy hoạch phát triển một cách khoa học đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, trữ lượng nguồn nước...

Ngoài ra, vệc khai thác, sử dụng nước tại các quốc gia ở thượng nguồn sông Mekong, cùng với sự xây dựng ồ ạt các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong đã ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ĐBSCL.

Theo một công trình nghiên cứu gần đây do Hội địa chất thủy văn Việt Nam công bố, đến năm 2015, trung bình vùng ĐBSCL đã bị tụt giảm lượng nước ngầm xuống 15m.

Nếu như trước kia chỉ cần đào sâu khoảng 100m đã có thể khai thác được nguồn nước ngọt đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ngày nay phải đào sâu gấp đôi, và vẫn có một tỷ lệ lớn nguồn nước ngầm đó bị nhiễm mặn, nhiễm hóa chất không sử dụng được.

Thêm vào đó là sự lãng phí nguồn nước ngọt do thói quen sản xuất và sự thiếu hiểu biết của người dân; do tập quán, canh tác nông nghiệp sử dụng nhiều nước, lại thiếu các biện pháp hợp lý giữ, trữ nước trong mùa mưa lũ để dùng dần trong mùa khô nên thường xuyên phải đối phó với tình trạng thiếu nước vào mùa khô ở nhiều nơi.

Đến mùa khô người dân lại ồ ạt khoan giếng, lấy nguồn nước ngầm để tưới cây và pha loãng nước mặn trong vuông nuôi tôm.

Từ thực tế này, các chuyên gia của Hội địa chất thủy văn Việt Nam đề xuất người dân nên sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, phủ màng nilong để giảm nước bốc hơi; đồng thời có có các biện pháp khác giảm độ mặn nước vuông tôm thay vì pha trộn nước ngọt như hiện nay.

Hội địa chất thủy văn Việt Nam đề xuất người dân nên sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Ở các tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh như Long An, Cần Thơ, An Giang… lượng nước thải từ cơ sở công nghiệp, khu công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, làng nghề, bệnh viện, khai thác khoáng sản… chưa qua xử lý mà xả trực tiếp vào sông ngòi, kênh rạch khiến nguồn nước bị ô nhiễm lan rộng trên quy mô lớn, làm suy thoái nghiêm trọng các nguồn nước sạch.

Điều này đòi hỏi nhà nước phải đưa ra khung pháp lý chặt chẽ, hình thức xử phạt đủ mạnh cũng như các biện pháp kiểm tra, kiểm soát để người dân, đặc biệt là doanh nghiệp không xả nước thải trực tiếp ra các dòng chảy tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường nước.

“Một trong những chỉ tiêu để đánh giá sự ổn định của nguồn nước là thời hạn phục hồi nguồn nước, nghĩa là thời gian cần thiết để nước vận động từ miền hình thành đến miền phá hủy. Đối với dòng chảy trên mặt tính trung bình cho toàn địa cầu, thời gian đó cỡ khoảng 16 ngày đêm, còn đối với dòng ngầm là 1,5 ngàn năm. Một khi nguồn nước ngầm bị cạn kiệt thì khả năng phục hồi rất khó và lâu. Kéo theo đó là những hệ lụy khôn lường về an ninh nguồn nước, sinh kế của người dân cũng như sự phát triển bền vững của toàn vùng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Văn Cánh nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục