Để các sản phẩm OCOP Cà Mau chinh phục thị trường - Bài cuối: Nâng cao lợi thế cạnh tranh

16:05' - 10/05/2022
BNEWS Nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện chương trình OCOP cả về khách quan lẫn chủ quan đã được ngành chức năng tỉnh Cà Mau nhận diện.

Tuy nhiên, để các sản phẩm này từng bước tiếp cận, chinh phục thị trường vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó, không chỉ đẩy mạnh đa dạng hóa các hoạt động giao thương, kết nối xúc tiến các sản phẩm OCOP mà vấn đề cốt lõi là nâng cao hơn nữa giá trị thương mại cho sản phẩm…

*Đa dạng hóa các hoạt động giao thương

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Cà Mau đã linh động trong thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển và hỗ trợ các kênh tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều hình thức. Theo đó, bên cạnh việc hỗ trợ phát triển nhiều cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm thì cũng đồng thời đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho biết, đã qua ngành công thương đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại theo nhiều hình thức cả về truyền thống lẫn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, ngành cũng đã tập trung đào tạo nâng cao năng lực cho các chủ thể OCOP có sản phẩm giao dịch trên sàn thương mại điện tử để hoạt động có hiệu quả hơn.

Hiện, các sản phẩm OCOP của địa phương không chỉ có mặt trên sàn thương mại điện tử của tỉnh với tên miền là madeincamau.com mà đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử lớn như: Tiki, Lazada, Shopee, Amazon, Alibaba... Sở cũng đã chủ động kết nối bán hàng thông qua các kênh siêu thị ở một số tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Song song đó là hỗ trợ phát triển nhiều điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các đại lý phân phối, cửa hàng tiện lợi cả trong và ngoài tỉnh.

Ngay khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, từ đầu năm 2022, Cà Mau đã khẩn trương tổ chức chuỗi sự kiện “Họp mặt doanh nghiệp và các hoạt động phát triển sản phẩm OCOP” với nhiều hoạt động nổi bật như: Phiên giao thương kết nối 1:1 giữa các kênh phân phối, hệ thống siêu thị với chủ thể OCOP tỉnh Cà Mau; Hội nghị kết nối giao thương sản phẩm OCOP; Trưng bày và quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau… Đồng thời, tổ chứ các khóa tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng phát triển sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch cộng đồng.

Tín hiệu tích cực khi không chỉ đông đảo các doanh nghiệp, chủ thể OCOP trong tỉnh tham gia mà còn thu hút đông các nhà mua, doanh nghiệp phân phối ngoài tỉnh tham gia tìm kiếm cơ hội kết nối giao thương, hợp tác, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, qua sự kiện đã có 3 nhà mua lớn là: Siêu thị Big C, Siêu thị Tứ Sơn, Mekong Delta Ocop Group đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin, ký kết hợp tác với trên 30 chủ thể OCOP trong tỉnh.

Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chủ cửa hàng đặc sản Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ, chia sẻ, thời gian qua, cơ sở kết nối với 300 chủ thể, hơn 600 sản phẩm OCOP và hơn 1.000 đặc sản các tỉnh, thành cả nước, nhưng trong đó chỉ có 2 sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau gồm: Tôm khô Sông Đầm và Bánh Phòng tôm Vĩnh Hoà Phát.

“Cà Mau có nhiều đặc sản ngon, chất lượng mà cơ sở chưa có cơ hội để kết nối giao thương. Phấn khởi là ngay dịp này, cơ sở đã kết nối, ký hợp tác với hơn 10 chủ thể OCOP và tiếp tục tìm hiểu thêm các sản phẩm OCOP còn lại về chất lượng, mẫu mã để có hướng hợp tác trong thời gian tới”, ông Khiêm phấn khởi chia sẻ.

Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc Hợp tác xã Tân Phát Lợi, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển đánh giá, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã. Do đó, sự kiện này rất quan trọng để hợp tác xã có cơ hội tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.

Đồng quan điểm, chị Trần Diễm My, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương Mại Dịch vụ Du lịch Sinh thái U Minh Hạ, xã Khánh Thuận, huyện U Minh cho biết, đây là thời điểm tốt để công ty  có thể tái khởi động lại các dự định, ý tưởng mới đã “đóng băng” vì dịch COVID-19.

“Do đó, khi tham gia chuỗi sự kiện lần này công ty mong muốn tìm kiếm thêm các nhà phân phối, phát triển buôn bán sản phẩm trên nền tảng các trang thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước”, chị Trần Diễm My phấn khởi.

Theo UBND tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian tới, bên cạnh tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đặc biệt là trên nền tảng internet để quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực và sản phẩm OCOP thì địa phương sẽ tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại như: Tổ chức và tham gia các hội chợ triển lãm, các hoạt động hội nghị, hội thảo, diễn đàn; ký kết ghi nhớ hợp tác giữa các chủ thể OCOP và các hệ thống siêu thị, gian hàng thương mại; tham gia các sàn giao dịch điện tử, mở rộng các điểm trưng bày sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Từ đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, chủ thể OCOP tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi đưa nông sản, hàng hóa - dịch vụ, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng của Cà Mau đến với người tiêu dùng tại thị trường trong nước và quốc tế.

*Chủ động nâng cao giá trị thương hiệu

Như đánh giá của UBND tỉnh Cà Mau, tồn tại hiện nay của các sản phẩm OCOP chính là ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, chủ yếu là các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp.

Bên cạnh đó, vấn đề về sở hữu trí tuệ vẫn chưa được các chủ thể quan tâm đúng mức… nên khả năng tiếp cận, cạnh tranh trên thị trường còn thấp.  Về vấn đề này, ông Paul Le (Lê Bình Hoà, đại diện Tập đoàn Central Retail - chủ đầu tư của hệ thống siêu thị Big C) cho rằng, việc Cà Mau tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại là cơ hội quý để các doanh nghiệp có thể tìm hiểu sâu hơn các sản phẩm đặc trưng, chất lượng của địa phương.

“Các sản phẩm OCOP của Cà Mau phát triển từ những sản phẩm đơn thuần, chưa qua chế biến nhưng đã mang vị ngon, đặc trưng… rất có tiềm năng chinh phục thị trường. Do đó, cần thiết nhất bây giờ là xây dựng tên thương hiệu, bao bì, nhất là giá cả sản phẩm phải phù hợp với người tiêu dùng”, ông Paul Le đánh giá, đồng thời góp ý thêm, tất cả các sản phẩm OCOP vốn xuất phát từ truyền thống văn hoá địa phương, do đó, phải giữ gìn và phát huy văn hoá của chính sản phẩm đó để nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc siêu thị Tứ Sơn, tỉnh An Gian lưu ý, các chủ thể OCOP cần hiểu rằng, khi ra mắt một sản phẩm thì phải xem có sản phẩm đồng dạng trên thị trường hay không để từ đó có định hướng phát triển cụ thể, tạo cho sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.

“Một điều cũng cần lưu ý tuy nhỏ nhưng rất quan trọng là cách ứng xử, giới thiệu sản phẩm. Khi quyết định đưa một sản phẩm đến nhà mua, nhà phân phối… thì chủ thể cần xác định rõ nơi muốn mở rộng thị trường. Nếu còn mơ hồ với chính sản phẩm của mình sẽ không tạo được niềm tin với nhà mua, nhà phân phối. Cụ thể nhất là về hình thức bao bì, một số sản phẩm OCOP nên sử dụng hình ảnh đặc trưng của tỉnh. Và quan trọng nhất là hãy nhớ rằng, chúng ta bán hàng theo định hướng nhu cầu và linh hoạt của thị trường, chứ không phải theo ý muốn của chúng ta”, ông Tạ Minh Sơn gợi ý.

Bà Trần Thị Xa – Giám đốc Hợp tác xã Ba khía Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) đồng thuận, để sản phẩm có vị thế cạnh tranh trên thị trường thì việc tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm thôi là chưa đủ. Do đó, sản phẩm của hợp tác xã nói riêng và các chủ thể OCOP trong tỉnh Cà Mau rõ ràng cần phải đầu tư nhiều hơn về mẫu mã và cả cách tiếp cận thị trường. Để từ đó, sản phẩm mới có thể vươn xa hơn ở các thị trường mới.

Trong năm 2022, Cà Mau đề ra mục tiêu phát triển mới và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm; Công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt 3-4 sao; Nâng hạng ít nhất 3 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao; Phát triển, nâng cấp 28 - 30 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; Củng cố, nâng cao chất lượng kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các điểm bán hàng trên địa bàn tỉnh; Hướng dẫn, hỗ trợ 77 sản phẩm OCOP đã được tỉnh công nhận tham gia các hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm...

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhấn mạnh, công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện chương trình OCOP phải có trọng tâm, trọng điểm.

Bên cạnh đó, đối với các sản phẩm đã được công nhận cần phải tiếp tục có các giải pháp tiêu chuẩn hoá, phát triển, nâng cao chất lượng để nâng hạng và tạo dựng uy tín trên thị trường; trong đó, đặc biệt chú trọng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và phải có sự tham gia, trách nhiệm của cấp xã, cấp huyện để hỗ trợ chủ thể từ khi hình thành ý tưởng, xây dựng và triển khai phương án kinh doanh.

Đồng thời, hỗ trợ chủ thể tiếp cận tín dụng, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý chất lượng tiên tiến, chuyển đổi số... để các chủ thể có thể nâng cao năng lực, phát triển sản phẩm OCOP.

“Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường kết nối giao thương, thường xuyên trao đổi, hỗ trợ cho các chủ thể để các biên bản ký kết được triển khai thực tế… là rất căn cơ, không chỉ đẩy mạnh thực hiện trong năm nay mà cả những năm tiếp theo. Bởi từ đó sẽ tạo nền tảng vững chắc trong đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá, từng bước nâng cao hiệu quả kết nối giao thương, hợp tác bền vững và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Đặc biệt là tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (CPTPP, EVFTA, RCEP...). Riêng, đối với chủ thể OCOP cần tập trung cải thiện về chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và xây dựng các giải pháp để quảng bá giới thiệu sản phẩm; cần chủ động, mạnh dạn đầu tư nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần đưa sản phẩm Cà Mau vươn xa hơn nữa”, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thông tin./.

Xem thêm:

>>Để các sản phẩm OCOP Cà Mau chinh phục thị trường - Bài 1: Thời cơ, thách thức đan xen

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục