Đế chế tỷ USD của ông "trùm" đồ uống Tân Hiệp Phát

17:28' - 11/04/2023
BNEWS Trước khi dàn lãnh đạo vướng vòng lao lý, Tân Hiệp Phát được xem là một trong những "ông lớn" ngành đồ uống trong nước.

Sự việc ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát và con gái vừa bị bắt đã gây xôn xao dư luận, bởi đây là một trong những doanh nghiệp kinh doanh nước giải khát lớn tại Việt Nam với gần 30 năm hình thành và phát triển.

Trước khi dàn lãnh đạo bị vướng vòng lao lý, Tân Hiệp Phát được xem là một trong những "ông lớn" ngành đồ uống trong nước. Mặc dù chỉ là công ty gia đình, Tân Hiệp Phát có lợi nhuận sau thuế gần 3.000 tỷ đồng mỗi năm, có lúc bằng cả Pepsi và Coca-Cola cộng lại.

Đế chế tỷ USD đầy "bí ẩn"

Tân Hiệp Phát “bước chân” vào ngành nước giải khát kể từ năm 1994, tiền thân là nhà máy bia Bến Thành. Nhà máy thô sơ đầu tiên được vợ chồng ông Trần Quí Thanh gây dựng nằm trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh.

Đến năm 2001, Tân Hiệp Phát gây dấu ấn trên thị trường đến nhờ sản phẩm nước tăng lực Number 1.

Hàng loạt sản phẩm của Tân Hiệp Phát sau đó đã được người tiêu dùng biết tới như trà xanh 0 độ, trà thảo mộc Dr Thanh, nước ép trái cây Juicie, sữa đậu nành Soya…Việc kinh doanh thuận lợi đã giúp Tân Hiệp Phát bứt tốc mạnh mẽ, trở thành “ông lớn” trong ngành nước giải khát Việt Nam và trực tiếp cạnh tranh với các đối thủ lớn đến từ nước ngoài như Pepsi, Coca-Cola...

Năm 2018, trong một buổi chia sẻ với truyền hình quốc tế, ông Trần Quí Thanh xác nhận Tân Hiệp Phát đang đạt doanh thu 500 triệu USD/năm với 4.000 công nhân đang làm việc. Mục tiêu đến năm 2030 đạt doanh thu 3 tỷ USD.

Theo số liệu kinh doanh của Tân Hiệp Phát, năm 2014, Tân Hiệp Phát ghi nhận kết quả doanh thu khoảng 7.000 tỷ đồng, lãi trước thuế 930 tỷ đồng và lãi sau thuế 730 tỷ đồng.

Năm 2019, chỉ riêng nhà máy tại Bình Dương, doanh thu của Tân Hiệp Phát đạt 5.850 tỷ đồng, lãi sau thuế ở mức 1.554 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 31/12/2019, quy mô vốn chủ sở hữu của công ty chỉ là 648 tỷ đồng. Trong đó, nguồn lợi nhuận giữ lại chiếm phần lớn, đạt hơn 472 tỷ đồng.

Theo Bloomberg, trong năm 2019, ông Trần Quí Thanh đang tìm kiếm một đối tác chiến lược để có thể đầu tư 3 tỷ USD, giúp Tân Hiệp Phát trở thành một “Red Bull” tiếp theo trong khu vực.  

Thời điểm đó, Tân Hiệp Phát kỳ vọng sẽ tăng doanh thu gấp đôi lên 1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới và giá trị của doanh nghiệp có thể đạt 5 tỷ USD.

Trước đó, theo Forbes vào năm 2012, Tân Hiệp Phát đã từ chối đề nghị hợp tác với giá trị đầu tư lên đến 2,5 tỷ USD từ Coca-Cola của Mỹ với lý do là hai bên có tầm nhìn khác nhau.

Nếu chấp nhận thương vụ M&A lịch sử đó, ông Trần Quí Thanh có lẽ đã lọt danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes từ trước cả tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng. Với sự xuất hiện trong ForbesBooks từ năm 2018, ông Trần Quí Thanh được xem là gương mặt người Việt nữa sẽ nhanh chóng lọt danh sách tỷ phú USD. Mặc dù vậy, Tân Hiệp Phát chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tập đoàn Tân Hiệp Phát sở hữu 4 nhà máy sản xuất tại Bình Dương, Hà Nam, Chu Lai (Quảng Nam) và Hậu Giang, cùng các pháp nhân thành viên như Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Tân Hiệp Phát, Công ty TNHH Number One Hà Nam, Công ty TNHH Number One Chu Lai.

Mảng đồ uống của Tân Hiệp Phát tạo ra cả ngàn tỉ đồng lợi nhuận mỗi năm trong suốt một thời gian dài, giúp cho quy mô tài sản của doanh nghiệp tăng trong nhiều năm.

Tại thời điểm ngày 9/9/2022, Công ty Tân Hiệp Phát có vốn điều lệ 1.706 tỷ đồng với các cổ đông, gồm bà Phạm Thị Nụ nắm 54,49% vốn điều lệ, bà Trần Uyên Phương nắm 29,38% vốn điều lệ, bà Trần Ngọc Bích nắm 16,12% vốn điều lệ. Tuy nhiên, đến ngày 22/9/2022, vốn điều lệ đăng ký của Tân Hiệp Phát giảm còn 276 tỷ đồng nhưng các tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Thanh không thay đổi.

 

Tham vọng "khổng lồ" với mảng bất động sản

Trong nhiều năm qua, tập đoàn của ông Trần Quí Thanh được cho là mở rộng sang mảng bất động sản. Trong khoảng thời gian từ 18-24/4/2019, có 10 công ty được thành lập với cùng vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng và cùng cơ cấu sở hữu là bà Trần Uyên Phương nắm giữ 99,9%, bà Trần Ngọc Bích nắm giữ 0,05% và bà Phạm Thị Nụ nắm giữ 0,05%.

Đến ngày 14/5/2019, thêm Công ty cổ phần Đầu tư và Bất động sản Lộc Điền được thành lập với vốn điều lệ lớn hơn hẳn, đạt 3.830 tỷ đồng nhưng cơ cấu sở hữu vẫn không thay đổi.

Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, có ít nhất 11 công ty có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản đã được thành lập với tổng vốn điều lệ đăng ký lên đến 18.830 tỷ đồng. Ông Trần Quí Thanh rất ít khi đứng tên sở hữu phần vốn góp trong các công ty thuộc hệ thống Tân Hiệp Phát mà hầu hết do vợ - bà Phạm Thị Nụ và 2 con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đứng tên.

Bên cạnh những công ty có vốn tương đối lớn được thành lập gần đây, từ đầu năm 2018 đến nay gia đình ông Thanh cũng thành lập cả chục công ty khác. Một số cái tên đáng chú ý như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Quang Vinh có vốn 1.200 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Century Bay Đà Nẵng (772 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản TQT (50 tỷ đồng)...

Tuy nhiên điều bất ngờ là chỉ vài tháng sau khi thành lập, vào tháng 8-9/2019, hầu hết các công ty trong số này đã đột ngột công bố giải thể với cùng lý do là "Không có dự án để đầu tư, phát triển và về việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp không có hiệu quả".

Sau khi cho ngưng hoạt động loạt doanh nghiệp thành lập năm 2019 thì sang năm 2021-2022, Tân Hiệp Phát lại cho thành lập khoảng chục công ty mới với vốn điều lệ vài trăm tỉ đồng mỗi đơn vị, tất cả đều hoạt động ngành nghề bất động sản. Các doanh nghiệp này đều do các thành viên trong gia đình ông Thanh nắm vốn và làm đại diện pháp luật, trong đó phần lớn là do bà Trần Uyên Phương đứng tên.

Điều đáng nói, mảng bất động sản cũng chính là lĩnh vực ông Trần Quí Thanh và con gái rơi vào vòng lao lý.

Theo thông tin từ Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích thuộc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát.

Bộ Công an giao Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết nội dung Đơn của một số công dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai tố cáo ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và một số cá nhân khác đã thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Trốn thuế”, “Cưỡng đoạt tài sản” là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 11/2020.

Quá trình điều tra đến nay có đủ căn cứ xác định: Hành vi của Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự.

Ngày 8/4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích. Ngày 10/4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thi hành Lệnh bắt tạm giam đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương và tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 09 địa điểm đối với 3 bị can.

Các Quyết định, Lệnh của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn theo quy định pháp luật./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục