ĐBSCL vẫn thiếu một trung tâm logistics đúng tầm

11:32' - 13/11/2015
BNEWS Ngày 13/11, ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, khẳng định xây dựng trung tâm logistics đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Cần Thơ là cấp bách và cần thiết.
ĐBSCL đang thiếu một trung tâm logistics đúng tầm. Ảnh: TTXVN

Xây dựng trung tâm logistics Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ là cấp bách và cần thiết. Việc thành lập trung tâm logistics đúng tầm cỡ sẽ góp phần tích cực cho sự phát triển bền vững và ổn định của Đồng bằng sông Cửu Long.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tại hội thảo “Chiến lược phát triển hệ thống logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030”, được tổ chức ngày 13/11, tại thành phố Cần Thơ, 

Ông Nguyễn Phong Quang cho rằng, đây sẽ là trung tâm dịch vụ hậu cần đa phương tiện trong lưu thông và phân phối hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu cho vùng. Hoạt động tốt của trung tâm logistics sẽ giảm thiểu tối đa chi phí đầu vào nhằm tăng giá trị gia tăng hàng hóa đối với các mặt hàng chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Cũng theo ông Nguyễn Phong Quang, kết quả nghiên cứu của nhiều quốc gia cho thấy nếu phát triển tốt năng lực logistics có thể làm cho thương mại các nước thu nhập thấp hay trung bình tăng trưởng đến 15%; đồng thời mang lại cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng giá rẻ và chất lượng dịch vụ đảm bảo hơn. 

Hội thảo “Chiến lược phát triển hệ thống logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2030" có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành liên quan, các nhà khoa học, chuyên gia cũng như nhiều đơn vị dịch vụ logistics của cả nước.

Hội thảo xoay quanh nhiều nội dung quan trọng như phát triển logistics vùng Tây Nam Bộ; liên kết vùng, xây dựng thương hiệu và chiến lược phát triển nguồn nhân lực logistics vùng Tây Nam Bộ; nâng cao hiệu quả kết nối dịch vụ logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long,... 

Ông Lê Văn Hỷ, Tổng biên tập Tạp chí VietNam Logistics Review cho rằng, nhu cầu phát triển hạ tầng và bài toán tăng cường chuỗi giá trị trong sản xuất, phát triển logistics thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh với hệ thống bến cảng đủ năng lực xếp dỡ chuyên nghiệp, các tuyến vận chuyển đường thủy có thể giảm tải cho đường bộ... góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện về kinh tế, cũng như phát huy năng lực cạnh tranh kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Tuy nhiên, hiện tại việc xây dựng chuỗi cung ứng - logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long chưa được chú trọng, hệ thống giao thông vận tải Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều trở ngại. Việc xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ logistics như dịch vụ giao nhận, kho vận, vận tải, cảng biển... là vấn đề cấp thiết hiện nay của Đồng bằng sông Cửu Long. 

Theo quy hoạch phát triển trung tâm logistics trên địa bàn cả nước, đến năm 2020, cả nước sẽ có 18 trung tâm logistics hoạt động, trong đó ba trung tâm hạng một và 15 trung tâm hạng hai. Tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có hai trung tâm logistics hạng hai đi vào hoạt động, trong đó, có một trung tâm logistics có quy mô tối thiểu 30 ha vào năm 2020 và 70 ha vào năm 2030, phục vụ các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau.../. 

Phạm Duy Khương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục